.

Kỳ vọng "Năm doanh nghiệp 2014"

.

Năm 2014 được thành phố Đà Nẵng chọn làm “Năm doanh nghiệp” với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để có một “Năm doanh nghiệp” mang nhiều dấu ấn trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, Đà Nẵng Xuân Giáp Ngọ 2014 mở Bàn tròn Doanh nghiệp để cùng đóng góp một số nhóm giải pháp cần thiết để đồng hành cùng chính quyền trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ thăm khu sản xuất Veston của Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: ĐỨC THỊNH
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ thăm khu sản xuất Veston của Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Đà Nẵng:

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi

 

Trong các giải pháp hỗ trợ DN, chính quyền thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế và tạo cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư; công khai minh bạch, phổ biến rộng rãi các dự án, các chương trình đầu tư, phát triển, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giúp DN biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ, ưu đãi của thành phố và của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ DN tiếp cận về tài chính và vốn vay. Hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho bằng các cơ chế chính sách, tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin mở rộng thị trường… Bên cạnh đó, sớm triển khai hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất, nhu cầu sử dụng đất thiết thực có kết quả, trong đó thành phố cần có sự linh hoạt điều chỉnh giảm giá thuê đất, thời hạn thuê và thời hạn trả tiền thuê để hỗ trợ DN.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn đang trở thành vấn đề bức bối của DN. Trong lúc hàng hóa bị tồn kho, dòng tiền không luân chuyển được, nợ cũ chưa trả hết, DN muốn đầu tư sản xuất lại không được ngân hàng cho vay mới. Cái vòng luẩn quẩn đó đã làm khó DN, khiến DN quay cuồng trong cơn “khát” vốn. Nhiều DN “chết lâm sàng” vẫn cố gắng cầm cự chờ các giải pháp hỗ trợ của thành phố nhưng cũng không mấy khả quan khi nguồn vốn khó tiếp cận như hiện nay. Vì vậy, trong năm tới, thành phố cần yêu cầu các ngân hàng triển khai một số biện pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng như miễn, giảm lãi vốn vay; không thu lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc, nợ lãi trả sau… theo như chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty Seatech:

Chính quyền phải là cầu nối cho doanh nghiệp

 

Năm 2014, cộng đồng DN chúng tôi mong muốn thành phố sớm đưa ra các giải pháp căn cơ và cụ thể để hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho cho một năm làm ăn hiệu quả và sáng sủa hơn. Để giải quyết “tận gốc” nỗi lo này, chính quyền thành phố phải là “cầu nối” cho các DN trong việc tăng cường công tác xúc tiến thị trường, mở rộng tác dụng quảng bá nhằm nâng tầm thương hiệu của DN. Vai trò cầu nối này có tác dụng rất lớn nhằm hỗ trợ DN có thêm thông tin xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng tại các thị trường truyền thống ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đưa các sản phẩm của địa phương cũng như trong nước có mặt nhiều hơn trên các kệ hàng, đủ sức cạnh tranh với mặt hàng Trung Quốc và nước ngoài.

Thành phố là cầu nối cho DN tìm kiếm thị trường nhưng đồng thời cũng cần phải tạo mối liên kết giữa các hiệp hội, hội ngành nghề để hỗ trợ nhau trong việc giới thiệu và đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nhằm làm giảm chi phí đầu tư cho hoạt động phân phối. Nếu không có các giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng mà chỉ chú trọng vào tăng vốn cho vay cũng chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Vì hàng hóa tồn đọng, khó tiêu thụ thì DN cũng không có nhu cầu  vay vốn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng:

Tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp

 

Trong năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, các gói giải pháp hấp dẫn để hỗ trợ DN. Điều các DN quan tâm hiện nay là việc thực hiện các gói giải pháp này như thế nào, có được như mong muốn của thành phố và mong đợi của các DN hay không. Vì vậy, từ chủ trương đến việc thực thi để có hiệu quả như mong muốn cần cả một quá trình vận hành không đơn giản, cần có sự quyết tâm và đồng hành một cách đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía.

Cộng đồng DN mong muốn thành phố nên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại định kỳ để các DN nắm bắt được các yêu cầu của các gói hỗ trợ. Trong điều kiện các DN gặp nhiều khó khăn như hiện nay việc đối thoại giữa chính quyền địa phương và DN trở nên cần thiết vì thông qua đối thoại sẽ giúp chính quyền nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN một cách nhanh chóng và rõ ràng nhất. Thành phố cũng nên đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm hỗ trợ DN, làm sao cho trung tâm này gần gũi, sâu sát với cộng đồng DN để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ông Đàm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Đà Nẵng:

 

Xây dựng niềm tin

Lúc này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần phải xây dựng niềm tin để vươn tới. Năm 2014, lĩnh vực bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng với một thị trường chưa thoát khỏi sự phụ thuộc từ các nhà đầu tư bên ngoài thành phố nên xoay chiều rất chậm. Suốt nhiều năm trước, thị trường bất động sản Đà Nẵng chịu sự chi phối của các nhà đầu tư thứ cấp đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Có thời điểm tại thành phố, nhà đầu tư bất động sản thứ cấp ở hai đầu đất nước chiếm tỷ lệ 80% làm khuấy động thị trường nhưng cũng để lại ảnh hưởng thiếu tích cực bởi nó làm tăng trưởng nóng giá trị bất động sản, đẩy thị trường đi xa với giá trị thực và nguy hiểm là gây sốt ảo mất cân đối cung cầu trên thị trường. DN bất động sản cần cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển bởi nguồn vốn đầu tư bất động sản DN phải lo lâu dài mà chí ít vài năm nữa. Việc sử dụng nguồn vốn đang cần sự gắn kết trách nhiệm và hành động của chính quyền, ngân hàng, chủ dự án và người dân để bảo đảm dòng vốn được khơi thông kích thích thị trường phát triển.

Ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng:

Minh bạch chính sách

 

Thực hiện “Năm doanh nghiệp” không chỉ là mối quan hệ giữa chính quyền - doanh nghiệp mà đó là sự lan tỏa của các chủ trương, chính sách trong điều hành phát triển kinh tế, an sinh xã hội đến với mọi người. Tại Đà Nẵng, trong năm 2012, có 3.000 DN ngừng hoạt động, 286 DN giải thể. Tính đến cuối tháng 10-2013, có 272 DN giải thể, 492 DN tạm ngưng hoạt động. Đây là con số đáng buồn bởi phía sau DN là hàng nghìn lao động mất việc, cuộc sống gia đình khó khăn.

DN rất cần sự minh bạch chính sách, hỗ trợ vốn, mặt bằng, nâng cấp các trung tâm khuyến công, trung tâm xúc tiến thương mại cho xứng tầm, gần gũi, sâu sát với cộng đồng DN để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của DN. Qua đây, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động, phát triển sản xuất, tạo ra nguồn thu bền vững cho thành phố.

Việc thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó có việc tái cơ cấu kinh tế để định hướng đầu tư phát triển chung, coi trọng chính sách an sinh xã hội làm nền tảng để kích cầu tiêu dùng. Các DN bây giờ phải xác định lại định hướng kinh doanh của mình trong điều kiện mới, tìm kiếm và xác lập những thị trường ổn định và chọn lựa được những sản phẩm mũi nhọn của mình để có sự đầu tư hiệu quả và dứt điểm, có sức cạnh tranh.

Ông Vatthanachai Phipatthongpant, Tổng Quản lý Công ty CP Du lịch Bến Thành Non Nước (Sandy Beach Non Nuoc Resort Da Nang):

 

Hợp tác khai thác thị trường

Điểm đến Đà Nẵng dự báo sẽ có tiềm năng khá lớn về du lịch trong năm 2014 và những năm tiếp theo, đặc biệt là nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga trong vòng 2 năm trở lại đây.  Một tương lại không xa, Đà Nẵng sẽ trở thành trọng điểm của du lịch ven biển miền Trung Việt Nam. Lượng khách du lịch từ cả hai thị trường nội địa và quốc tế vẫn đang tiếp tục tăng hằng năm và tăng khoảng 17% so với 5 năm trước. Về phương diện xúc tiến ở nước ngoài nhằm quảng bá cho điểm đến Đà Nẵng, vẫn cần sự hỗ trợ từ các công ty du lịch nhằm đẩy mạnh xúc tiến tốt hơn là chỉ chờ vào sự quảng bá của các cơ quan chính quyền. Các công ty du lịch nên tham gia các hội chợ du lịch thế giới ở châu Âu như hội chợ du lịch thế giới ở London, Đức và Nga; các hội chợ du lịch thế giới ở châu Á như ở Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Dĩ nhiên, chỉ có các công ty du lịch quảng bá xúc tiến cho điểm đến Đà Nẵng là điều không thể, những công ty này cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính quyền cũng như hợp tác cùng nhau để sắp xếp tham gia các hội chợ du lịch thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & chuyển giao công nghệ K&H:

Chọn đúng thời điểm để tăng tốc

 

Để thực hiện thành công “Năm doanh nghiệp 2014” và tiếp tục đà tăng trưởng, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm được ổn định vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, lãi suất ngân hàng ổn định, xử lý nợ xấu để dòng tiền lưu thông nhanh vào tay DN, khai thác tốt nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành phải khẩn trương triển khai Thông báo số 316 của UBND thành phố về việc tạo điều kiện cho DN thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đối với DN, phải chọn đúng thời điểm để tăng tốc thích hợp, đồng thời phải quản trị tốt dòng tiền để chứng minh năng lực, uy tín với ngân hàng. Từ đó ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay theo hình thức tín chấp tài sản hình thành từ tương lai, khai thác tốt những sản phẩm xuất khẩu mà thị trường đang cần, đồng thời mạnh dạn đầu tư, lúc đó sẽ giải quyết được công ăn việc làm của người lao động.

 

 

HOÀNG HÂN – TRIỆU TÙNG – THÀNH LÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.