Trong 12 con giáp, con Dê có thể được xem là biểu tượng có ý nghĩa tinh thần phong phú.
Nó không chỉ thể hiện vai trò gần gũi trong nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, mà đôi khi còn chiếm một vị trí quan trọng, độc đáo gắn liền với đời thật của không ít những nghệ sĩ nổi tiếng. Có thể đó là con dê non ngây thơ trong truyện ngắn “Con dê của ông Seguin” của Alphonse Daudet, con dê trong thơ ngụ ngôn La Fontaine, rồi con dê hiền lành, khổ nạn trong truyện Lục Vân Tiên…
Tranh Dê của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. |
Hình tượng con Dê trong tác phẩm mỹ thuật
Sinh thời, Picasso (1881-1973) từng rất yêu quý một con dê đặt tên là Esmeralda và thả nó tha hồ tự do chạy nhảy trong khu vườn mênh mông của lâu đài la Californie, bên cạnh những tác phẩm điêu khắc của mình. Người ta kể rằng, chính con dê đó là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên bức tượng Nàng Dê Esmeralda vào năm 1952. Tác phẩm được đúc bằng đồng, nặng 150kg (120,5 x 72 x 144cm). Thân dê Esmeralda làm bằng cái sọt đựng táo kết bằng cành liễu. Bầu sữa làm bằng một cái chai đựng sữa phế thải. Đầu dê to và gầy gò, những mảnh xương sườn lộ rõ, cái bụng to bầu sắp đến ngày sinh nở, dù đang lo âu nhưng vẫn đứng vững trên đôi chân mảnh khảnh. Tác phẩm nổi tiếng này được xem là biểu tượng ẩn dụ về sự chịu đựng của người phụ nữ nghèo khổ trên trái đất.
Họa sĩ Bửu Chỉ (1948-2012) được nhiều người biết bởi những tác phẩm mỹ thuật độc đáo, khác lạ bởi cách phối màu nóng tương phản tạo ra một vẻ đẹp rực rỡ, điêu luyện và rất nhân văn. Ngoài hàng trăm bức tranh bút sắt, sơn dầu, một thời gian ngắn, ông còn vẽ tranh trên bao bố với phong cách, tài năng rất riêng. Lạ lùng thay, trước lúc đột ngột qua đời, một trong ba bức tranh sơn dầu cuối cùng của Bửu Chỉ để lại có tên “Quý Mùi”, diễn tả một nàng dê mang một vẻ đẹp gấm hoa của sự sinh sôi nảy nở, mang khát vọng cuộc sống…
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người nổi tiếng vẽ tranh chủ đề Tết, với tất cả các con vật trong 12 con giáp, con nào cũng được ông thêm bớt các chi tiết cực đắt để nâng lên thành hình tượng nghệ thuật hấp dẫn. Trong đó, đặc biệt những bức tranh Tết năm Mùi, được nhắc nhiều hơn cả, bởi lối vẽ cách điệu, những đường nét thẳng, đơn giản, khúc triết và khỏe khoắn kết hợp với gam màu trầm, đặc biệt vú con dê mẹ được ông nhấn to, căng tròn trong khi con dê con đang bú say sưa…
Bùi Giáng và Dê tím hoa cà (tranh sơn dầu Đinh Cường). |
Bùi Giáng và Dê tím hoa cà
Bên cạnh những câu chuyện ly kỳ và bi tráng về những con dê ngang qua số phận những cuộc đời sáng tạo tài hoa, có lẽ câu chuyện ấn tượng không thể không nhắc đến, đó là chuyện Bùi Giáng (1926-1998) chăn dê. Trong bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ (Mưa Nguồn - 1962), Bùi Giáng đã kể lại chuyện ông “chăn dê một đoạn đời 15 năm ở núi đồi Nam Ngãi Bình Phú”. Đó là một bài thơ hồn nhiên, đầy màu sắc thi vị và đằm thắm:
Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há
mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi!
chiếc nâu.
Dưới bài thơ đó, Bùi Giáng ghi chú rõ: “Dê Hoa Cà có sắc lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậy. Đẹp vô cùng. Nhất là buổi chiều, sắc lông óng ả dưới nắng vàng - xa xa hình bóng dê rực rỡ bổi bật trên sườn núi xanh lơ. Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao, vì lông lổ đổ sáng như sao... Cái lần đầu, thuở 20 tuổi trao cái vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đeo vòng cho dê vậy”.
Được gợi hứng từ câu chuyện và hình ảnh ấy, họa sĩ Đinh Cường đã vẽ bức tranh “Bùi Giáng và Dê tím hoa cà” (sơn dầu trên giấy plast 20 x 22 in). Đinh Cường cũng ghi lại mấy vần thơ kèm theo bức tranh này: “Nhớ màu sim tím một đoạn đời 15 năm chăn dê/ở núi đồi Trung Việt Nam Ngãi Bình Phú/ anh ghi trong bài Nỗi lòng Tô Vũ, tập Mưa Nguồn/ vẽ anh đêm qua nằm đọc lại bao nhiêu bài thơ…”.
Bức tranh Quý Mùi của họa sĩ Bửu Chỉ. |
Tuy nhiên, về quãng thời gian 15 năm chăn dê của Bùi Giáng, nhiều người bàn cãi cho là không chính xác. Nhà thơ Tường Linh, vốn là người đồng hương của Bùi Giáng cho rằng “nơi Bùi thi sĩ ngày ngày thả dê là rặng đồi cây lúp xúp, một chi sơn giữa dãy núi Chúa và núi Hòn Tàu. Thời gian này là trọn năm 1951 và mấy tháng đầu năm 1952. Thi sĩ Bùi Giáng chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi ấy mà thôi”.
Về lý do Bùi thi sĩ đến vùng đất nói trên, nhà thơ Tường Linh nhận định: “Trung Phước và mấy làng lân cận như Đại Bình, Trung Lộc, Phước Bình… đời nào cũng có nhiều người làm thơ. Họ kết thân với nhiều nhà thơ gần xa và các nhà thơ này thường lui tới giao thiệp với nhau như Huỳnh Lý, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Hưng, Nguyễn Thụy Khái, Tạ Ký… Bùi Giáng đến với quê hương thứ hai này có thể vì hai lý do: lập nghiệp với gia đình và kết bạn thơ”. Và Hồi ấy, cụ Cửu Tý - người giao việc nuôi dê cho Bùi Giáng, mục đích là để ông tránh xa vùng oanh kích hằng ngày của máy bay Pháp chứ không phải vì kinh tế.
Nhà thơ Tường Linh cũng kể rằng: “Năm ấy tôi đã thoát ly. Một lần về phép, tôi đến thăm và ở chơi trọn ngày với anh Sáu Giáng… Khi uống nước chè tươi, anh Giáng nói với chúng tôi rằng, anh ngại dê của anh lộn với dê người khác. Chúng tôi đề nghị anh hãy tròng vào cổ mỗi con dê một cái vòng tre nhuộm màu khác nhau. Ba đứa chúng tôi tìm tre, pha phẩm màu thực hiện ngay. Do đó, sau này mới có giai thoại mỗi “em dê” của thi sĩ Bùi Giáng mang một chiếc “kiểng” có màu trắng, đen, xanh, vàng, đỏ”. Và có lẽ chính sự việc này, về sau Bùi Giáng đã ghi lại trong thơ:
Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi
hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi.
Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao?
Vì lòng anh luống âm thầm
tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với
dê Sao.
Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa?
Từ từ đưa chiếc vòng lên
thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ
đong đưa
Nhìn chung, nhà thơ Tường Linh chỉ muốn khẳng định: “Kỳ dư, về sự chăn dê, địa điểm và số năm chăn dê của thi sĩ Bùi Giáng đã có nhiều người viết nhưng đều không đúng. Chẳng hạn có người nói Bùi Giáng chăn dê vì bất mãn cuộc đời, anh chăn dê tại Vĩnh Trinh nhiều năm gần giống như ông Tô Vũ đời Hán Vũ Đế bên Tàu… Chính xác, thi sĩ Bùi Giáng không hề chăn dê tại quê nhà Vĩnh Trinh và anh chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi như đã nói ở trên”.
TRẦN TRUNG SÁNG