.
Tản mạn ngày xuân

Nghe tiếng cổ phong từ am mây trắng

.

Không phải cho đến bây giờ tôi mới theo chân bao cuộc hội hè để đến cái làng quê Trung Am xã Lý Học, một địa danh văn vật của Vĩnh Bảo- Hải Phòng, mà từ lâu thơ của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã dẫn lối chỉ đường cho tôi biết cái nơi “Tân quán vân am mịch cựu du” (Về tìm lại chốn cũ quán Trung Tân và am mây trắng) - quê quán của Trạng Trình. Nói gì đến cái quán Trung Tân hay là Bạch Vân am lấp lánh hồi quang ấy, mỗi cái phiến đá xanh mòn nhẵn dấu chân người này đây, đã nói với tôi về sức sống kỳ diệu của văn hóa và lịch sử rồi. Phiến đá xanh, chỉ độ một sải bước chân người thôi, có là gì đâu trước bao hưng phế thành quách lầu đài, nhưng vì đấy là phiến đá bắc qua một con mương nhỏ, đã mòn nhẵn dấu chân của Trạng Trình mà trở thành một “Tràng Xuân Kiều” - chiếc cầu đá huyền thoại bắc qua hàng bao thế kỷ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi đã từng không biết bao lần đứng bên phiến đá ấy để tưởng ra một Trạng Trình cao vời trong am mây trắng, ung dung tự tại “Vời vợi non cao nguyệt một vầng”. Lịch sử văn hóa dân tộc chưa từng có một cuộc đời danh nhân văn hóa nào đầy ắp truyền thuyết và giai thoại vây quanh như Trạng Trình. Đầy đến nỗi, trang đời Trình Quốc công tưởng kín giấy mực ghi chép, lòng ngưỡng mộ của quần chúng lại thăng hoa bồi đắp thêm nhiều giai thoại đẹp đẽ về song thân ông, vợ con ông, và rồi còn lan tỏa qua làng xóm, đất đai quê xứ.

Đi giữa làng quê Trung Am xã Lý Học, nào Tháp Bút Kình Thiên, nào quán Trung Tân, nào chùa Mét (Cổ Am) vào một ngày cuối đông, chợt nhớ câu “sấm ký” của Trạng Trình: Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ. Hưng tộ diên trường ức vạn xuân” (Đất nước Hồng Lam sau ta năm trăm năm. Đó là thời hưng thịnh vạn mùa xuân). Cũng chẳng rõ thực hư “sấm ký” thế nào và đâu là nguyên bản, nhưng đúng là tôi đang đi giữa lòng quê Trung Am vào chính cái quãng thời gian sau “năm trăm năm” ấy.

Ngót gần nửa thiên niên kỷ rồi mà nghe như từng ngọn cổ phong thổi qua am mây trắng còn dọi chiếu quang ba xuống dòng Tuyết Giang như lục tìm bóng người xưa. Sự vật quanh đây có là tha thể hay không, làm sao tôi có thể lý giải những điều thuộc về siêu lý. Nhưng, nếu quả thực ngồi trên cái nền đất Bạch Vân am mà không nghe vang vọng “Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích/ Hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao” thì thử hỏi người vô tâm hay đất ấy vô tâm?

Bước vào đền thờ Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền Trung Am), vẫn biết đây là ngôi đền được xây dựng lại từ thời Bảo Đại (1927), và cũng đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng nhìn mặt gỗ bóng lên qua bao vạn dấu tay người, cái cảm giác nghe được sinh hồn, giác hồn trong sự vật giống như niềm miên mật bỗng thấy chừng như khích lệ tâm hồn của mình. Sử ghi lại: Ngôi đền Trung Am đầu tiên được xây dựng vào năm Trình Quốc công mất (1585). Vua nhà Mạc đã cấp cho làng Trung Am 3.000 quan tiền và hàng trăm mẫu ruộng để tạo dựng đền. Đích thân nhà vua đã đề chữ “Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ” lên tấm biển gắn trước đền. Và rồi thời gian qua bao “nương dâu bãi bể”, ngôi đền xưa bị đổ nát. Cho đến triều Lê Trung Hưng (1735) dân làng mới đóng góp xây dựng lại. Vậy mà nào có được yên. Thời Minh Mạng thập tứ niên (1833) đền thờ Trạng lại bị tàn phá.

 Chuyện phá đền lần này có giai thoại khá ly kỳ liên quan đến Uy Viễn - Nguyễn Công Trứ. Số là năm tháng này, Nguyễn Công Trứ đang làm Tổng đốc Hải Dương. Nhân có việc của Nguyễn Khoái người Vĩnh Lại (tên gọi xưa của Vĩnh Bảo) nổi lên chống lại triều đình, Uy Viễn cho rằng ứng với lời sấm Trạng Trình để lại: “Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi vương”. Nghe vậy, vua lệnh cho Trứ phá đền. Khi đền bị phá ra, Trứ phát hiện có tấm bia đã ghi sẵn một câu sấm khác của Trạng: “Minh Mạng thập tứ, thằng Trứ phá đền”, lật mặt dưới tấm bia lên lại thấy ghi thêm: “Phá đền ta thì không được dự vào hàng nho sĩ”. Đọc xong, Trứ lạnh toát cả người, bèn tâu với vua xin được xây dựng đền lại như cũ.

Trải qua bao thiên tai địch họa, ngôi đền ngày nay được tôn tạo trùng tu ngay trên cái nền Bạch Vân am của năm trăm năm về trước. Chính nơi đây, sau khi cáo quan lui về quê, Trạng Trình mở trường dạy học, và đã có bao nhiêu Trạng nguyên - học trò của Trình Quốc công trở thành những bậc hiền tài ra giúp nước. Đây cũng là thời gian Trạng Trình dựng quán Trung Tân bên dòng Tuyết Giang, xây Tháp Bút Kình Thiên ở đầu làng và lập am Bạch Vân, lấy biệt hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Hầu như toàn bộ thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của ông trong Bạch Vân am thi tậpBạch Vân Quốc ngữ thi tập đều được sáng tác trong thời kỳ lui về quê ở ẩn.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí, phần văn tịch”, đã đánh giá về thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau: “Thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”. Ngoài ra ông còn để lại nhiều văn bia (bi ký), nổi tiếng nhất là Trung Tân quán bi ký. Có ai ngờ cái quán sơ sài lơ thơ phên lá mỏng mảnh bên sông, vậy mà tấm bia đá khắc bài truyền bá cái tư tưởng Trung Tân của người xưa trường tồn cùng nhật nguyệt. Lại càng không ngờ hơn nữa, ở cái chốn: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” thế kia, ấy vậy mà con người “Thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự” (Thấu hiểu thiên văn trên trời, am tường địa lý dưới đất, giữa rõ lòng người) lại là bậc hiền triết, tiên tri thiên tài, đã chỉ đường đi nước bước cho vua quan của ba thế lực phong kiến: Mạc, Trịnh và Nguyễn đi về ba hướng khác nhau, tránh bớt cho dân tộc cái họa binh đao nồi da xáo thịt.

Bước ra ngoài khuôn viên ngôi đền, ngước nhìn tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm uy nghi dưới nền trời xanh biếc, Trạng ngồi trong tư thế tay cầm bút, tay cầm sách. Sự mô tả khéo léo của người nghệ sĩ hay là Trạng Trình từ câu thơ bước ra “Thức dậy, tay còn sách chửa buông”. Giữa cái không gian thăm thẳm đó, cái am mây trắng của Bạch Vân cư sĩ chợt thoáng mơ hồ trong làn khói mỏng. Thì vẫn ngôi nhà ba gian lợp cói mô phỏng Bạch Vân am cùng với những pho tượng của các môn sinh trong sân đền, ấy vậy mà sao cây lá cứ lao xao thì thầm như tiếng cổ phong lùa qua vườn cũ “Đắc, táng, tùng, thông khởi ngã ưu”.  Vâng, một tầm vóc hiền triết, một thi sĩ như Trạng thì cùng với đắc, tán, tùng, thông kia nào có nghĩ gì riêng cho mình.

Trạng Trình đã sống một cuộc đời dài gần tròn một thế kỷ (1491-1585), từ sau khi ông đỗ Trạng nguyên (khoa Ất Mùi 1535), chỉ có bảy năm ông tham dự triều chính, thời gian còn lại, nhất là từ khi quy ẩn, thơ ông nghiêng về chiều hướng thiên nhiên, thanh cao, nhàn nhã: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Nhưng đồng thời con mắt siêu việt như ông vẫn thường hằng một nỗi ưu tư mà dự báo động tĩnh nước non: “Ưu thời thốn niệm bằng thủy tả/ Duy hữu hàn sơn bán dạ chung” (Nỗi lòng cho đời biết nói cùng ai/ Chỉ có tiếng chuông chùa núi lạnh nửa đêm cùng ta thao thức). Rời am mây trắng tôi lang thang dọc bờ Tuyết Giang, cái quán Trung Tân là đâu giữa mịt mù sông nước.

Chợt nhớ mấy câu thơ nhàn du của người xưa viết ra tại quán Trung Tân: “Thư nhàn khước tá đông phong lực/ Lưu thử xuân quang nhập thọ bôi”. Dù mịt mù cổ tự, nhưng trong niềm hoan lạc trước từng cơn gió tràng giang, tôi cũng liều lĩnh diễn dịch ngâm nga, xin tiền nhân am mây trắng bao dung độ lượng: Du nhàn ngậm sắc gió đông/ Ngày xuân say một tiếng lòng đầy vơi!

Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.