Thiếu đàn bà là điều “tối kỵ” trong cuộc đời tràn ngập tác phẩm nghệ thuật của Pablo Picasso (1881-1973).
Tượng “Nàng Dê” của Pablo Picasso trong bảo tàng ở Paris. |
Những người tình giúp ông tạo nên từng thời kỳ lãng mạn trong các giai đọan sáng tác như thời kỳ Xanh, thời kỳ Hồng. Nhưng lần lượt, những người tình và vợ của Picasso như nữ nghệ sĩ ballet, người Nga Olga Kodova đến Marie-Thérèse Walter, Dora Maar, Francoise Gilot, Geniviève Laporte, Jacqueline Roque… đã rời bỏ ông vì không chịu được thói trăng hoa thường trực của ông.
Còn Francoise Gilot, họa sĩ trẻ, là người đã mang lại sự nồng ấm tình yêu gia đình cho Picasso và trong thời kỳ hạnh phúc đó, Picasso đã vẽ gốm và làm bức tượng quyến rũ: “Nàng Dê”.
Pablo Picasso và Françoise Gilot (1943) |
Mối tình giữa Pablo Picasso và Françoise Gilot bắt đầu ở Paris vào mùa xuân năm 1943 - Picaaso 61 tuổi và Françoise Gilot vừa tròn 21. Cô là một sinh viên nghệ thuật, con duy nhất của một người cha độc đoán. Ông ta nuôi dạy Françoise Gilot như thể là con trai của ông.
Trong tâm trạng nổi loạn, Françoise Gilot tìm thấy trong Picasso một sự dịu dàng và chiều sâu của sự hiểu biết mà cô chưa hề gặp được ở bất cứ người đàn ông khác. Họ thương yêu và đã sống với chung với nhau trong thời gian mười năm. Françoise Gilot đã trở thành mẹ của hai người con của Picasso, Claude và Paloma. Mối quan hệ ấm cúng nhưng rất ngắn ngủi này đã được Françoise Gilot kể lại qua cuốn “Françoise Gilot, Life with Picasso” – Cuộc sống với Picasso.
Những năm tháng mà Picasso đã dành trọn vẹn cho Gilot và Picasso đã trải qua những niềm vui của một người “có gia đình” với sự ra đời của Claude và Paloma.
Quan hệ tình ái của Picasso ảnh hưởng đến nghệ thuật của mình trong suốt cuộc đời sáng tác. Đôi khi các tác động tiềm ẩn tạo nên sự thay đổi trong phong cách hoặc màu sắc. Những thay đổi rõ ràng như vậy xảy ra trong những năm cuối thập niên 1930 và 1940, khi lần đầu tiên Marie-Thérèse đã được nàng thơ Dora Maar thay thế rồi tiếp đến Françoise Gilot.
Nàng Dê - tượng đồng của Picasso. |
Trong giai đoạn tràn ngập tình yêu vợ con và gia đình với Françoise Gilot, Picasso hào hứng bắt đầu với các tác phẩm tượng và gốm sứ. Vào những năm 1940 và 1950, một trong hình tượng tiêu biểu phản ánh tâm lý giai đoạn này của ông là tác phẩm tượng bằng đồng lấy tên “Nàng Dê” - một con dê cái đang mang thai. Đồng thời, Picasso đã sáng tạo hàng loạt tác phẩm gốm sứ mang hình ảnh của con dê cùng với nhiều phác thảo về dê. Số phác thảo này cùng tác phẩm điêu khắc bằng đồng “Nàng Dê”, mang vẻ quyến rũ của Picasso hiện trưng bày ở Bảo tàng. Có hai bản đúc đồng tượng “Nàng Dê”, một tại Bảo tàng Picasso ở Paris và cái khác tại MOMA (Mỹ).
Pablo Picasso được coi là một bậc thầy nghệ thuật, một phần vì tác phẩm của Picasso vượt xa các phương pháp hội họa truyền thống và còn bao gồm tất cả các phương tiện khác như: in thạch bản, khắc, khắc gỗ và đồ gốm mỹ nghệ. Picasso thu nhặt từng niềm vui trong việc tạo ra đồ gốm.
Vào cuối những năm 1940, ông sống và làm việc tại Galloise Picasso, một biệt thự ở thị trấn Vallauris miền Nam nước Pháp. Vùng đất ở thị trấn Vallauris có loại đất sét tuyệt vời. Trước đây, Vallauris vốn là một trung tâm sản xuất gốm sứ quan trọng từ thời La Mã vào năm 1920. Từ năm 1947- 1971 Pablo Picasso đã tạo ra hơn 3.000 tác phẩm gốm tại nhà máy gốm Madoura, bao gồm: các tấm gốm, bình đựng nước gốm sứ, gạch men vẽ tay, gạt tàn thuốc, lọ gốm, v.v...
HOÀNG ĐẶNG