.

Trà tam, rượu tứ...

.

1.

Các cụ ta xưa, mà nay cũng vậy, khi thẩm thấu đúng nghĩa của nó, thì trà và rượu là những thú vui đối ẩm thanh cao, thi vị ở mọi lúc mọi nơi, đã nâng nó lên tầm văn hóa, nghệ thuật ẩm thực đặc trưng - nghệ thuật nhắm rượu, nghệ thuật thưởng trà. Tôi có thử tìm đọc trong sách, báo cũ, cũng hỏi một số cụ túc nho, cao niên, trong đó ông nội tôi, cụ Tú Hàm, thì được biết: Từ xưa tới giờ trong việc ăn uống, khi nói đến rượu và trà mới dùng chữ nhắm và thưởng, ngoài ra hai từ “đặc biệt” này không thấy dùng vào đâu. Rõ là độc đáo và cao siêu!

Thật ra nhắm thưởng cũng là uống. Nhưng cách uống ở đây kéo theo bao nhiêu là yếu tố, là điều kiện, nguyên vật liệu, khung cảnh, không gian, thời gian, mùa tiết và cả đối tượng nhắm rượu, thưởng trà. Giới thượng lưu, người sành điệu, các nho gia, văn nghệ sĩ thanh bạch xem uống rượu, uống trà là sự tinh tế, thăng hoa cùng với niềm vui, hạnh phúc, đồng thời lắng lại với suy tư, u trầm khi nỗi buồn bất hạnh nào đó chợt đến với họ. Có điều vui hay buồn đều nhằm vào phạm trù tích cực là giải tỏa, gội nhuần, tịnh độ mỗi khi nâng cốc, đôi môi chúp chíp, đôi mắt hiu hiu, thần thái buông lỏng, cảm xúc tâm hồn lâng lâng, khi chén rượu tinh khiết, cốc trà sóng sánh tỏa mùi thơm như thấu tận cùng lúc các giác quan. Nhắm rượu, thưởng trà là tận hưởng. Chứ không phải như ai đó, hay kẻ “phàm phu tục tử”, cầm chén rượu, cốc trà ừng ực vô cảm ở bất kỳ chỗ nào, và còn trở thành con nghiện bê bết của bất cứ loại rượu nào, đánh đồng trà với các thứ nước uống giải khát khác. Cái cảnh “trà dư, tửu hậu” cũng ở chỗ trần tục mà ra.

2.

Trong dân gian có nhiều chuyện về trà và rượu, mặc dù hai thức uống đó không dùng cùng một lúc, nhưng sự thâm thúy của nó thì vô cùng:

Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhứt trản trà.
(Nửa đêm uống ba chung rượu
Sớm mai uống một chén trà).

Ta cũng hình dung được những thời khắc đó đối với người sành trà, rượu nó có ý nghĩa và giá trị như thế nào. Cái thanh vắng lúc nửa đêm thức giấc, chợt tỉnh mà uống đôi ba chén rượu, càng làm cho tâm hồn, trí óc thư thái minh mẫn, suy ngẫm thấu đáo sự đời, thân phận. Cũng như khi ánh mặt trời sắp ửng hồng, ló dạng trong màn sương và làn gió sớm hoang hoải, trong vắt âm thanh mà uống một cốc trà thì còn gì sảng khoái, tỉnh táo sau một đêm dài say ngủ, mơ màng.

“Vô tửu bất thành lễ” (Không có rượu, coi như lễ nghĩa không thành). Có lẽ không phải hầu hết đều như vậy. Cho nên không hiếm những bữa rượu, cuộc rượu, tiệc rượu, cuốc rượu, tối rượu, chén rượu, mâm rượu, bàn rượu đã trở thành tri âm tri kỷ, trở thành câu hẹn, lời thề, sự trân trọng biết ơn, sự nhớ thương dịu vợi ở những con người lấy chữ tâm, chữ đức trong sáng làm trọng.

Rồi từ rượu, lại có những câu ám chỉ, đại loại: “Nam vô tửu, như kỳ vô phong” (Đàn ông không rượu, như lá cờ không có gió). Ý nói, rượu làm cho các đấng mày râu mới mạnh mẽ, dũng mảnh, oai vệ hơn. Nhưng sợ nhất là “Tửu nhập ngôn xuất” (Rượu vào lời ra), lại ra những lời dữ dằn, tục tĩu, không làm chủ được bản thân, gây lắm điều bất bình tai hại khôn lường, của đám “đệ tử lưu linh”, để cho ma men lung lạc.

Như thế, có ba bảy cách dùng rượu, dùng trà. Tưởng như “trà tam, tửu tứ” được coi như cái thú ở đời, mà mỗi thứ đều chứa đựng niềm vui thú hiếm hoi không dễ gì có được ở các loại ẩm thực khác. Nhưng mỗi việc hiểu một cách chính xác con số “tam và tứ” (trà ba, rượu bốn) mà cha ông ta truyền lại cũng đã khó khăn. “Ba và bốn” nó là số thứ tự hay là số lượng? Uống ba cốc trà và bốn chén rượu là đủ. Căn cứ vào đâu, lý do gì, vì sao chỉ uống chừng đó? Hay là ba người, bốn người cùng uống... Sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau cùng tồn tại. Mọi cách suy đoán đều được chấp nhận bởi đều có lý, tùy theo hoàn cảnh mà vận dụng khi nhắm rượu và thưởng trà.

Có người giải thích “trà tam” là cuộc trà chỉ nên có ba người. Ba người cùng tận hưởng thì mới vui, hai người vẫn là số ít, còn một người thì chả có gì lý thú, thi vị. Còn “tửu tứ” là bữa rượu phải có bốn người ngồi chạm ly (chén) đối ẩm thù tạc, khề khà với nhau qua hơi men mới thấm thía tận gan ruột. Như thế “tam, tứ” (ba, bốn) ở đây chỉ số lượng chủ thể là người uống.

Lại có người cho rằng, uống trà phải đủ ba cốc mới thưởng thức hết được cái hương vị chát ngọt của trà, lúc đó mới thông nhuận được thần khí hào sảng. Còn rượu phải bốn chén mới ngấm từ đầu lưỡi vào ngũ tạng và mùi vị sực nức mới đủ tỏa hương dẫn tới ngà ngà. Có một lập luận mềm dẻo hơn cho rằng “trà tam” là trà pha đến nước thứ ba mới đích thực nước cốt của trà cả về màu sắc lẫn tinh chất. Còn nước một chỉ là rửa trà, nước hai còn chát, cứng, nước thứ tư trở đi gần như loãng, nhạt, mùi vị rơi rớt. Như vậy, “trà tam” là nhấn mạnh đến phương thức pha chế và chất lượng của trà, chứ không phải loại trà nào cũng qua ba bước, ba bận mới ngon.

Còn rượu thì nồng độ phải là “sủi tăm”, “cuốc lủi”, sực nức cay nồng, không nhạt thếch, không cháy cổ mới là rượu ngon, nhắm đến chén thứ tư “tửu tứ” là vừa đủ độ ngà, là ranh giới giữa chừng mực và độ bốc, ngây ngất trong men, trong hương rượu. Mấy lý lẽ vừa nói, có lẽ là quá trình chiêm nghiệm, “tổng kết” của cha ông ta từng trải trong thế giới nhắm rượu, thưởng trà hàng mấy trăm năm mà ra.

3.

Chưa hết, còn một lập luận nghe ra cũng thấu tình đạt lý hơn, như một triết lý về rượu mà cũng về người:

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Nhân bất đồng tâm bán cú đa
(Tri kỷ gặp nhau, rượu uống ngàn chén vẫn là ít
Người chẳng cùng lòng, nói nửa lời cũng đã là quá).

Thật như một câu châm ngôn nhấn mạnh về tình cảm giữa con người với nhau, chứ đâu có cứng nhắc, lấy con số “ba, bốn” để đo đếm trong ẩm thực giao tiếp. Quan trọng là ở mức độ vừa phải, biết áng chừng độ say, độ ngon, cũng như tình thâm, lẽ phải tiết chế đến đâu. Cho nên cụ Nguyễn Khuyến cũng nói thật lòng về cái bi, hài của bậc túc nho thi bá của các cụ:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không uống, không tiền, không mua!

Chỉ có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của những người đồng chí hướng, những người thân, bạn hiền cùng ngồi với nhau trong cuộc rượu, cuộc trà thì mới bộc bạch, dịu vợi, như cởi tấm lòng. Không bao giờ kẻ đối nghịch, hung hãn, phản trắc có thể nhắm rượu, thưởng trà một cách văn hóa, thanh lịch. Nếu có, họ uống để bộc lộ hoặc che lấp hành vi phi đạo đức của kẻ tiểu nhân mà thôi. Không cần luận ra, mà nhãn tiền đã cho ta biết hai thái cực, hai đối tượng dùng rượu và trà trong thế gian như tiền nhân đã nói ở trên.

Ở đất Quảng có rượu “Hồng Đào”, tốn nhiều giấy mực, nhưng gần như ai cũng chưa được uống thứ rượu đích thực đó, chỉ hô hát, ngâm vịnh mãi câu ca ngàn đời này:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say.

Lại nhớ cô gái quan họ chít khăn mỏ quạ, áo mớ bảy mớ ba nâng trên tay chén rượu trong veo, hát câu dân ca duyên dáng mời khách lãng du:

Tay tiên chuốc chén rượu đào
Sánh ra thì tiếc, uống vào thì say.

Đấy là cái ngập ngừng nên thơ từ người và rượu. Thử nâng chén rượu lên môi rồi không như Lý Bạch, thi gia Trung Quốc đã thốt lên:

Cử bội dữ minh nguyệt
Đối ảnh thành tam nhân!
(Nâng chén mời trăng sáng
Cùng với bóng thành ba người!)

thì cũng truyền thêm sức mạnh tinh thần, kích phát trí tưởng, làm bùng cháy tình cảm trong ta. Nhưng cũng đừng làm như Nguyễn Du, với “bầu rượu túi thơ” trong Kiều để ra nông nỗi:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa!

4.

Trà và rượu từ trong cung đình vua chúa, chốn dinh thự công quyền, nơi phồn hoa sang trọng ra đến bàn dân thiên hạ. Người ta bị mê hoặc bởi thứ nước uống vừa cầu kỳ, vừa đơn giản trong công thức và nghệ thuật chế biến, đến nỗi có lắm người nghiện rượu, nghiện trà không dứt ra được. Có lắm loại rượu, loại trà khác nhau, với nhiều tên gọi lên hàng “sao” tầm cỡ quốc gia, quốc tế như: Đệ nhất danh trà “Vũ Di sơn”, “Mỹ tửu Bồ Đào”, “Mao Đài” bên Trung Quốc; “Mạc tên”, “Sâm banh”, Pháp; “Vốt ka” Nga, “Sa kê” Nhật Bản… Ở ta có “Rượu đế, Gò Công”; rượu “Làng Vân”; “Vân hương, mỹ tửu” Hà Bắc; “Bàu Đá”, Bình Định; “Đá Bạc” Thừa Thiên-Huế; “Trà mạn” Thái Nguyên; trà “Tâm Châu” Blao, Lâm Đồng… cũng đều nổi tiếng.

Rượu khà, trà chép là cung cách của nhắm rượu, thưởng trà. Không ai dạy bảo cho “động thái” đó mà người nào cũng biết tận hưởng cái hương vị khoái cảm của từng ngụm rượu, ngụm trà chạm vào đôi môi, chót lưỡi và tâm can, buộc cho họ phải phát ra thứ âm thanh như reo vui đầy huyễn hoặc- khà, chép huyền nhiệm.

Thưởng trà, theo ông tôi, “trà tam tuần” mới đúng cách. Nghĩa là uống trà ba lần bằng cái chén “bạch đinh” (trắng toát), thường gọi là “chén mắt trâu” và trà được pha trong chiếc ấm Gia Chu nhỏ xíu bằng đất nung màu gan gà. Sau ba tuần trà (3 lần cho nước vào ấm trà và uống 3 lần như thế), chủ nhân (người mời trà) úp chén vào khay gỗ, có nghĩa là “tiệc trà” kết thúc. Các đồ vật dùng trà có nhiều tên gọi như bình trà, ấm trà, tích trà cùng với chén, cốc uống trà đều làm bằng sành, sứ, loại sang thì nạm vàng, bịt bạc, đặc biệt là các sản phẩm từ cổ xưa để lại có tính nghệ thuật chế tác tinh xảo, chạm trổ hoa văn, chim thú công phu. Nhiều người nhắm rượu, thưởng trà đồng thời với sự nâng niu, thưởng lãm vẻ đẹp, như một bức tranh thu nhỏ trên bộ khay chén rượu, trà quý hiếm, xem như báu vật của họ, làm tăng thêm độ hưng phấn, ngất ngây dịu vợi trước mùi hương và đồ vật đều tinh khiết.

Tản mạn theo rượu và trà thật thú vị. Mới hiểu “trà tam, tửu tứ” hay gì gì đi nữa, cũng là sự luận giải, khái quát hóa tính văn hóa, nghệ thuật về cái thú uống rượu, uống trà của người Việt ta. Rượu, trà xưa và nay vẫn vậy. Là một phần trong đời sống và sinh hoạt tinh thần của quãng đại. Nó chỉ là hương, là sắc, có thể trong chốc lát, nhưng luôn mang đến cho ta niềm vui bất tận, chất men cảm hứng dạt dào, sự thanh thản vô lượng của tâm thức, giải tỏa, vùi quên bao nỗi niềm trước nhân tình thế thái riêng, chung.

Vậy đó, ba ngày Tết nhàn đàm, rồi nhắm và thưởng chén rượu, cốc trà tỏa hương để lắng nghe mùa Xuân đi rộn ràng, ấm áp là cái thú, cái tình của người Việt ta.

Tết Giáp Ngọ, 2014

HOÀNG HƯƠNG VIỆT

;
.
.
.
.
.