.
Hoa của đất

Nhà toán học lỗi lạc của quê hương Gò Nổi - Kỳ Lam

.
Tại Đại hội Toán học Thế giới ở Hyderabad, Ấn Độ, tháng 8-2010. Từ trái sang phải: GS Ngô Huy Cẩn, thân sinh của GS Ngô Bảo Châu; GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học trẻ được tặng Huy chương Fields; GS Pháp Gérard Laumon, người thầy học cũ của GS Ngô Bảo Châu; GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học.
Tại Đại hội Toán học Thế giới ở Hyderabad, Ấn Độ, tháng 8-2010. Từ trái sang phải: GS Ngô Huy Cẩn, thân sinh của GS Ngô Bảo Châu; GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học trẻ được tặng Huy chương Fields; GS Pháp Gérard Laumon, người thầy học cũ của GS Ngô Bảo Châu; GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam và GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học.

Hoàng Tụy và Ngô Việt Trung là hai nhà toán học cùng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Hai ông được coi là hai gương mặt tiêu biểu của giới toán học Việt Nam làm việc ở trong nước mà vẫn lập nên sự nghiệp tầm cỡ thế giới. GS Hoàng Tụy đã được giới thiệu rộng rãi. Bài tùy bút đầu xuân này viết về GS Ngô Việt Trung và những đồng nghiệp của ông, xen lẫn một số đoạn trữ tình ngoại đề.

Tiếng vang của một sự nghiệp toán học đến tận miền bắc Ý

Non nước đương chờ
gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát
chinh phu…  

Tôi cố nhiên không phải là một kẻ “chinh phu” nuôi mộng tưởng hải hồ, như trong thơ Thế Lữ thời Tự lực Văn đoàn! Tuy nhiên, hình như cái nghiệp phóng viên khoa học đã tạo cho tôi nhiều cơ may để dạo “gót lãng du” khắp 3 châu lục Á, Âu, Mỹ, qua 22 nước mà không đến nỗi quá tốn tiền! Lặng lẽ một mình tôi trải nghiệm cảnh cô đơn nơi đất khách quê người:

Giũ áo phong sương
trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón
xuân sang…

Đó là lần tôi sống qua đêm giao thừa trên một căn “gác trọ” ở vùng Tây Giao, Bắc Kinh, “lặng nhìn thiên hạ” - tức bạn bè Trung Quốc - “đón xuân sang” trong tiếng pháo trừ tịch đì đùng nổ ran. Rồi mấy năm sau, lại được một mình ghé vào nhà thờ Đức Bà Paris trong đêm Giáng sinh, hay sống qua Ngày Tình nhân (Valentine’s Day) ở Chicago nước Mỹ giữa rừng cao ốc chọc trời…

GS Ngô Việt Trung
GS Ngô Việt Trung

 

Nhưng có lẽ cuộc hành trình để lại nhiều “dấu ấn” nhất là “chuyến đi nghìn dặm” xuyên châu Âu từ Liên bang Nga qua Litva, đến Cộng hòa Czech, Cộng hòa Slovakia, sang Ba Lan, Đức, Luxemburg, Hà Lan, Bỉ, rồi ngồi tàu cao tốc TGV chui ngầm dưới đáy eo biển La Manche (người Anh gọi là The Channel) sang London, đến thăm Đại học Oxford cổ kính; rồi lại quay trở về Paris, đi tàu hỏa đến Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Ý… Nhờ lang bang như thế, tôi mới viết nên thiên ký sự trữ tình 262 trang nhan đề Đất Việt cuối trời xa được Nhà xuất bản Dân Trí in cuối năm 2010.

Tôi đến Trieste, thành phố ven biển Adriatic, ở miền bắc Ý vào một buổi chiều thu muộn. Tàu chầm chậm lăn bánh vào ga. Bên trái con đường sắt, là mặt biển mờ sương, thấp thoáng những con thuyền thể thao căng buồm trắng lóa. Bên phải, là rừng thông biếc xanh trên vách đá dựng đứng và những ngôi nhà mái dốc, ngói đỏ tươi. PGS, TS Nguyễn Mộng Giao và TS Nguyễn Văn Kính đón tôi ở sân ga.

Đến thăm Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) cũng như Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba (TWAS) lần ấy, tôi muốn tận mắt thấy những người bạn thân quen như PGS Nguyễn Bá Ân, PGS Nguyễn Mộng Giao, TS Nguyễn Văn Kính và 15 nghiên cứu sinh nước ta đang làm việc ở Trieste, được ICTP và TWAS “bao cấp” hoàn toàn. Mỗi năm nơi đây đón khoảng 4.000 nhà khoa học đến làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn, trong đó có nhiều nhà vật lý và toán học Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập ICTP (vào năm 1964), Trieste đã đón hơn 100 nghìn nhà khoa học đến từ 170 nước; 2/3  từ các nước đang phát triển ở phương nam; 1/3 từ các nước phát triển cao ở phương bắc.

Ngô Việt Trung đã đạt được những kết quả đáng chú ý về nghiên cứu và tổ chức. Ông công bố những công trình đáng khâm phục, đầy ý nghĩa về những chủ đề cốt lõi của đại số giao hoán hiện đại, một trong những công cụ chính để nghiên cứu hình học các vật được xác định bởi các phương trình đa thức.

Abdus Salam, nhà vật lý Pakistan được tặng Giải thưởng Nobel năm 1979, là Giám đốc đầu tiên của ICTP và cũng là Chủ tịch đầu tiên của TWAS. Ông muốn thông qua mối giao lưu bắc - nam để giúp các nhà khoa học phương nam dần dần tiếp cận trình độ phương bắc.

Trong bài tùy bút đầu xuân trên Báo Đà Nẵng này, tôi xin nhắc tới một cuốn sách mỏng, nhan đề TWAS - Members Elected in 2000 (Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba - Những viện sĩ được bầu năm 2000) mà tôi được TWAS tặng. Sách dành hẳn một trang viết về nhà toán học Việt Nam:

“Ngô Việt Trung đã đạt được những kết quả đáng chú ý về nghiên cứu và tổ chức. Ông công bố những công trình đáng khâm phục, đầy ý nghĩa về những chủ đề cốt lõi của đại số giao hoán hiện đại, một trong những công cụ chính để nghiên cứu hình học các vật được xác định bởi các phương trình đa thức. Trong nghiên cứu toàn cục của các vật hình học hay nghiên cứu các điểm kỳ dị, một trong những khó khăn là cấu trúc đại số  trở nên cực kỳ phức tạp. Một thành quả của ông là tìm ra phương pháp đại số thích đáng để nghiên cứu những biến dạng của các vật hình học. Những đóng góp của ông khiến ông trở thành một trong những nhà đại số học quan trọng nhất thế giới (one of the world’s leading algebraists)”.

Sách ghi rõ: Ngô Việt Trung sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 8-5-1951, đỗ thạc sĩ năm 1974, tiến sĩ năm 1978, tiến sĩ habil (tiến sĩ khoa học) năm 1983 tại Đại học Halle, Đức. Trong những năm 1983-1990 (32 tuổi), ông là Phó Giáo sư Viện Toán học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ năm 1991 (40 tuổi), là giáo sư, trưởng phòng đại số và lý thuyết số Viện Toán học. Ông là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Nagoya, Nhật Bản, 1982; Đại học Halle, Đức, 1983; Đại học Genoa, Ý, 1985, 1988; Viện Max-Planck Toán học, Bonn, Đức, 1987, 1993, 1997; Đại học Essen, Đức, 1990, 1995, 2000; Đại học Cologne, Đức, 1990; Đại học thủ đô Tokyo, Nhật Bản, 1999…

Lĩnh vực nghiên cứu của ông rất rộng, bao gồm: đại số giao hoán, bất biến của vành địa phương và phân bậc, cơ sở Glöbner, đối đồng điều địa phương, hình học đại số, đa tạp định thức, chỉ số chính quy Cartelnuovo-Mumford...

Đoạn văn nói trên hình như quá “khô khan”, theo cái kiểu “liệt kê thông tấn”, chẳng “bay bổng” như “thơ” chút nào! Nhưng nó đầy ắp thông tin chuẩn xác về sự nghiệp của một nhà toán học tầm cỡ thế giới. Âu đó cũng là một nét “dị biệt” trong văn phong toán học và thơ ca?

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba được thành lập ngày 5-7-1985 tại Trieste. Ban đầu, các viện sĩ của Viện là những người có gốc gác từ các nước đang phát triển, nhưng đã được tặng Giải thưởng Nobel, hay đã trở thành viện sĩ hàn lâm ở các nước phát triển. Về sau, các viện sĩ và viện sĩ thông tấn được bầu là công dân các nước đang phát triển đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất (have attained the highest international standards).  

Quy trình bầu viện sĩ và viện sĩ thông tấn được quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm minh.

Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ TWAS năm 2000, khi ông 49 tuổi, nghĩa là còn trẻ. Ông là viện sĩ thứ 7 người Việt Nam: Nguyễn Văn Hiệu (vật lý lý thuyết), Đào Vọng Đức (vật lý lý thuyết), Nguyễn Huy Phan (y học, đã mất), Vũ Tuyên Hoàng (nông học, đã mất), Lê Dũng Tráng (toán học), Nguyễn Văn Đạo (cơ học, đã mất), Ngô Việt Trung (toán học).

Sau Ngô Việt Trung, còn có thêm 5 nhà toán học Việt Nam nữa trở thành viện sĩ TWAS: Hà Huy Khoái (toán học), Đào Trọng Thi (toán học), Lê Tuấn Hoa (toán học), Phan Quốc Khánh (toán học) và Hoàng Xuân Phú (toán học).

Qua bản danh sách ấy, ta thấy rõ: Các nhà toán học chiếm tuyệt đại đa số. Ngay cả hai nhà vật lý lý thuyết Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức thì cũng có thể coi là nhà toán học trong vật lý. Hay nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo là nhà toán học trong cơ học.

Rõ ràng toán học là ngành khoa học cơ bản số một của Việt Nam mà thành tựu được giới bác học quốc tế thừa nhận.

Không phụ lòng đất nước mà mình đã chịu ơn

Mới ba tuổi, cậu bé Trung mắc chứng bệnh bại liệt. Mẹ cậu là y tá quân đội, nên cấp cứu kịp thời, giữ lại được mạng sống, nhưng nửa người bên trái của cậu bị liệt hoàn toàn. Về sau, nhờ tập luyện mà hồi phục dần, nhưng cái chân trái vẫn mang tật suốt đời.

Lĩnh vực nghiên cứu của ông rất rộng, bao gồm: đại số giao hoán, bất biến của vành địa phương và phân bậc, cơ sở Glöbner, đối đồng điều địa phương, hình học đại số, đa tạp định thức, chỉ số chính quy Cartelnuovo-Mumford...

Là con trai nhà ngoại giao nổi tiếng Ngô Điền, thời trẻ, Ngô Việt Trung theo học Trường Việt - Đức, Hà Nội. Năm 1969, anh giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Anh cũng đỗ đầu cuộc thi kiểm tra kiến thức toán dành cho các học sinh đi du học mà người ra đề là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. Năm ấy, Việt Nam chưa dự thi Olympic Toán Quốc tế, chứ nếu dự, thì - theo tôi - anh Trung có thể đoạt huy chương vàng.

Năm 1969, anh được gọi đến tập trung để chuẩn bị đi du học. Anh sẽ sang Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đó, anh nghĩ sở dĩ mình được đi du học là do mình học giỏi. Mãi sau này, anh mới biết: Theo thỏa thuận nước ta ký với các nước bạn, thì anh không đủ tiêu chuẩn du học, vì bị liệt một chân, phải chống nạng đến trường!

Nhưng Bộ trưởng Bửu vẫn gọi anh đến tập trung. Lúc đầu, bác Bửu xin cho anh sang học ở Liên Xô, nhưng bạn từ chối. Vừa lúc đó, một đoàn cán bộ Bộ Đại học CHDC Đức đến Hà Nội. Bác Bửu nói chuyện thẳng với ông thứ trưởng, trưởng đoàn, về trường hợp anh - một tài năng trẻ, về sau, rất có thể lập nên nghiệp lớn! Thế là ông này vui vẻ nhận anh sang Đức. Trong thời gian học ở Đức, theo đề nghị của bác Bửu, anh được các bác sĩ nước bạn mổ xẻ chữa khỏi một phần di chứng bại liệt, không phải chống nạng nữa, chỉ còn đi cà nhắc.

Một ngày trong năm 1972, Trung và hai bạn người Việt cùng trường bỗng nhận được điện thoại từ Sứ quán ta, nhắn ba người đến gặp ngay bác Bửu tại căn phòng bác lưu trú ở Hotel Stadt Berlin, khách sạn lớn nhất thủ đô nước bạn thời ấy. Đầu tiên, bác hỏi ba bạn trẻ đã học được những gì; rồi sau đó, bác kể kinh nghiệm bác học tại Đại học Oxford nước Anh. Cuộc “đàm đạo” dần chuyển sang chuyện tiếu lâm từ lúc nào không biết! Và ba bạn trẻ cứ há hốc mồm ra mà cười, quên mất rằng người kể chuyện là một vị… Bộ trưởng! Lúc bác Bửu định đi ngủ thì trời đã khuya. Bác bảo ba bạn trẻ cùng ngủ ngay trong phòng với bác, trải nệm xuống sàn. Trước khi ngủ, bác còn dạy cách bấm huyệt chữa mỏi lưng, nhức đầu. Một kỷ niệm suốt đời không thể nào quên!…

- Tôi là người chịu ơn bác Bửu nhiều lắm! Nếu không được bác đặc cách cử đi học nước ngoài, thì chưa chắc tôi đã theo nghiệp toán!- Sau này, GS Ngô Việt Trung kể lại- Đất nước ta ngày ấy có một nhà lãnh đạo khoa học và giáo dục tài đức vẹn toàn, lại vô cùng giản dị, chan hòa, lẽ nào tôi dám phụ lòng, không trở về nước?

Như “trở lại trái tim mình”

Ngô Việt Trung trở về Hà Nội, với tâm thế “trở lại trái tim mình”, như một lẽ đương nhiên, “là thêm sức để đi xa”. Nếu người nào học xong, thành tài cũng ở lại nước ngoài, rồi tự bào chữa rằng mình là “công dân thế giới”, thì lấy ai xây đắp nền khoa học nước ta?

Chiều về trên làng quê xứ Quảng. Ảnh: Huy ĐẰNG
Chiều về trên làng quê xứ Quảng. Ảnh: Huy ĐẰNG

Anh nhận việc tại Viện Toán học. Biết tin ấy, bác Bửu liền mời anh tới gặp tại nhà riêng của bác ở phố Hoàng Diệu, sát kề nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì bác Bửu từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thời chống Pháp. Anh trình bày nội dung bản luận án tiến sĩ để bác Bửu nghe, mà không hề ngờ rằng bác lại hiểu rất nhiều về đại số giao hoán - chuyên ngành anh đang nghiên cứu.

Năm 1980, bác Bửu đưa cho anh mượn hai cuốn vở dày, ghi chép gần như toàn bộ cuốn sách toán tiếng Pháp Algèbre locale - multiplicités (Đại số địa phương- số bội) của J.-P. Serre, một cuốn sách kinh điển về đại số giao hoán. Trang đầu của một trong hai cuốn vở đó có ghi: “Bửu, Đồ Sơn, 1973”. Như vậy là bác Bửu đã đọc rất kỹ cuốn sách của Serre ngay từ năm 1973, lúc anh Trung mới tập tễnh vào nghề bên Đức.

May mắn thay, GS Tạ Quang Bửu không phải là một vị Bộ trưởng “cao đạo”, đầy quyền uy, mà là một người thầy, người bạn vong niên gần gũi, “tri âm, tri kỷ” của giới toán học nước ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được vinh danh là vị “Đại tướng của Nhân dân”, thì Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng xứng đáng được vinh danh là vị “Bộ trưởng của Nhân dân”. Hai ông đều là những người gần gũi Bác Hồ, sống giữa lòng nhân dân, “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, trong những ngày gian nan ở vùng rừng xanh Định Hóa - Tân Trào…

Một người con của Gò Nổi - Kỳ Lam

GS Ngô Việt Trung được cử làm Tổng Biên tập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica 16 năm liền. Ông đã công bố 88 công trình trên các tạp chí quốc tế hàng đầu, 74 công trình được Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI) ở Mỹ ghi nhận. Từ năm 2000 đến nay, công trình của ông được trích dẫn trong 600 bài báo khoa học. Chỉ số trích dẫn (citation index) chứng tỏ công trình có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao.

Ông được mời làm chủ tịch 12 hội nghị quốc tế tổ chức ở phương Tây về đại số giao hoán, toán học rời rạc và tổ hợp, chỉ số chính quy, đối đồng điều địa phương.

Năm 2009, ông được tặng Giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Viện Toán học là nơi tập hợp nhiều nhà toán học hàng đầu nước ta, có tới 28 tiến sĩ khoa học, 39 tiến sĩ, 19 giáo sư, 22 phó giáo sư.

Gần nửa thế kỷ qua, Viện đã công bố hơn 1.400 công trình trên các tạp chí quốc tế, hơn 700 công trình trên 2 tạp chí của Viện là Acta Mathematica VietnamicaVietnam Journal of Mathematics. Trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Toán học là viện có nhiều công trình công bố quốc tế nhất. Xếp thứ hai là Viện Vật lý.

Tính đến gần đây, đã có 7 luận án tiến sĩ khoa học và 121 luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Viện; hơn 200 thạc sĩ do Viện đào tạo.

Viện Toán học ở Hà Nội được TWAS đánh giá là một “viện xuất sắc” (institute of exellence) trong Thế giới thứ ba.

GS Ngô Việt Trung giữ chức Viện trưởng Viện Toán học trong 5 năm (2007-2013). Hiện nay, ông chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (Chủ tịch là GS Ngô Bảo Châu).

GS Lê Tuấn Hoa, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng Viện Toán học từ ngày 1-6-2013, cho biết: Hội hiện quy tụ hơn 1.000 tiến sĩ toán. Cộng đồng toán học rộng rãi và nghiêm túc ấy thừa nhận: Hoàng Tụy và Ngô Việt Trung là hai gương mặt tiêu biểu làm việc tại Hà Nội, “đứng chân” trên dải đất Việt Nam, mà vẫn đạt được thành tựu toán học ngang tầm thế giới.

Hai nhà toán học tiêu biểu ấy- có phần ngẫu nhiên chăng? - là “đồng hương xứ Quảng”, cùng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, không xa thành phố Đà Nẵng, trên vùng đất Gò Nổi - Kỳ Lam kiên cường chống Mỹ, bên hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn.

Cuộc đời của hai giáo sư chứng tỏ: Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi đất nước bị bao vây, cấm vận, nhà khoa học vẫn có thể vươn lên tạo dựng sự nghiệp lớn, được giới bác học quốc tế thừa nhận...

HÀM CHÂU

;
.
.
.
.
.