Không hiểu sao những ngày cuối năm, mỗi lần có dịp ra sân bay đón người thân, tôi lại nhớ rất rõ câu chuyện của vài năm về trước ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Đó là vào khoảng 20 giờ một ngày cuối năm, sau khi làm thủ tục cả đống hành lý cho chuyến đi Sydney, định tìm một chỗ ngả lưng thì từ phía cổng kiểm tra hành lý xách tay vang lên giọng người đàn bà đặc sệt Quảng Nam: “Có mấy lá trầu, bình vôi và mấy hũ mắm làm chi mà lấy hết rứa!”. Thì ra, khi làm thủ tục kiểm tra hành lý xách tay lần cuối trước khi lên máy bay, nhân viên sân bay phát hiện ra mấy “vật thể lạ” không nhãn mác, bao bì nên kiên quyết yêu cầu bà để lại.
Chuyện chỉ có vậy, thế mà lúc ngồi chờ lên máy bay, bà rấm rức nói với tôi như muốn khóc: “Tôi hứa mấy người bạn rồi, sau khi về quê sẽ mang quà sang Úc ăn Tết, chừ biết nói răng đây. Tết không trầu, cau cúng giao thừa, không có mắm cái ăn với cơm trong mấy ngày Tết thì coi như hết Tết”.
Câu chuyện tình cờ chứng kiến tại sân bay trôi đi nhanh khi tôi quá bận rộn với sự hăm hở lần đầu khám phá thành phố Sydney sôi động. Vậy mà buổi chiều 30 Tết, cùng cả nhà đi chợ khu người Việt ở Cabramatta, phát hiện ở một góc phố có cụ già người Việt miệng bỏm bẻm nhai trầu, còn phía trước mặt là một rổ nhựa to đựng lá trầu xanh, vôi và mấy búp chuối. Thấy tôi bước đến, bà xổ ra nguyên cả câu mời bằng thứ giọng Quảng chính hiệu: “Con thích bao nhiêu cứ lấy, đưa dì bao nhiêu cũng được”.
Khi biết tôi từ Đà Nẵng mới qua bà bỗng vui hẳn nói như sợ tôi đi mất: “Dì cũng dân Đà Nẵng đây. Mấy đứa con có cho dì đi bán trầu mô, nhưng dì thì kiên quyết tuyên bố là không cho tau bán tau về Đà Nẵng ở luôn, rứa là mấy đứa mới chịu”. Bà cười “đắc thắng” đưa cả hàm răng chỉ còn vài chiếc đen nhẻm vì... ăn trầu mà trông đầy hạnh phúc. Thực ra thì bà có bán gì đâu, suốt cả buổi ngồi nhìn bà bán hàng Tết mà toàn là tìm gặp đồng hương rồi nói chuyện, xong ai thích lấy thì cứ cầm về. Vậy mà bà lại vui, vui lắm!
Không riêng gì người Việt ở Sydney, mà ở bất cứ nơi đâu, người Việt dù đã định cư nơi đất khách quê người vài chục năm hay là những sinh viên, người lao động mới qua được vài năm, cứ đến dịp Tết bao giờ cũng cố “săn” cho được món ăn của quê hương đã trở thành cái niềm vui, sự thôi thúc khó giải thích nổi.
Anh Trần Thanh Nhã, một người bạn thân của tôi từ thời đại học, định cư tại Mỹ gần 15 năm, vậy mà cứ năm nào gần Tết thì cũng cố alô cho tôi; sau một hồi nói chuyện huyên thuyên thì bao giờ “câu kết” cũng nhắc đi nhắc lại: Mi cố kiếm người cuối năm qua Mỹ gửi cho tau mấy thẩu mắm “Dì Cẩn”.
Nếu thấy tôi vui thì đằng nào cũng kỳ kèo thêm “Lên chợ Cồn, mua luôn tau mấy thẩu dưa món, nhớ là loại có nhiều củ hành hỉ!”. Nói xong, sợ tôi từ chối nó cũng kể cho tôi câu chuyện... cũ rích: “Tết năm nào cũng đưa vợ con đến khu vực Little Sài Gòn ở Cali để chơi và ăn món ăn Việt. Thế nhưng, những ngày Tết thì phải có mấy món ni trong nhà mới là Tết, không thì mất gốc mất”.
Không có điều kiện để trải nghiệm hết sự cồn cào nhớ cái hương vị Tết bên ngoài đất nước, nhưng trong những lần ít ỏi ra nước ngoài, khi nhìn tận mắt và nghe bà con người Việt trò chuyện, nhìn cảnh họ tất bật làm đủ mọi thứ cho có một không gian Tết “y như quê nhà” thì mới thấy được giá trị cái Tết ngay trên quê nhà. Những ngày cuối năm Quý Tỵ 2013 tại sân bay Suvarnabhumi, Băng-cốc, Thái Lan, chúng tôi thật cảm động chứng kiến nhóm sinh viên ra sân bay đón bạn từ Việt Nam sang mừng như bắt được vàng khi thấy bạn khệ nệ kéo hành lý trong đó có đủ các thứ để nấu các món ăn Tết như quê nhà.
Lê Thanh Tình, quê ở Quảng Nam, một nghiên cứu sinh tại Đại học Chulalongkorn, Băng-cốc cho chúng tôi biết: “Ở cư xá, người ta không cho đốt củi, vì vậy tụi em đã có kế hoạch làm chuyến dã ngoại ra vùng ngoại ô Băng-cốc và ở đó sẽ tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, rồi về khu học xá làm tất niên cuối năm. Băng-cốc thì rất nhiều thực phẩm giống Việt Nam, nhưng để có mùi vị “đặc” như quê nhà thì phải từ Việt Nam gởi sang”.
Với những người Việt xa quê trong những ngày Tết, bên cạnh việc tìm cho được vài món ăn mang đậm hương vị ngày Tết Việt, thì việc cố tìm loại hoa biểu tượng ngày Tết ở Việt Nam cũng là niềm vui thôi thúc khó cưỡng.
Khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch là mùa hoa jacaranda nở tím ngắt cả Sydney, đây là thời điểm rất nhiều bạn trẻ tranh nhau chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Thế nhưng, đối với người Việt lúc này thì thứ hoa tuyệt đẹp và rất lãng mạn này đã bị xếp sau thứ hoa mang “quốc tịch” Việt Nam thường được chưng trong những ngày Tết là hoa mai, hoa đào, hoa cúc...
Do thổ nhưỡng không phù hợp và cũng trái mùa nên những nhánh hoa mai, hoa đào kém sắc hơn so với quê nhà, thế nhưng với người Việt ở nước ngoài thì tìm mua được những loại hoa này cũng là niềm vui khó tả. Ngay như tại Mỹ, một nhành mai nhỏ ngày thường chỉ vài chục USD thì những ngày cận Tết lại nhảy vọt lên 100-150 USD; vậy mà người Việt chẳng tiếc hầu bao, cố gắng đem về nhà hương vị Tết đặc biệt này.
Tất bật lo toan để có cái Tết cổ truyền thật đầm ấm và giống quê nhà, những người Việt xa quê xem đó là một cách để làm dịu đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ cái rộn rạo trong những ngày xuân. Còn từ trong sâu thẳm tâm hồn, trong ký ức thì được ăn Tết ở quê nhà mới thực sự là điều thiêng liêng, hạnh phúc nhất của mọi người Việt xa quê.
LỘC SƠN