QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

"Chạy đua" trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2

.

Sau gần 3 tuần chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2, các nhân viên y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phải gồng mình suốt ngày đêm để thực hiện hàng ngàn mẫu xét nghiệm. Bởi, trước tình hình Covid-19 ngày càng phức tạp, việc xét nghiệm kịp thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần hạn chế thấp nhất mức lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Nhân viên CDC Đà Nẵng chạy đua với thời gian để cho ra kết quả xét nghiệm sớm và chính xác nhất. 		   	    Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên CDC Đà Nẵng chạy đua với thời gian để cho ra kết quả xét nghiệm sớm và chính xác nhất. Ảnh: PHAN CHUNG

Sáng 23-3, khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng (thuộc CDC) được giao nhiệm vụ lấy 400 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp hiện đang cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.

Từ khi các địa phương bắt đầu tiếp nhận các công dân trở về đợt thứ 2 (ngày 14-3) đến nay, việc tiếp nhận, lấy mẫu xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng được thực hiện với tần suất cao hơn, liên tục hơn. Ngoài ra, những trường hợp tiếp xúc gần với những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 cũng được giám sát và thực hiện lấy mẫu kịp thời.

Kỹ thuật viên xét nghiệm Phạm Viết Sơn, một trong những người tham gia lấy, tách mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 cho biết, quá trình lấy mẫu bệnh phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sau khi được khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm điều tra dịch tễ, cung cấp thông tin về các trường hợp cần lấy mẫu, nhân viên y tế thuộc khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng sẽ được phân công đến các nơi cần lấy mẫu.

“Có khi đến nơi, các trường hợp được lấy mẫu đang ăn cơm nên anh em phải chờ. Cũng có lúc lấy được ít mẫu, vừa chạy về trung tâm để thực hiện việc xét nghiệm, anh em lại nhận được thông tin về 1 hoặc 2 trường hợp khác cần được lấy mẫu tiếp, thế là lại mang đồ bảo hộ tiếp tục lên đường. Việc lấy mẫu không cố định thời gian mà liên tục theo yêu cầu thực tế”, anh Sơn chia sẻ.

Các mẫu bệnh phẩm được lấy xét nghiệm SARS-CoV-2 là dịch hầu họng và dịch tỵ hầu. Trong quá trình lấy mẫu, người được lấy mẫu rất dễ bị ngứa họng, ngứa mũi dẫn đến hắt xì, nôn ọe, làm gia tăng nguy cơ bắn các hạt nước li ti chứa virus gây bệnh cho nhân viên trực tiếp lấy mẫu. Chính vì thế, CDC Đà Nẵng luôn quán triệt, thực hành tốt việc sử dụng các trang phục bảo hộ như áo quần, găng tay, khẩu trang, kính mắt để bảo đảm an toàn.

Theo quy trình, các mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy về, các nhân viên y tế tại khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng sẽ thực hiện việc mã hóa để thống kê, phân loại mẫu bệnh phẩm; sau đó, thực hiện việc tách, xử lý mẫu bằng máy chạy ly tâm và công đoạn cuối cùng là chạy mẫu xét nghiệm để cho ra kết quả.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cho biết, mỗi lần thực hiện xét nghiệm, thiết bị phân tích được khoảng 40-50 mẫu và quá trình này kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ.

“Tuy nhiên, không phải cứ đợi đủ 40-50 mẫu mới thực hiện phân tích, có khi 1 mẫu cũng làm, 2 mẫu cũng làm bởi áp lực thời gian về việc lấy mẫu kết quả là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phòng, chống dịch”, chị Nhàn nói.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, việc đơn vị được Bộ Y tế cho phép chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 là một thuận lợi rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của thành phố. Bởi theo quy trình trước đây, các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy sẽ được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Sau khi lấy mẫu, các nhân viên y tế phải dùng ô-tô để vận chuyển mẫu vào Nha Trang. Có những lúc cấp bách, các nhân viên phải thay phiên nhau chạy xe xuyên đêm cho kịp.

Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, số lượng mẫu ngày càng nhiều lại phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả thường có sau 48-72 giờ, thậm chí lâu hơn. Sau 3 tuần chủ động, hơn 1.000 mẫu bệnh phẩm đã được các nhân viên CDC lấy và thực hiện xét nghiệm, giúp ngành y tế phân loại kịp thời và có cơ sở trong công tác phòng, chống dịch.

“Điều đáng nói, nhiều mẫu bệnh phẩm chúng tôi thực hành rất kỹ lưỡng, nhất là những trường hợp có nguy cơ cao. CDC Đà Nẵng sẵn sàng lấy mẫu 2 lần để xét nghiệm cho chắc chắn, tuyệt đối không để trường hợp nào bị bỏ sót làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.

Hiện nay, các khu cách ly tập trung đang tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp trở về từ các quốc gia, vùng có dịch. CDC Đà Nẵng chủ trương tăng cường lấy mẫu, kiểm tra sức khỏe những trường hợp này ngay từ khi bước xuống sân bay. Bên cạnh đó, các Trung tâm Y tế quận, huyện cũng được huy động để khám, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, hiện đang được theo dõi tại các cơ sở y tế.

“Lĩnh vực dự phòng vốn rất mất thời gian, đối diện với nhiều nguy cơ và đặc biệt là áp lực về thời gian xác định kết quả mẫu bệnh phẩm, lịch trình di chuyển, thời gian, đối tượng tiếp xúc của người được xét nghiệm. Chính vì vậy, chúng tôi quán triệt toàn bộ nhân viên luôn trong tâm thế sẵn sàng, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Bởi, nếu kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ được rút ngắn chừng nào thì đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ được hạn chế chừng ấy”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.