.

Áo bao vải

.

Cái ký ức của mình cứ chia thành từng khoang nhỏ. Khoang này, dành cho một bữa cơm đầu tiên với chén cơm trắng tưng và những lát cá thu kho nước mà mẹ nhà thơ Nguyễn Quân ở Đà Nẵng đã dành cho cả nhà tôi năm 1978.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khoang này dành cho cái đêm trăng ngời ngợi dát vàng lóng lánh trên mênh mông đồi dứa, gật đầu đón nhận tình yêu đầu đời. Khoang kia, khắc ghi trong tâm trí những ngày hứng từng giọt nước máy ri rỉ hàng tiếng đồng hồ ở ký túc xá cho ngày phụ nữ ta mang. Riêng mùa Tết, luôn là cái nơi càng xa xăm càng được chất đầy và ấm áp nhất. Cái sự nhớ cũng thường lui đi lui tới nhiều nhất.

Đó là cái Tết năm 1973. Tới những ngày cận Tết, mẹ vẫn chưa tỏ ý gì để tôi lóe lên một hy vọng về một cái áo hoa mặc Tết. Tôi cặm cụi dọn dẹp cỏ trước sân vườn, vun lại mấy khóm hoa vạn thọ, và bị cuốn theo sắc thắm của những nụ đào nở sáng bừng cả khu vườn đầy những cây đào trồng rải rác. Tự dưng, tôi gợi ý với mẹ đem đào đi bán (với ý nghĩ sẽ có tiền mua cái ao hoa thật thơm mùi vải!). Mẹ cười ậm ừ, nhà nào cũng trồng đào, ai mua mà bán… Nói vậy, nhưng mẹ cũng chọn một nhành đào ở gốc cây già cỗi nhất để chặt gãy gọn, biểu tôi vác đi theo cùng gánh rau xà lách, hành mùi, đu đủ xanh, cà chua chín của mẹ.

Phiên chợ thị trấn Thái Hòa (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đông nghẹt, hai mẹ con loay hoay mãi cũng tìm được một chỗ. Người bán như nhiều hơn người mua. Cành đào, thỉnh thoảng có người dừng bước, vội vã ngắm, vội vã khen, rồi vội vã đi. Chợ dần tan, đàn bà con gái cũng lần lượt rời chợ. Gánh rau của mẹ cũng chỉ vơi đi chút ít. Dọc đường về, mẹ gặp ai quen, cho hết. Chỉ còn lại cành đào theo tôi trở về, vuột mất niềm mơ ước về một cánh áo có những bông hoa nhỏ như hoa cúc trấu. Tới nhà, tôi cắm cành đào vào chiếc bình lớn để giữa nhà. Mặc dù trước sân nhà là một khoảng không đầy hoa đào, hoa vạn thọ, hoa dâm bụt, nhưng trong nhà, sắc đào tươi thắm, dịu dàng vẫn vô cùng nổi bật, lấn át cái bộ ghế cũ xiêu vẹo, cùng những bức phên nhà được trét bằng cứt trâu trộn bùn đất.

Dưới bếp, mẹ tháo tung mấy cái bao vải đựng lương thực. Trên bếp, một nồi nước chè xanh đang sôi sục sục, khói hơi ngút cả gian nhà. Mẹ giặt sạch sẽ từng miếng vải rồi nhúng vào nồi nước chè xì xụp khói. Không biết mẹ có bỏ gì vào nồi nước ấy nữa không mà tấm vải chuyển dần sang màu nâu, nhưng vẫn còn những hình hay chữ gì đó không ăn màu. Mẹ hong khô tấm vải bên cành sào gác cạnh bếp, và hí húi cắt may thành một tấm áo có cổ tròn thật khéo léo (hình như mẹ chỉ biết may cổ tròn. Tấm ảnh mẹ chụp thời trẻ, do mẹ tự may để trên bàn thờ cũng là chiếc áo cổ tròn!). Tôi mân mê tấm áo, hít hà cái mùi chè xanh. Chỉ có điều, cái hình vẽ hay cái chữ viết gì đấy chiếm một diện tích khá lớn phía sau lưng áo cứ khiến tôi không ưng ý, mà không dám nói.

Tết đó, tôi đĩnh đạc bước ra cái cổng dài tít tắp, qua vườn chè, qua mấy gốc đào, qua dãy dứa gai, qua lùm tre um tùm dưới cái trũng sâu trước ngõ, qua hai gốc gạo cổ thụ để bước ra đường. Hồi đó, tất cả những đứa trẻ chỉ cần ra đường, ra ngõ, túm tụm lại với nhau và bắt đầu chơi Tết! Bạn bè, chẳng có ai diện tấm áo như tôi, nhưng cũng không ai trêu chọc. Tết năm đó cũng qua. Tết năm trước và năm sau, tôi không thể nào nhớ được mình đã được mặc áo gì?

Bao nhiêu năm, tôi cứ lăn tăn mãi với cái loại bao vải đã may nên tấm áo. Bao đựng bột mì, đựng gạo hay đường? Khổ nỗi, lúc mẹ còn sống, thì lại chẳng để tâm mà hỏi!

Có lần, đọc một bài viết của tác giả Trần Mộng Tú, mới hay rằng,  những năm (1929-1939) đã có những bà mẹ ở tận bên nước Mỹ cũng đã dùng bao bột mì cặm cụi ngồi may áo cho con đi học. Họ còn rất khôn ngoan khi nói những người chồng của mình đòi hỏi nơi bán bột mì, bán thực phẩm cho gia súc phải in hoa vào bao thì họ mới mua. Vì thế, những xưởng bán thực phẩm đã cho in hoa vào những bao vải. Tiền bạc vào thời kỳ đó rất khó khăn nên công thương, nông nghiệp phải nhượng bộ với nhau! Trong ngôi trường chỉ có một phòng học đó, có rất nhiều em mặc thứ áo giống hệt nhau được may từ loại bao này.

Khi bài viết này được tải lên FB, có một bạn đọc đã bần thần nhớ lại thời gian khó: “... Năm đó mẹ em đi xếp hàng làm bánh bích quy Tết, bị móc mất hết tem phiếu cả năm, mẹ em khóc kinh lắm. Em nhớ mãi. May quá xí nghiệp của ba có những bao tải bột mì của Canada để làm bánh kẹo nên ưu tiên cho mua lại. Bố mang nhuộm xanh may áo cho mấy anh em, nhưng không mờ được cái hình tròn có hình lá phong biểu tượng của Canada. Em nói với bác thợ may cho đúng vào giữa lưng áo nên trông cũng lạ và lấy làm oách lắm. Năm ấy cả nhà mặc áo bằng bao tải bột mì Canada”.

Lần khác, lại đọc một bài viết của nhà báo, nhà văn quân đội Nam Hà. Ông kể những kỷ niệm trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường cực Nam Trung Bộ. Năm 1966-1967, ông và đồng đội thường mặc áo sơ-mi may bằng vải bao tải gạo được hậu cần đơn vị mua gạo của dân trong ấp chiến lược. Áo may xong, anh em tìm đến những con suối có bùn, đem áo ấn xuống bùn giặt phơi thành màu tro, hoặc kiếm pin đèn về đập nát, lấy ruột pin pha với nước sôi, cho áo vào, áo trắng chuyển sang màu tro để máy bay địch khó phát hiện. Nhà văn Nam Hà cũng đã mặc chiếc áo sơ-mi quý giá ấy cả năm trời. Một năm đơn vị chỉ phát áo một lần. Áo ướt, bẩn lại cởi ra giặt, đợi khô mặc lại. Áo rách, anh em lại tìm kim, chỉ tự may vá. Có lần, nhà văn đếm được trên áo mình có tới 25 mảnh vá, màu sắc khác nhau.

Cuối cùng, dù chưa thể vỡ vạc ra được cái áo mình được may bằng loại bao đựng bột mì hay gạo, là hàng viện trợ của nước nào, nhưng tôi vẫn tràn đầy thích thú khi biết rằng có rất nhiều người đã từng khoác lên mình tấm áo bằng bao vải đựng lương thực ấy. Có lẽ, cũng chính vì cái sự ràng rịch giữa cái cành hoa đào với áo Tết, nên hơn 40 năm qua, bao cái sự nhớ cứ lướt qua rồi tan biến, nhưng cái áo Tết năm đó thì nghiễm nhiên ngự trị trong trí nhớ. Nhất là hàng chục năm cùng con gái tìm mua đồ Tết. Nhất là vào mùa Tết, đi dọc con đường có đào Bắc bày bán hồng hồng thắm thắm.

Giờ thì có thể mua bất cứ lúc nào những tấm áo hoa một thời mê mải, nhưng vẫn cứ tiếc là không gìn giữ suốt đời cái áo bao vải mặc Tết thời thơ bé. Giờ thì có thể mua bất cứ cành đào nào mình thích, nhưng sao cành nào cũng chẳng thể đẹp bằng cái nhánh đào mẹ đã rứt ruột chém một nhát dao sắc lẹm tách lìa khỏi cây năm đó.

PHAN HOÀNG PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.