.

Nhân chứng Hoàng Sa

.

Hoàng Sa, một phần lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm vào ngày 19-1-1974, mãi mãi vẫn trong tâm khảm thế hệ người Việt Nam. Ở Đà Nẵng hiện có những người từng làm việc tại Hoàng Sa và “bãi cát vàng” của Tổ quốc còn khắc sâu trong tim các nhân chứng lịch sử này.

* Cụ TRẦN HUYNH, 84 tuổi, ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, đã nhiều năm làm việc tại Trạm Khí tượng Hoàng Sa.

Lần đầu tiên cụ Huynh ra Hoàng Sa vào đầu năm 1964. Hồi đó, cụ và 4 đồng nghiệp xuống tàu tại bến sông Hàn, gần Cổ viện Chàm. Trên chuyến tàu ấy còn có 30 binh sĩ chế độ Sài Gòn cũng ra làm nhiệm vụ luân phiên ở Hoàng Sa. Tàu chạy liên tục hơn một ngày đêm thì đến nơi, neo cách đảo khoảng 300 mét và cho ca-nô chuyển vào bờ.

Cụ Huynh kể: Ở Hoàng Sa, nhiệm vụ của tôi là lo cơm nước và phụ giúp việc bơm hơi, thả bóng thám không. Cứ 5 giờ mỗi ngày, tôi phụ với một nhân viên bơm hơi vào 2 quả bóng to, đến 7 giờ thả lên trời. Quan trắc viên nhìn theo quả bóng để đo hướng gió, sức gió, lượng mây… Lúc gió mạnh, quả bóng chỉ bay lên một khoảng ngắn là nổ, còn khi trời lặng gió thì bóng bay lên cao hơn.

Hằng ngày, ngoài việc đo đạc khí tượng, chúng tôi tranh thủ đi câu cá, bắt ốc để cải thiện bữa ăn. Vui nhất là bắt vích (một loại rùa biển). Hễ thấy vích, anh em lật ngửa nó ra, đẩy vào bờ, xẻ thịt. Một con vích to xẻ được vài thúng thịt, còn cái mai có thể làm chiếc nôi ru con. Hải sản ăn không hết nhưng lại thiếu rau. Tôi thường hái lá ớt hoang hoặc lá dông ngâm muối, luộc kỹ, nấu canh ăn. Chúng tôi bắt các loại ốc hoa, xà cừ, tai tượng, súc rửa sạch ruột để lấy những chiếc vỏ óng ánh. Mỗi lần mãn hạn ở Hoàng Sa, ai cũng mang cá khô, vỏ ốc, san hô, rau câu… về làm quà cho người thân.

Tôi còn nhớ rõ, ở Hoàng Sa có các nhà lính, nhà khí tượng, nhà kho được xây từ thời Pháp, tường dày hơn 1 mét để chịu đựng gió to bão lớn, có các bể chứa nước mưa để sử dụng quanh năm. Trên đảo có mấy chục ngôi mộ và một miếu thờ Phật Bà Quan Âm với nhiều chuyện kể rất linh thiêng.

Từ năm 1964-1970, mỗi năm cụ Huynh được phân công ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa 3 tháng, còn 9 tháng làm việc tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đà Nẵng… Đến giờ vị nhân chứng Hoàng Sa luôn đau đáu, xót xa về một phần lãnh thổ Việt Nam mà cụ từng nhiều năm làm việc tại đó đã bị ngoại bang chiếm đóng.

* Ông TRẦN VĂN HẢO, ở tổ 42 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, là lính địa phương quân bảo vệ Hoàng Sa, bị lính Trung Quốc bắt khi  xâm chiếm Hoàng Sa.

…Ngày 18-1-1974, nhiều tàu chiến và tàu cá có vũ trang của Trung Quốc đến khiêu khích, gây áp lực, ngang ngược nói Hoàng Sa là của Trung Quốc, đồng thời buộc anh em chúng tôi phải rời đảo. Ngày 19-1-1974, tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào các tàu hải quân Sài Gòn trên vùng biển Hoàng Sa. Sau đó, binh lính Trung Quốc tràn lên đảo, khống chế và bắt chúng tôi. Cả trung đội ai cũng bị đánh vào ngực, bả vai, giật hai tay ngoặc ra sau, hễ cử động mạnh là đau nhói cả người. Mỗi chúng tôi bị hàng chục tên kèm chặt, áp giải xuống tàu, đưa về Trung Quốc, giam giữ trong một trại lính ở tỉnh Quảng Đông…

Bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Hảo, kể lại: Tin Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa làm xôn xao khắp nơi. Thân nhân các binh sĩ đóng ở Hoàng Sa vật vã khóc than, tiểu khu Quảng Nam cử người đến động viên, an ủi... Khi nghe tin một số binh sĩ bảo vệ Hoàng Sa bị thương, chết, đã được đưa về Đà Nẵng, nhiều người vội đến các bệnh viện và các đơn vị để tìm kiếm người thân. Tôi cũng ngược xuôi đi tìm suốt cả tuần lễ. Một hôm, anh tôi ở Gia Lai đọc báo thấy tên chồng tôi trong danh sách bị Trung Quốc bắt và cắt mẫu báo đó gửi về Đà Nẵng cho tôi xem.

Hơn một tháng sau, tôi nghe tin các binh sĩ bị Trung Quốc bắt đã được đưa về Sài Gòn. Nhiều người vào trong ấy đón người thân nhưng tôi đang mang thai gần đến ngày sinh, không đi được. Khi chồng tôi từ Sài Gòn về, tôi mừng quá, ra đón tại sân bay Đà Nẵng. Sau đó, tôi được mời vào Hội An (Quảng Nam) dự lễ đón chiến sĩ Hoàng Sa. Tại buổi lễ, nhiều ý kiến bày tỏ sự căm phẫn đối với hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và khẳng định: Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam đã được xác lập từ lâu đời và nhân dân Việt Nam sẽ kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa!

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.