Ngày 20-1-2013, Đà Nẵng mở màn “chiến dịch” công bố những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cuộc triển lãm Giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng. Triển lãm kéo dài một tháng, thu hút gần 10.000 lượt người xem và tạo tiếng vang lớn trong công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo.
Học sinh Đà Nẵng xem triển lãm Giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 20-1-2013. Ảnh: Võ Văn Hoàng |
Tiếng vang từ hai cuộc triển lãm
Đây là những tư liệu được tuyển chọn từ các đề tài nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng và UBND huyện Hoàng Sa thực hiện trong các năm 2010 - 2012. Đặc biệt là những bản đồ do kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều ở Mỹ, sưu tầm và trao tặng, lần đầu tiên ra mắt công chúng. Thừa thắng xông lên, ngày 29-4-2013, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng lại phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, UBND huyện Hoàng Sa và Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm Hoàng Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử, hướng đến đối tượng là người nước ngoài đến Đà Nẵng nhân sự kiện Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.
Bảo tàng Đà Nẵng lại rộn ràng những bước chân du khách đến xem những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo quê hương. Bà Carole Kendal, một người Anh đến xem triển lãm đã ghi lại cảm nghĩ của mình bằng tiếng Anh trong sổ lưu niệm, tạm dịch: “Một cuộc triển lãm tuyệt vời! Triển lãm đã cung cấp những bằng chứng xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúc may mắn cho cuộc đấu tranh vì công lý của các bạn vẫn đang tiếp tục. Là những người yêu Việt Nam và với tất cả những người yêu mến Việt Nam, chúng tôi luôn luôn ủng hộ các bạn”. Nỗ lực tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam của người Đà Nẵng đã được bạn bè quốc tế quan tâm, ghi nhận.
Tiếng vang của hai cuộc triển lãm ở Đà Nẵng, có lẽ, đã khiến “trung ương” chú ý. Vì thế, Cục Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã liên lạc với chúng tôi để “mượn” toàn bộ tư liệu và bản đồ đã được trưng bày trong hai cuộc triển lãm ở Đà Nẵng, phối hợp với nguồn tư liệu do các cơ quan Trung ương sưu tầm và quản lý, để triển khai “chiến dịch” tuyên truyền về bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa trong hai năm 2013- 2014. Một ủy ban thẩm định gồm các học giả, chuyên gia hàng đầu về vấn đề Hoàng Sa- Trường Sa được Bộ TT&TT thành lập để thẩm định những bằng chứng này. Sau ba vòng thẩm định, toàn bộ tư liệu, hình ảnh, bản đồ, công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung triển lãm đã được bàn giao cho Bộ TT&TT để tổ chức trưng bày.
Từ đây, triển lãm mang tên Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Những bằng chứng lịch sử bắt đầu hành trình “lan tỏa” khắp Việt Nam.
Mong một thế giới hòa bình
Điểm đến đầu tiên là Hà Tĩnh nhân sự kiện Tuần lễ biển đảo Việt Nam. Triển lãm khai mạc vào ngày 2-6-2013, kéo dài trong 1 tuần, thu hút gần 5.000 người xem. Ngoài những tư liệu do chúng tôi cung cấp, lần đầu tiên, triển lãm giới thiệu 19 châu bản của triều Nguyễn liên quan đến vấn đề xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của vương triều này đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những văn bản chính thức khẳng định Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền một cách hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đó hàng trăm năm nay. Lần đầu tiên những tư liệu quý này được trưng bày nên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Triển lãm cũng trưng bày những sản vật của vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là những “nắm cát” Hoàng Sa, do các ngư dân miền Trung, những “cột mốc chủ quyền sống” trên các vùng biển đảo Việt Nam, mang về và hiến tặng cho triển lãm. Hà Tĩnh có khu công nghiệp Vũng Áng, nơi có nhiều người Trung Quốc đang làm việc. Một trong số những người này đã đến xem triển lãm và để lại bút tích bằng chữ Hán trong sổ lưu niệm, tạm dịch: “Chúng tôi cũng có bằng chứng Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Thế giới hòa bình”. Có người trong ban tổ chức triển lãm muốn bỏ dòng bút tích này khỏi sổ lưu niệm vì sợ ảnh hưởng không tốt. Tôi bảo: “Cứ giữ nguyên cho khách quan. Họ có quyền phát biểu ý kiến, chúng ta không nên ngăn cản. Những bằng chứng mà chúng ta trưng bày nơi đây sẽ nói thay tất cả. Có người Trung Quốc đến xem triển lãm của chúng ta là đã thắng lợi rồi. Với lại, họ cũng mong muốn “thế giới hòa bình mà”.
Vì một miền đất thiêng
Từ ngày 9-7 đến ngày 16-7-2013, triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm quy mô và hoành tráng nhất trong các cuộc triển lãm về Hoàng Sa - Trường Sa trong năm 2013. Ngoài những bằng chứng đã trưng bày trước đó, triển lãm lần này còn bổ sung những bản đồ do kỹ sư Trần Thắng mới sưu tầm và trực tiếp mang về từ Mỹ, cùng với những tư liệu, bản đồ, băng hình, công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa- Trường Sa của các học giả Việt kiều và học giả nước ngoài do tôi sưu tầm trong chuyến đi tìm tư liệu Hoàng Sa ở Mỹ trước đó ít lâu. Trần Thắng cũng là một trong những diễn giả chính của triển lãm và là người được giới truyền thông và người xem triển lãm săn đón nhiều nhất. Ai cũng muốn biết vì sao một kỹ sư công nghệ hàng không, sau nhiều năm xa nước, bỗng “rẽ ngang” đi sưu tầm hàng trăm bản đồ quý hiếm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam, gửi về trao tặng cho đất nước, rồi lại cất công bay về Hà Nội để giới thiệu giá trị và ý nghĩa của những tấm bản đồ lịch sử này.
“Khát khao cuối đời” của cụ Đặng Văn Tín ở thành phố Hồ Chí Minh. |
Người dân Sài Gòn vẫn không quên những ngày xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974. Họ đã mang tinh thần ấy đi xem triển lãm tại Hội trường Thống nhất (Dinh Độc lập) ở thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 22-8 đến ngày 29-8-2013. Nhiều người từ đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tranh thủ ngày nghỉ “bắt xe” về Sài Gòn để xem triển lãm. Có người cha dẫn hai con đi xem “để các cháu biết sự thật Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Nếu trong các triển lãm trước đây, tôi thường chỉ trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung và giá trị của các hồ sơ tư liệu đưa ra trưng bày, thì lần này, người xem mới là người “phỏng vấn” tôi nhiều nhất. Có người chất vấn: “Mình có nhiều bằng chứng rành rành thế này, sao bấy lâu nay không trưng bày cho đồng bào, cho bạn bè quốc tế được biết?”. Có người động viên: “Muộn còn hơn không, tôi mong Nhà nước mình tổ chức nhiều hơn những cuộc trưng bày, triển lãm như thế này để nhân dân được thông tỏ và kêu gọi dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính nghĩa của chúng ta”.
Cuốn sổ lưu niệm của triển lãm đầy kín những dòng cảm tưởng của người xem. Tất cả đều thể hiện niềm tự hào và tinh thần sẵn sàng vì chủ quyền biển đảo quê hương. Cụ Đặng Văn Tín, ngụ ở đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, bày tỏ “khát khao cuối đời” trong sổ lưu niệm: “Tôi đã già (ngoài 70) nhưng còn sức khỏe và muốn có một chuyến thăm Trường Sa, làm sao? Khát khao cuối đời thường là tha thiết, đầy cảm xúc vì một miền đất thiêng ngàn đời của cha ông”.
Rời thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm lên với vùng chè Thái Nguyên. Phát biểu khai mạc triển lãm vào sáng ngày 26-10-2013, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên tuyên bố: “Thái Nguyên là tỉnh trung du, không có biển, nhưng người dân Thái Nguyên luôn luôn quan tâm đến chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm này là cơ hội để người dân ATK, “thủ đô đại ngàn” của cuộc kháng chiến chống Pháp, hiểu thêm những bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa”. Đáp lại tấm lòng của chính quyền và người dân Thái Nguyên và các tỉnh trung du phía bắc, hơn 30% tư liệu trưng bày đã được thay mới, bổ sung từ nguồn tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia, của Viện nghiên cứu Hán - Nôm và những tư liệu do tôi mới thu thập được trong chuyến đi tìm kiếm tư liệu Hoàng Sa ở các nước Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp vào tháng 9-2013.
Từ Mỹ, Trần Thắng đã gửi về bản scan cuốn atlas Trung Quốc toàn đồ do chính quyền Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1917, không hề có bản đồ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà họ gọi là Xisha và Nansha. Cùng với 3 cuốn atlas đã được Trần Thắng sưu tầm và gửi tặng cho quê hương trước đây, cuốn atlas thứ 4 này đã góp phần chứng minh Trung Quốc không hề liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta.
Cuộc triển lãm ở Thái Nguyên là cuộc triển lãm thứ 6 tôi tham gia với tư cách là người cung cấp tư liệu, là thành viên hội đồng thẩm định và cũng là người thuyết minh chính thức của triển lãm. Ngoài ra, những tư liệu trong đề tài nghiên cứu của tôi và các đồng nghiệp liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa và Bảo tàng Văn hóa Huế trưng bày tại Nha Trang (vào tháng 6-2013) và tại Huế (vào tháng 9-2013).
Năm 2013 khép lại, nhưng các cuộc triển lãm “bằng chứng chủ quyền” đối với Hoàng Sa - Trường Sa sẽ được tiếp tục tại các tỉnh, thành khác ở Việt Nam trong năm 2014. Và Đaklak sẽ là điểm đến tiếp theo. Hành trình đưa tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa đến với công chúng Việt Nam vẫn tiếp diễn, cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên những vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
TRẦN ĐỨC ANH SƠN