.

Tấn vịt, người con đất Quảng

.
Nguyễn Ngọc Tấn cùng anh em công nhân tại phân xưởng vịt.
Nguyễn Ngọc Tấn cùng anh em công nhân tại phân xưởng vịt.

Tháng 12 trời rất lạnh, chúng tôi tới xưởng chế biến vịt, tọa lạc trên một nhà máy Đông Đức cũ được cải tạo lại, trên vùng Ratthenow. Chục năm trước đây tôi đã nghe danh Tấn vịt ở Berlin. Mãi tận tới khi đến Chemnitz gặp gỡ Hội cựu binh ở đó, tôi mới gặp anh. Một người nhỏ con, đôi lông mày rậm, khuôn mặt xương, nụ cười thật hiền, Tấn vịt có giọng nói vẫn mang đầy âm sắc đất Quảng, dù anh đã sang đây lập nghiệp hơn hai mươi năm trên CHLB Đức.

Tên cha sinh mẹ đẻ của anh là Nguyễn Ngọc Tấn, sinh 1962 thuộc Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Tấn từng có 5 năm thâm niên là bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Nhắc lại thời kỳ này, Tấn nói, ở bộ đội biên giới cực khổ lắm, song nó rèn luyện cho người ta sự chịu đựng và nhất là tinh thần đồng đội.

Năm 1988 Tấn sang Đức, như bao người thợ khách khác. Từng tốt nghiệp trung cấp cầu đường tại Việt Nam, Tấn trở thành công nhân đường sắt Đông Đức. Nước Đức thống nhất, anh như bao anh em lao động thời ấy, ra đường kiếm ăn, rồi làm thuê hết cho quán ăn của người Thái cho tới các quán ăn Tàu tận năm 2000.

Có đi làm cho người ta mới biết lao động quán xá vất vả trăm bề, biết nhiều điều mà học họ. Năm 2000, như có cơ duyên, anh gặp Lê Đình Bính, một người bạn quê Thanh Hóa. Như hai người đồng đội gặp nhau trên mặt trận, Tấn và Bính kết thân như anh em và họ rất tâm đắc và phát hiện ra rằng, thị trường tại Đức rất thiếu vịt chế biến sẵn, để chế biến thành vịt quay giòn, một món ăn rất khoái khẩu không chỉ riêng cho người Đức. Bàn với nhau, họ tập trung vốn, mở một xưởng chế biến vịt nhỏ tại Ratthenow.

 

Chân dung Tấn vịt
Chân dung Tấn vịt

Tấn kể, vào một địa hạt mà mình chưa tường gì thì khó thắng trận lắm. Những ngày đầu, hai đứa mày mò từ khâu lọc vịt rồi tẩm ướp gia vị, có được sản phẩm đẹp và ngon, song cơ quan kiểm định của Đức đã phát hiện ra là hàng hóa không bảo đảm các chỉ tiêu vệ sinh. Vịt miếng có nhiều hóa chất độc hại, có cả vi sinh gây không tốt cho sức khỏe thực khách. Thế là hàng chục ngàn đồng Mark đổ ra sông ra biển.

Không nản chí, và được sự chỉ giúp tận tình của các kiểm soát viên người Đức, Tấn và Bính cùng rà soát lại dây chuyền chế biến, trang bị lại bảo hộ cho công nhân, làm tốt khâu vệ sinh nhà xưởng. Nhờ nỗ lực tới cùng, mẻ vịt sơ chế đầu tiên xuất bán đạt kết quả chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Đức.

Từ đấy, suốt 12 năm trời, “Tấn vịt” là tên gọi trìu mến của anh em Việt Nam tại Berlin gọi anh, rồi biệt danh Tấn vịt nổi tiếng toàn CHLB Đức, trở thành một doanh nhân thành đạt. Xưởng vịt của hai doanh nhân người Việt bất chấp sự cạnh tranh với người Tàu để ngày càng phát triển. Họ mua thêm đất, mở rộng xưởng trên mảnh đất bốn ngàn mét vuông với quy mô lớn, mỗi ngày cung ứng 20 tấn vịt đã chế biến cho rất nhiều quán ăn trên toàn nước Đức.

Nhắc tới thành công của hôm nay, Tấn vịt dành cho người bạn Lê Đình Bính với một thái độ rất trân trọng: Ngành chế biến vịt không chỉ đơn giản là ở khâu kỹ thuật chế biến mà trên hết, anh Bính đã cùng tôi tạo nên đội ngũ lao động gắn bó và có trách nhiệm. Ví như, người công nhân có trách nhiệm sẽ biết vun vén phần phế liệu trong quá trình sản xuất, chế biến để bán cho các nhà máy thức ăn gia súc, góp phần bảo đảm doanh thu cho công ty.

Tháng 12 trời rất lạnh, chúng tôi tới xưởng chế biến vịt, tọa lạc trên một nhà máy Đông Đức cũ được cải tạo lại, trên vùng Ratthenow. Đây là vùng nông nghiệp phát triển của Đông Đức cũ. Chúng tôi tới khu nhà hơn bốn trăm mét vuông. Tấn Vịt xăm xăm đi trước giới thiệu, nhà văn phòng, phòng ăn cho anh em công nhân ăn trưa. Qua một hành lang là khu chế xuất. Chúng tôi bước qua khu khử trùng sau khi mỗi người phải trang bị bảo hộ. Mùi vịt thơm lừng.

Tại đây hằng ngày có hơn 30 công nhân và cán bộ làm việc trong dây chuyền chế biến vịt, từ vịt sống tới thành phẩm để cho vào hầm lạnh đông đá đột ngột âm 50 độ, khử trùng toàn bộ vi sinh độc hại.

Công nhân ở đây có cả tây lẫn ta, từ người chế biến vịt, tới cánh lái xe 10 chiếc xe tải lớn phân phối vịt khắp nước Đức đều được chăm lo đời sống cẩn thận. Ngay trưa ấy, ngó xem nhà ăn anh em công nhân, người quản lý vui vẻ nói, thịt thà ở đây không quan trọng lắm, cái quan trọng là rau dưa các loại cho anh em hợp khẩu vị người Việt Nam mình. Trên bàn ăn của anh em công nhân, có ba bốn món ăn, trong đó có bát canh xương nấu với một loại rau Đức, từa tựa như rau mùng tơi của ta.

Tấn vịt hài lòng: “Công nhân được bố trí nhà ở và ăn trưa, thu phí rất thấp như thời bao cấp, 50 eu một gia đình. Hầu như nhiều anh em ở đây đã gắn bó hơn chục năm với xưởng vịt này. Họ có thu nhập cao, tiết kiệm tích lũy được không chỉ nuôi gia đình mà còn có tiền gửi về nước”. Và anh hướng về tương lai với một niềm tin: Sự thành công của xưởng cũng nhờ một phần ở sự hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Bán buôn Đồng Xuân Berlin, không xa nữa xưởng sẽ đầu tư một dây chuyền công nghệ mới để tăng thêm sản lượng, bởi hệ thống nhà hàng Việt Nam hiện nay của người Việt đang dần chiếm ưu thế về thương hiệu, món ăn Việt ít dầu, ít mỡ, ít ngọt, nhiều xơ, hiện tại thích hợp với việc ăn kiêng của người Đức…

Trước khi ra về, Nguyễn Ngọc Tấn dẫn chúng tôi ra khu nhà kho, chỉ cho chúng tôi gian kho chật ứ hơn trăm chiếc xe lăn của Đức: “Số xe lăn này của Đức sản xuất, vẫn còn rất tốt, em đương tìm cách chuyển về nhà làm từ thiện”.

Tấn vịt chính là người sáng lập ra Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 2009 với tư cách Chủ tịch hội. Năm nay, anh chuyển “chức” Chủ tịch Hội cho anh Trương Văn Định người Quảng Nam, nhưng vẫn luôn song hành cùng mọi hoạt động của Hội. Hiện Hội đã quy tụ hơn 450 gia đình, mở rộng sang cả Tiệp và Regenburg, vùng biên giới Đức - Tiệp. Mấy năm qua, Hội đã giúp đỡ nhiều tỷ đồng cho quê nhà, xây nhà đoàn kết Tây Giang, Nam Giang, quyên góp tiền để gửi xe lăn về cho nhiều người thương tật, giúp đỡ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng v.v… Hội cũng động viên anh chị em đóng góp về quê hương, có người đóng góp xây dựng trường tới giá trị 500 triệu.

Hơn chục năm nay, năm nào Tấn cũng về thăm quê. Trong anh, Đà Nẵng đã thay đổi quá nhiều, trở nên một thành phố xanh-sạch-đẹp. Những người con Quảng Đà lưu lạc, xa quê tự hào về sự thay đổi tận gốc ấy. Nhưng anh nói rằng, dấu ấn chiến tranh vẫn còn đè nặng lên vai nhiều người dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng núi. Năm 2010, anh về Duy Xuyên, gặp hai cháu nhỏ không cha không mẹ mà rơi nước mắt. Đâu đó còn nhiều người thương binh hay tàn tật phải chống gậy, vì thế việc giúp đỡ một chút cho quê hương luôn là điều làm các thành viên của Hội trăn trở và quan tâm.

Tạm biệt Tấn vịt tại nhà xưởng, chừng ba tiếng sau tôi lại thấy anh ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân với tư cách như một hầu bàn thực thụ, tay năm tay mười phục vụ thực khách tại một cửa hàng ăn lớn ở Đồng Xuân Center. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Tấn vịt, người đã là một đại gia ở Đức, cười rất tươi:

- Ba người bạn chung nhau mở quán này cho vui. Người Quảng Đà chúng em ai cũng chịu thương chịu khó, làm chủ cũng được mà làm thợ cũng rất được!

CHLB Đức

Tháng 12-2013

Ký sự nhân vật của NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.