.
Tản mạn ngày xuân

Xuân về, thương nhớ Văn Cao

.

Văn Cao đã vĩnh biệt chúng ta, về với Thiên thai, Suối mơ, gần 20 năm rồi! Thiên tài ấy đã đi qua đời này và đã để lại những kiệt tác đích thực, sáng chói, không chìm với thời gian. Nói như ai đó, ông là nghệ sĩ trên nghệ sĩ. Một mình ôm mấy vùng ánh sáng. Sẽ có rượu và hoa trong mỗi lần nhớ - nghĩ đến ông. Ông là người đã yêu nhân dân, Tổ quốc mình đến độ đớn đau, quặn thắt :

Tất cả tình yêu khát khao hy vọng
Bốc lên trong lòng
Rơi xuống những giọt nước mắt...

(Trường ca Những người trên cửa biển)

Có một lần Tạ Tỵ đã viết về ông: Văn Cao nhập cuộc không phải bằng tài năng đơn độc mà bằng một thác lũ nghệ thuật. Đúng vậy, bằng nhiều loại hình ngôn ngữ, dòng lũ sáng tạo cuộn chảy trong âm nhạc, thơ ca và hội họa. Tất cả đều ghi đậm dấu ấn riêng biệt.

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, một vùng đất vừa hiền hòa, êm dịu của phù sa bờ bãi sông Hồng, vừa dữ dội của sóng biển thét gào, ông yêu vô cùng mảnh đất ấy: Sinh tôi ra đã có Hải Phòng... Tôi nghe tiếng hát mẹ chiều ru võng - Những ca dao của đồng lúa quê hương - Những dáng cò lặn lội - Những cánh cò bồng bế tôi đi. Nhưng cũng Hải Phòng đó với  hàng vạn người không ruộng cày ra biển - Những đám khói đen - Đọng giữa trời sương sớm - Buổi chiều không cơm cháo - Bàn tay mẹ tôi quờ trong thạp gạo - Đời người ở đây không được như cây. Đó là những gì của tuổi thơ Văn Cao. Lớn lên, quần đảo với áo cơm, những đám mây, những ngày biển động, những thân phận bèo bọt nổi trôi của thời nước mất sao buồn bã đến vậy! Văn Cao vào đời gay gắt và quyết liệt là thế, mộng mơ hy vọng cũng là thế. Sự phân liệt trong cảm xúc như giằng xé nhau, đẩy đến đỉnh điểm. Điều ấy càng làm cho tinh anh, tài hoa phát lộ, xô chảy dữ dội và phong phú. Ngỡ có gì đối nghịch giữa những Suối mơ, Buồn tàn thu, Trương Chi, Thiên thai, Thu cô liêu với những Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Bắc Sơn, Thăng Long hành khúc, Không quân Việt Nam.  Song không phải vậy.

Văn Cao nhập thiên thai, tìm đến Lưu Nguyễn, lạc vào suối mơ, nghe suối róc rách trôi, hoa lừng hương gió ngát, đàn ai lùa trong khóm lá vàng tươi, cũng như một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ. Trầm trầm không gian mới rung thành tơ đã diễn tả đúng cung bậc tâm hồn của người nghệ sĩ muốn quay về xứ sở thơ mộng, chối từ hiện tại. Thái độ phủ nhận đó có cơ sở xã hội. Nhưng rồi, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian. Suối trần gian đã kéo Văn Cao đến những cuộc đời bụi lầm, sẻ chia bao nỗi thống khổ của đồng loại, nhập vào hồn sông núi. Chút bình yên cũ tuột mất, chỉ u uất, rạc rời, đói nghèo. Hà Nội, Hải Phòng run lên. Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc đưa người đọc “du địa phủ”, chênh vênh giữa hai bờ vực thẳm. Khoảng đó, cuối 1944, đầu 1945, trên một căn gác tồi tàn giữa xóm Vạn Thái, Văn Cao đã sống, đã chứng kiến thân phận của người dân cùng trong một nước thuộc địa. Đêm đêm, qua ô cửa sổ, nhìn những ngọn đèn dầu tù mù treo sau những chiếc xe chở xác người chết đói, lắc lư qua ngã tư:

Chiếc xe ma chở vội một đêm gầy...
Bánh nghiến nhựa đường nghe kêu sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực...

Trong cái buốt lạnh của mùa đông Hà Nội sực mùi tử khí, không một tiếng kèn đưa ma, không một giọt nước mắt, may sao Tiếng xe dần xa lánh - Khi gà đầu ô kêu. Bình minh mới đã hé rạng. Văn Cao nhập với đời bằng một Tiến quân ca. Nguồn cảm hứng được tiếp tục. Bài thơ dài Ngoại ô mùa đông 46, thời điểm bùng nổ ngày toàn quốc kháng chiến, những con người của Hà Nội cũ nay đứng chung trong một chiến hào: Bao người bệnh tật thời xưa - Từng sống rạc rài viễn phố - Bao người ấy bây giờ - Súng gươm giữ từng hầm hố. Cái lay lắt của ngoại ô nhập nhòa, lạnh lẽo, bốn mùa ngả nghiêng trụy lạc, đã đứng lên rồi: Hà Nội ca và chiến đấu quanh ta. Từ đây, một chủ nghĩa nhân văn chân thành ra đời. Văn Cao đi kháng chiến, rong ruổi trên những ngả đường Khu 3, Việt Bắc, sống và sáng tác. Chất liệu mới góp phần làm nên những Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Làng tôi...

Sông Lô sáng ngàn Việt Bắc bãi bờ ngô lau núi rừng âm u
Sông Lô sóng rừng kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa...

(Trường ca sông Lô)

Ông yêu đất nước này bằng một tình yêu thiết tha, cháy bỏng. Ông phẫn nộ trước cảnh Đồng không nhà trống tan hoang. Chiều khi quân Pháp qua, chiều vắng tiếng chuông ngân, phá tan nhà thờ xưa và hân hoan, ngợi ca Làng tôi theo đoàn quân du kích, tước ngay súng quân thù trả thù xưa (Làng tôi). Âm nhạc kháng chiến của Văn Cao đậm sắc màu dân tộc. Đây là sự hóa thân của tác giả vào dáng núi, hình sông của Tổ quốc. Những nẻo đường trung du, những đồi cọ đồi chè, những cánh đồng ngày mùa vàng thơm lúa chín, những dòng sông thắm đỏ phù sa... trong các ca khúc đều biểu hiện khát vọng, niềm tin của ông vào sự nghiệp chiến đấu thần thánh, chống ngoại xâm của dân tộc.

Nhân cách Văn Cao cao vòi vọi. Vì thế, ông bất bình và đau đớn trước cái giả và cái ác. Ông viết về những bạn văn của mình như một sự tỏ bày, chia sớt : Bao giờ được nghe bản tình ca - Bao giờ bình yên xem tranh tĩnh vật - Bao giờ - Bao giờ chúng nó đi tất cả - Những con người không phải của chúng ta (Anh có nghe không).

Ông nặng nợ với những trang viết của Nguyễn Huy Tưởng, xót xa một đời văn sớm tắt.

Ông chìm khuất trong những phố phường của Bùi Xuân Phái: Không số nhà - Không tên phố - Tôi gửi bài thơ về- Phố Phái - Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh.

Ông viết về người cùng quê - Nguyên Hồng - để nhớ cửa biển, con tàu, một đường An Dương, một con sông Cấm, nơi anh nơi tôi hai xóm nghèo được sống.

Với Nguyễn Sáng, ông nhớ những đêm quán với chén rượu nghèo, món ăn nguội, con đường tàu than bụi và bàn rượu ngày mưa. Nơi ấy, lầm lũi những cuộc đời, nơi ấy có người trở về một mình, tìm một cái gì không thể thấy được.

Ông viết những dòng tặng Nguyễn Tuân đầy u uất, lặng lẽ: Chúng tôi hai người - Một bóng (Đôi bạn)

Những bài thơ viết cho bạn bè, mỗi bài một nét nhưng khắc họa khá rõ các chân dung. Tất cả đằm sâu những sẻ chia về thân phận riêng tư, nói như Trịnh Công Sơn khi viết về ông.

Văn Cao có những câu thơ, bài thơ, bản nhạc viết về mùa xuân. Nhìn chung, xuân ở ông không vui. Mùa xuân 1956, Văn Cao viết một thiên trường ca, mang tên “Những người trên cửa biển”, tại Chương IV. “Những ngày báo hiệu mùa xuân”, với các dòng kết thúc cũng đã xuất hiện những dự cảm u uất, những dự báo rát bỏng:

Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng
Nhìn ra biển bao la
Lòng hãy còn nhiều khát vọng
Còn rất nhiều khát vọng
Biến thành người khổng lồ kêu khát         suốt ngày đêm
Suốt ngày đêm kêu khát…

Cũng vào năm ấy, năm 1956, ở một bài thơ khác, bài “Anh có nghe thấy không”, Văn Cao viết: Cửa đóng lại từ chín giờ/ Không một cuốn sách chờ đợi/ Dù những ngôi sao đang nở trên trời/ Dù đêm xuân bắt đầu trở lại.  

Năm 1957, Văn Cao viết Mùa xuân không nở với những  dòng thơ thật não lòng, đầy tâm trạng, có gì vừa u uất vừa luyến tiếc: Mười năm qua tôi đã mất một mùa xuân/ Tuổi thanh xuân nơi tôi không bao giờ được nở… Có bao giờ tôi thật sống mùa xuân của tôi/ Khi tuổi hai mươi đã qua đi mất/ Nhưng các mùa xuân không nở được hoa/ Còn ươm mãi… / Ở trong tôi mùa xuân như thầm lặng/ Như một màu luyến tiếc…

Sau 1975, Văn Cao có một bản nhạc bất hủ, bản Mùa xuân đầu tiên. Văn Cao khởi viết vào cuối tháng 12-1975, sau đăng trên số Xuân của báo Sài Gòn giải phóng trong dịp Tết Bính Thìn 1976. Bài hát được các đài phát thanh đưa lên sóng, sau đó chìm vào im lặng. Đây là bài hát có số phận đặc biệt, đến hai mươi năm không được phổ biến. Mãi đến khi Văn Cao tạ thế (10-7-1995), Mùa xuân đầu tiên mới thực sự phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Bài hát mang các tâm trạng đối lập, ngỡ như vừa có âm hưởng hoan ca lại vừa như đau đáu bi ca. Giai điệu thiết tha, dìu dặt, mừng mừng, tủi tủi; vui buồn xen lẫn; sum vầy, yêu thương chen giữa cô đơn, nghẹn ngào,… Bài hát là một bài thơ hay, tuyệt tác. Lời bài hát như một khúc thánh ca buồn:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến
đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang
long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…

Trong những ngày buồn của thời kỳ sau Nhân văn-Giai phẩm, Văn Cao viết một bài thơ, có tên Chọn (26-8-1957), như bày tỏ một ứng xử với đời:

Giữa sự sống và sự chết
Tôi chọn sự sống
Để bảo vệ sự sống
Tôi chọn sự chết.

Bài thơ ngắn, chỉ 19 từ, rõ ràng và dứt khoát giữa hai cái “sự”: sự sống và sự chết. Một thái độ triết học. Một lựa chọn ngay thẳng. Một ứng xử kẻ sĩ.

Cả một đời, Văn Cao buồn nhiều hơn vui. Ông quên nhiều thứ: tuổi tác, năm tháng, bạn bè,… nhưng không quên:

Những vết roi còn nằm trong
da thịt nhiều năm
Những tiếng chửi vọng suốt thời
tôi sống…

Những câu thơ đó nằm trong bài Không nhớ, viết ở thời điểm 19-12-1963. Ở Văn Cao, trong mọi thời điểm của cuộc đời thường có hai gương mặt: Mẹ và Em, đã trở thành Sáng trong và bình lặng, như biển cả và mảnh trăng, làm nên:

Những câu thơ
        còn xanh
Những bài hát
        còn xanh

(Thời gian)

Văn Cao, cây đại thụ đó đã nằm xuống. Song, ngọn núi sáng tạo ấy vẫn sừng sững soi bóng xuống cuộc đời. Đời vẫn mãi mãi thương tiếc và nhớ Văn Cao.

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.