.
Tản mạn ngày xuân

Nghĩ về năm Giáp Ngọ thứ hai trong đời

.

Đối với những người Việt sinh năm Giáp Ngọ 1954 thì được sống đến năm Giáp Ngọ 2014 - năm Giáp Ngọ thứ hai trong đời - đã là điều rất có ý nghĩa rồi.

Bởi đời người hữu hạn, dẫu có sống lâu trăm tuổi - thậm chí có người tuổi thọ trải dài qua ba thế kỷ - thì chắc cũng không mấy ai hoặc không ai có thể sống đến năm Giáp Ngọ 2074 để có được năm Giáp Ngọ thứ ba trong đời. Đó là chưa kể trong dòng chảy vô cùng vô tận của thời gian, năm Giáp Ngọ 1954 được ghi nhận là năm có hai sự kiện lịch sử nổi bật: Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ tuy rất lừng lẫy vẻ vang và là kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhưng suy đến cùng đó cũng chỉ là thắng lợi của một chiến dịch chứ chưa phải là thắng lợi của cả cuộc chiến tranh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thắng lợi của cả cuộc chiến tranh đã đến quá gần nhưng dẫu sao vẫn là chưa đến hẳn, chưa phải là thắng lợi cuối cùng. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, người Việt còn phải sải bước trường chinh ròng rã hai mươi năm nữa. Vì thế có thể nói những người Việt sinh năm Giáp Ngọ 1954 đã thành niên không phải trong hòa bình mà chủ yếu vẫn là trong chiến tranh. Sống được qua chiến tranh - nhất là với một số người còn phải trực tiếp tham chiến - thật không dễ dàng, cho nên mới nói: được sống đến năm Giáp Ngọ 2014 đã là điều rất có ý nghĩa. Và cũng do Hiệp định Genève về Đông Dương quy định sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời để quân đội hai bên chuyển quân tập kết, nên nhiều người sinh năm Giáp Ngọ 1954 ở phía Nam giới tuyến này ngay khi mới sinh ra đã phải chịu cảnh sống xa cha và không ít người trong số họ lớn lên/già đi mà không có cơ hội trùng phùng với người cha thân yêu của mình.

Đối với số đông đàn ông Việt sinh năm Giáp Ngọ 1954 đang làm công ăn lương ở các công sở thì năm Giáp Ngọ 2014 sẽ là thời điểm được nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành. Tùy theo vị trí việc làm và chỗ đứng trong guồng máy quyền lực mà cảm nhận của từng người đối với điều-không-thể-khác này có thể không giống nhau, nhưng tất cả đều thấy năm Giáp Ngọ thứ hai trong đời rõ ràng là một cái mốc thời gian đầy ấn tượng. Đầy ấn tượng là bởi sau mấy chục năm lao động để mưu sinh kiếm sống cũng như để phụng sự cộng đồng, đến cái mốc đáng nhớ này, người ta sẽ được hưởng quyền không-phải-làm-việc-nữa-mà-vẫn-được-nhận-lương.

Đối với không ít người mà nghề-chọn-người chứ không phải người-chọn-nghề thì đây còn là lúc họ có thể toàn tâm toàn ý cho những công việc mình yêu thích thậm chí đam mê bởi hồi đương chức - do bị câu thúc ràng buộc về thời gian - họ không được làm hoặc nếu có làm chăng thì cũng chỉ là tranh thủ ngoài giờ công vụ. Điều này góp phần giải thích vì sao có người về hưu mà lịch làm việc không chừng dày hơn khi đương chức, qua đó bản thân họ không cảm thấy hụt hẫng trong nhịp sống và hiệu quả phụng sự cộng đồng của họ cũng không suy giảm bao nhiêu. Điều này còn góp phần giải thích vì sao ở một số nước, người lao động mỗi khi nghe chính phủ thông báo sắp kéo dài tuổi lao động thì đều xuống đường biểu tình phản đối đòi được nghỉ hưu đúng tuổi. Còn nhớ ngày 27-5-2010, khoảng 395.000 người lao động Pháp đã tiến hành các cuộc biểu tình, đình công trên phạm vi toàn quốc phản đối kế hoạch của Tổng thống Nicolas Sarkozy tăng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 61 hoặc 62 tuổi.

Đương nhiên sự đời không bao giờ đơn giản. Thực tế thì nghỉ hưu không đơn thuần là vấn đề không-phải-làm-việc-nữa-mà-vẫn-được-nhận-lương. Ở đây còn có sự thay đổi quán tính thường nhật của người lao động. Người viết bài này từng công tác ở Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1981, đến năm 1994 được cấp trên điều động về công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Mười mấy năm đi làm bằng xe đạp rồi xe máy chạy dọc theo trục đường Phan Châu Trinh - Lê Lợi, đến ngã ba Lê Lợi - Lê Thánh Tôn thì rẽ trái để vào Sở Giáo dục và đào tạo, cho nên hơn hai tháng liền sau khi chuyển công tác, hằng ngày đi làm đến ngã ba Lê Lợi - Lê Thánh Tôn, tôi vẫn không bỏ được quán tính giơ tay xin đường rẽ trái, mất mấy giây mới kịp thu tay lại vì sực nhớ mình phải còn đi tiếp một đoạn đường Lê Lợi nữa để đến cơ quan mới. Thế mới biết sức ì ghê gớm của thói quen.

Tôi kể chuyện này mà không thấy xấu hổ mấy vì biết rằng nhiều người cũng từng có động tác xin đường theo quán tính như tôi. Và cũng chính vì vậy mà khi nghe không ít giai thoại liên quan đến quán tính thường nhật của các quan chức mới về hưu, chẳng hạn như sáng sớm đã ăn mặc chỉnh tề sốt ruột ngồi chờ xe đến đón đi làm đi họp, hoặc cặm cụi dắt xe ra rồi hờ hững dắt xe vào… tôi đều xem đó là chuyện bình thường, không thế mới là lạ, và luôn tự nhủ: coi chừng mình… cười người hôm trước. Tôi chỉ sợ rằng ngay khi còn đương chức mà bản thân mình làm việc gì cũng theo quán tính, đề cao kinh nghiệm chủ nghĩa, thậm chí cứ xưa bày nay bắt chước, không chịu động não tìm tòi cái mới, cái khác trước, ngày hôm nay làm giống hệt ngày hôm qua, ngày mai làm giống hệt ngày hôm nay…

Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, tôi thấy câu ca dao: “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”  tưởng như chỉ để nói về thân phận cô đơn của người phụ nữ đã qua thời xuân sắc, có thể được vận rất hợp rất hay vào cảnh ngộ của người về hưu không còn quyền lực và không còn quan hệ chủ yếu dựa trên quyền lực mà/nên không được đối xử như mong đợi. Đúng là người phụ nữ đã qua thời xuân sắc và không còn cái duyên chủ yếu dựa trên xuân sắc thì đi sớm về trưa một mình chắc là điều khó tránh khỏi và cũng là chuyện thường tình.

Thế nhưng ở đời cũng có những phụ nữ dẫu đã qua thời xuân sắc nhưng do cái duyên xưa kia chủ yếu dựa trên vẻ đẹp nội tâm đằm thắm - một thứ duyên thầm - nên vẫn có cơ may không phải chịu cảnh cô đơn như vậy. Tương tự, nếu những người về hưu mà quan hệ trước đây chủ yếu dựa vào sự quý mến về phẩm chất, sự nể trọng về tài năng, sự đồng điệu về tình cảm thì chưa chắc đã phải một mình đi sớm về trưa. Suốt hai mươi năm trường dẫm chân trên hoạn lộ, từng là người đứng đầu một quận và đang là người đứng đầu một ngành, đêm đêm tôi cứ thường ngẫm ngợi trầm tư về thông điệp mà cha ông muốn gửi gắm qua câu hát dân gian “Còn duyên kẻ đón người đưa / Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng” để sống và làm việc sao cho sau này về hưu vẫn có thể vui vầy cùng đồng nghiệp bạn bè - thậm chí cùng tri âm tri kỷ.

Người Việt sinh năm Giáp Ngọ 1954 đón năm Giáp Ngọ 2014 với tâm trạng háo hức chưa từng có trong ngần ấy năm tháng cuộc đời. Háo hức và cảm thấy mình cùng thế hệ hai lần Giáp Ngọ của mình vẫn còn đương sung sức lắm, chưa đến mức lão giả an chi - tức là an phận tuổi già không để ý đến việc đời nữa, thậm chí vẫn còn “đủ lửa” để tiếp tục sống hữu ích, không ngừng đóng góp cho cộng đồng. Ngày xưa ông Khổng Tử bên Trung Quốc tự cho mình là lục thập nhi nhĩ thuận - tạm dịch: sáu mươi tuổi nghe ai nói thì hiểu được ngay người ấy muốn nói gì. Có thể không thông thái bằng ông Khổng Tử nhưng hầu hết người Việt sinh năm Giáp Ngọ 1954 bước vào tuổi sáu mươi đều có khả năng phân biệt thị phi phải trái, biết rõ việc nào nên làm việc nào không nên làm. Cuộc đời này, mùa xuân này đang rất cần những người từng trải như vậy…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.