.

Hồi sinh một dòng sông

.

Từ một dòng sông “chết” vì ô nhiễm nghiêm trọng, nay sông Phú Lộc đã hồi sinh, kéo theo sự “hồi sinh” cuộc sống của người dân sống dọc đôi bờ con sông này.

Phố mới bên dòng sông Phú Lộc.
Phố mới bên dòng sông Phú Lộc.

Như sợ chúng tôi không tin lời, ngư dân Lương Văn Khánh, trú tổ 30, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cứ một hai giục: “Anh xuống đây, để tôi bơi thúng ra giữa sông rồi xem thử đúng là con sông hết thối như lời tôi nói không”. Thực là “trăm nghe không bằng một thấy”, khi chiếc thúng nhẹ nhàng lướt ra giữa con sông Phú Lộc xanh ngắt, quả thật không còn mùi hôi nào nữa. Trước mắt tôi, giờ đây hình ảnh một con sông “chết” đôi bờ phủ kín cỏ cây dại đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó một con sông rất đẹp và trong xanh. Dọc theo hai bờ sông là hàng rào chạy uốn lượn theo dòng sông, và cứ cách đều đặn khoảng 100 mét là có một luống hoa xinh xắn. Nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Khánh cười thoải mái: “Thiệt không ngờ, trước khi có dự án, con sông này bị “chết” rồi vì đặc quánh rác, mùi hôi thối thì không ai chịu nổi. Là một ngư dân, nhưng nhiều năm trước chúng tôi không còn bắt được con cá nào trên dòng sông này, mà tất cả đều phải ra biển mới mong kiếm được con tôm, con cá”.

"Sự thành công của dự án đã cho chúng ta một bài học về quy trình xây dựng dự án hết sức khoa học của đối tác là WB. Mọi hạng mục của dự án đều mời người dân tham gia ý kiến đóng góp và xếp loại thứ tự các hạng mục ưu tiên cần làm trước."

Ông Bùi Hồng Trung, Trưởng phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình, Sở GTVT

Không vồn vã như anh Khánh, nhưng anh Dân quyết mời tôi về bằng được ngôi nhà của mình nằm cạnh con sông để ăn bữa cháo cá sông Phú Lộc. Sau khi vợ anh bưng lên cho chúng tôi một tô cháo cá to thơm phức, anh thủng thỉnh nói: “Ngày xưa thì tôi không dám mời anh ăn cháo cá sông Phú Lộc này đâu, nguy hiểm lắm! Nhưng vài ba năm nay, từ khi con sông “sống” trở lại thì con tôm, con cá cũng về đây. Sông có cá sống trở lại, nghề đánh bắt cá như tụi tôi cũng có thêm nguồn thu nhập. Nếu ngày thời tiết đẹp thì ra biển, còn mưa gió thì mình đánh bắt cá trên sông này nên cũng yên tâm khi mùa mưa bão đến”. Anh Dân còn khoe: “Nhờ rứa mà cả hai đứa con mới tiếp tục đi học được. Đứa lớn học hết 12, rồi nhờ phường giới thiệu là dân trong vùng dự án cải tạo sông Phú Lộc nên được nhận vô làm công nhân may ở Công ty CP Dệt may 29-3, còn đứa nhỏ năm nay học lớp 12”. Thấy xôm chuyện, vợ anh, chị Phạm Thị Kim, cũng lên góp lời: “Ngày trước nhà tôi ở ngay mép sông Phú Lộc, đoạn gần ngã ba đó. Cực lắm anh ơi, mùa nắng thì thối kinh khủng, còn mùa mưa nước sông tràn hết vô nhà, phải về nhà nội ở tạm. Chừ thì sướng rồi, không hôi thối gì nữa, tối lại vợ chồng còn đi dạo hóng mát dọc con sông, thích lắm”.

Chia tay gia đình anh Dân, từ cầu Phú Lộc theo đường Yên Khê 2, chúng tôi ngược về phía thượng lưu. Quả thực, những gì chúng tôi tận mắt chứng kiến là thật khó tin. Khoảng hơn 5 năm trước, khi đến sông Phú Lộc để viết về ô nhiễm của con sông này, dù rất quyết tâm nhưng chúng tôi cũng không thể đi xa được bao nhiêu. Vì dọc  bờ sông chỉ toàn đường đất cỏ dại mọc phủ đầy, và rác thì ngập đến tận đầu gối. Thế mà giờ đây, dọc hai bên con sông là hai con đường Yên Khê 1 và Yên Khê 2 thảm nhựa phẳng phiu, uốn lượn theo sát dòng sông, còn hai bên đường gần như đã lấp kín nhà dân. Trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc lại chuyện sông Phú Lộc ngày xưa, chị Lê Thị Hiền, chủ một quán nước giải khát nhỏ nằm ven sông, vui vẻ bật mí: “Ngày xưa, tôi quen một anh dưới phố thời gian khá dài, vậy mà một lần đến thăm gia đình tôi, rồi sau đó anh không gặp tôi nữa. Anh sợ nơi tôi ở. Còn bây giờ thì nhờ con sông được cải tạo mà khu nhà trọ cho sinh viên thuê cũng có người thuê trở lại, thêm quán nước nhỏ ni nữa nên kinh tế cũng ổn để lo cho con”.

Trẻ em chơi đùa trong sân của khu chung cư được xây dựng từ dự án (ảnh trái). Anh Võ Thành chăm sóc những luống hoa cúc chuẩn bị bán vào dịp Tết, phía sau là khu chung cư “mọc” lên từ khu nghĩa địa cũ.
Trẻ em chơi đùa trong sân của khu chung cư được xây dựng từ dự án (ảnh trái). Anh Võ Thành chăm sóc những luống hoa cúc chuẩn bị bán vào dịp Tết, phía sau là khu chung cư “mọc” lên từ khu nghĩa địa cũ.

"Sự thành công của dự án là một hình mẫu cần nhân rộng giữa WB với một địa phương tại Việt Nam."

Bà  Keiko Soto, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi thực sự ngạc nhiên chính là sự xuất hiện một khu chung cư khá bề thế và một ngôi trường khang trang ngay tại khu vực nghĩa địa thuộc tổ 69, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Anh  Võ Thành, một người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, giới thiệu với niềm tự hào ngời lên đôi mắt: “Ở đây ngày xưa có nhiều nhà nhưng chủ yếu xây theo kiểu tự phát, xen kẽ với khu nghĩa địa. Đường không có, điện thì câu mắc tạm, nước cũng không. Nói chung, tiếng là dân thành phố mà còn thua dân miền núi. Nhưng khổ nhất là con sông Phú Lộc ô nhiễm nặng quá ảnh hưởng đến sức khỏe đã đành mà việc làm ăn cũng không được. Rứa mà khi dự án triển khai là thay đổi hết. Sông Phú Lộc hết thối, khu nghĩa địa ngày xưa bây giờ là một chung cư rất đẹp, còn mé sát sông ngày xưa cứ chiều xuống đã không ai dám đi,  nay là một ngôi trường với 20 lớp học”. Còn ông Mai Mường,  năm nay đã 82 tuổi, ở phòng 301, khu chung cư này cũng tỏ ra vui vẻ: “Trước đây tôi ở đường Phạm Ngũ Lão, chật chội và ồn ào quá, chừ về đây hưởng tuổi già thấy thoải mái lắm. Chung cư này trật tự và sạch sẽ, mọi cái đều nền nếp, từ phòng ở, nhà để xe, đến phòng sinh hoạt cộng đồng đều có đủ cả”.

Chuyến trở lại thăm con sông Phú Lộc của chúng tôi bỗng trở thành một câu chuyện vui kéo dài, từ chuyện con sông “sống” trở lại, đến chuyện đường sá, trường học... Điều mà với những người lạc quan nhất thì trước đây vài năm cũng không dám nghĩ tới, sẽ có một ngày con sông Phú Lộc hồi sinh. Và sự thật con sông đã hồi sinh!

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) với vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng, có tổng mức đầu tư 218,4 triệu USD. Trong đó vốn IDA (vốn ưu đãi đặc biệt) của WB 152,4 triệu USD và vốn đối ứng trong nước trên 66 triệu USD. Dự án do UBND thành phố làm chủ quản, Sở GTVT thành phố làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là nâng cao tính hiệu quả bền vững của dịch vụ đô thị thông qua việc nâng cấp đô thị, cải thiện hạ tầng môi trường và xây dựng các tuyến đường giao thông. Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hạng mục cải tạo sông Phú Lộc và các khu dân cư, nâng cấp hạ tầng giao thông thuộc hợp phần A. Thời gian thực hiện từ 25-11-2008 đến 30-6-2013.

TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.