Ngày Xuân, đón Tết, nhà nào chẳng lo bữa tiệc vui cùng con cháu, bạn bè. Rồi tiệc cơ quan, hội đoàn nối nhau, rồi tiệc hoa khoe màu trên đường phố, tiệc pháo hoa bùng nổ giữa trời cao đêm giao thừa.
Có điều tất cả những bữa tiệc ấy đều chóng tàn. Nhanh nhất là tiệc pháo hoa, rồi đến tiệc nhậu. Tiệc hoa kéo dài lắm cũng chỉ tính được bằng tháng. Trong khi đó, có một đại tiệc không tàn hình như còn ít người để ý đến…
Chẳng phải là chúng ta vẫn xem sách báo là món ăn tinh thần đó sao! Thời đại văn minh, những giá trị tinh thần càng được trọng vọng. Vì thế, bữa đại tiệc tôi muốn giới thiệu với các bạn là cuốn sách “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại” (NXB Trẻ - 2014) dày 1.220 trang. Sách ra từ mùa Xuân Giáp Ngọ, thú thật là đến Xuân Ất Mùi mà đọc vẫn chưa hết. Thế nên mới gọi là “mãi Xuân” vì chắc chắn là qua nhiều Xuân nữa, những bàn tay, những đôi mắt ham muốn của con cháu tôi, bạn bè tôi, khi cần tìm đến những tinh hoa của dân tộc, vẫn sẽ lần mở những trang sách này.
Chỉ cần nếm quá nửa mâm cỗ thịnh soạn là đã có thể hoan hỉ thông tin với mọi người địa chỉ vàng để cùng đến thưởng thức. Xin lỗi các vị “Trí thức tinh hoa Việt”, vì so với các bữa tiệc ngày Xuân nên tôi đã dùng từ “món” (ăn) khi nói đến 56 chân dung được nhà văn-nhà báo lão thành Hàm Châu miêu tả trong “tập đại thành” này. Tôi tin là các vị không ai trách giận kẻ hậu sinh này, vì điều tôi biết chắc 56 nhân vật tài năng hàng đầu của nhiều chuyên ngành Việt Nam, đều là những nhân cách lớn, không ham chi chức quyền, danh vị, chỉ biết dành trọn trí tuệ, sức lực cho hạnh phúc của nhân dân, cho sự phồn vinh và thắng lợi của Tổ quốc. Những con người như thế, chắc hẳn sẽ rất vui khi biết cuộc đời mình được xem như là “món ăn” nuôi dưỡng tinh thần nhiều thế hệ.
Tôi nhắc đến danh vị, vì sáng nay, khi lật mở cuốn sách, tình cờ tôi gặp lại trang kể một chuyện nhỏ của giáo sư Tôn Thất Tùng có nhan đề “Không chịu đổi huân chương”. Chuyện kể rằng:
“Là Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi tháng GS Tôn Thất Tùng đi họp Hội đồng Chính phủ một lần, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa.
Ông không muốn chuyển lên cơ quan Bộ làm lãnh đạo, quản lý, mà vẫn ham làm công việc chuyên môn tại trường y và bệnh viện thực hành của trường. Vậy nên hằng tháng cứ phải đạp xe đi, về khoảng 200km đường rừng từ Chiêm Hóa đến Tân Trào qua bến Bình Ca, Đèo Khế…
Ông đã hợp tác với GS Đặng Văn Ngữ điều chế thành công thuốc kháng sinh penicillin. Đánh giá thành công ấy, Bác Hồ nói với ông: “Bác cho phép chú chọn một huân chương nào mà chú muốn, chú “tự bình bầu” đi! Vì GS Ngữ đã nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba, nên GS Tùng đề nghị cũng được như vậy…”.
Năm 1954, khi về Hà Nội, Bộ Y tế muốn đề nghị ông “đổi” Huân chương hạng ba lấy Huân chương hạng nhất, ông không đổi và nói: “Đây là kỷ niệm đẹp nhất đời tôi…”.
Chân dung GS Tôn Thất Tùng được tác giả thể hiện qua 35 trang, nhưng chỉ đọc chưa đầy nửa trang sách vừa dẫn, tôi cứ bâng khuâng ngẫm cảnh “xưa-nay”, lòng vừa cảm phục, vừa băn khoăn. Những “Tân Trào, Bình Ca, Đèo Khế…” gợi nhắc một thời kỳ gian nan mà con người lại sống đẹp vô cùng! Lãnh tụ và trí thức đồng cam cộng khổ với nhân dân, sống gần gũi như anh với em. Và một trí thức hoàng tộc, chẳng màng chi cuộc sống giàu sang.
Những chân dung mà cây bút lão luyện Hàm Châu “vẽ” lại cho chúng ta chiêm ngưỡng, đầy ắp những kiến thức, những thông tin nhiều mặt của cuộc sống dân tộc suốt cả thế kỷ vừa qua, nhưng quan trọng hơn là nhân cách đẹp đẽ của những con người đã làm rạng danh đất Việt có tác dụng như là ánh sáng soi con đường chúng ta đang đi, thức tỉnh lương tri, giúp chúng ta vượt lên mọi cám dỗ thấp hèn, biết hướng tới các chiều kích cao thượng, để dân tộc ta không thua kém bạn bè năm châu.
Làm sao có thể chuyển tải được hết “thông tin” của cuốn sách dày trên ngàn trang trong một bài báo. Chỉ xin “điểm danh” 56 nhân vật, được tác giả xếp thành 3 bảng.
Bảng I, gồm trí thức thế hệ thứ nhất (từ sau Cách mạng Tháng Tám-1945): Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thúc Hào, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Lân, Đỗ Tất Lợi, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Hữu Ngọc, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Nhuận, Lê Tâm, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đào Văn Tiến, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Hồng Vân, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Xiển.
Bảng II, gồm trí thức các thế hệ sau (từ ngày Hà Nội giải phóng năm 1954 đến nay): Nguyễn Hữu Bảo, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Đức Chính, Đặng Văn Chung, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Đào Vọng Đức, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Hữu, Đặng Vũ Khúc, Nguyễn Thị Lê, Hoàng Xuân Sính, Hà Văn Tấn, Đào Trọng Thi, Nguyễn Tài Thu, Nguyễn Văn Trương, Đào Thế Tuấn, Hoàng Tụy.
Bảng III, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài: Ngô Bảo Châu, Bùi Huy Đường, Lưu Lệ Hằng, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Quang Hưng, Bùi Trọng Liễu, Lê Kim Ngọc, Đỗ Phượng Như, Đặng Thái Sơn, Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Hà Văn, Trần Thanh Vân.
56 nhân vật quả là một bó hoa đẹp, nhiều màu sắc, tiêu biểu cho tài trí Việt Nam về nhiều phương diện; cho dù tác giả khiêm tốn tự nhận xét rằng: “…Tôi làm sao đủ sức viết nổi về tất cả những trí thức tiêu biểu của nước Việt Nam đương đại. Trong sách, chỉ là một số chân dung những trí thức ít nhiều tiêu biểu mà tôi may mắn từng được gặp mặt, chuyện trò…”.
Đây chính là một đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Tác giả chỉ viết về những trí thức mà ông đã gặp gỡ, trò chuyện nhiều lần, nên các chân dung sống động, chứ không phải là những dòng chữ khô xạc sao chép từ các bản thành tích. Vì thế, tuy rất nhiều nhân vật trong cuốn sách chúng ta đã quen tên, nhưng chỉ qua những trang sách của Hàm Châu mới có những chi tiết độc đáo thật là thú vị. Ví như chân dung GS. Hoàng Tụy, một nhà toán học “nổi tiếng ở nước ngoài có khi còn hơn ở trong nước” vì ông là “cha đẻ của Tối ưu toàn cục” rất giàu ý nghĩa nhưng là một chuyên ngành toán không phải ai cũng hiểu. Ông là nhà toán học đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội quốc tế Tối ưu toàn cục năm 2011 trao tặng.
Có thể là nhiều người đã biết ông là người con xứ Quảng quê ở Xuân Đài, Điện Bàn, là cháu nội cụ Hoàng Văn Bảng - em ruột cụ Hoàng Diệu (1832-1882), người đã tuẫn tiết bên cổng thành Cửa Bắc (Hà Nội) sáng 25-4-1882… nhưng tôi tin chắc là ít người biết chuyện Hoàng Tụy năm 1951 (lúc đó còn là chàng trai 24 tuổi), từ Khu 5 vượt U Bò, Ba Rền cheo leo ra Việt Bắc để gặp được GS. Lê Văn Thiêm mới ở Pháp về. Đường dài, dốc cao, “làm sao cho hành trang nhẹ nhất? Không thể bỏ lại gạo, muối, thuốc chữa bệnh. Cũng chẳng nỡ vứt sách toán. Anh Tụy đành xé bỏ mấy tờ bìa cac-tông, xén bớt lề tất cả các trang sách!”.
Chỉ là một chi tiết “vụn vặt” thôi, nhưng đã thể hiện ý chí của nhà toán học tương lai. Hơn thế, dù tôi chẳng hiểu thuật toán “Tối ưu toàn cục” là cái chi chi, nhưng bỗng có một liên tưởng thú vị: Chính là khi vượt qua những chặng đường nguy hiểm đầy đồn bốt địch chặn bắt, chuẩn bị trèo U Bò trên Trường Sơn mây phủ, ông đã khởi đầu cho công trình nổi tiếng về sau: sẵn sàng hy sinh tính mạng mình, hy sinh những cái “tiểu tiết” vì “Tối ưu toàn cục” là phải chiếm lĩnh đỉnh cao toán học, để nhân loại biết dân Việt tài giỏi, bất đắc dĩ mới phải cầm súng đánh giặc!
Chưa hết, một chi tiết độc đáo nữa: Chỉ một tháng trước lúc Bác Hồ qua đời, Bác vẫn quan tâm đến đời sống nhân dân - từ chuyện nhỏ như phải “rồng rắn” xếp hàng mua bia hơi, lãng phí bao nhiêu là thì giờ - nên Bác đã mời GS Hoàng Tụy đến, đề nghị ông vận dụng thuật toán “vận trù” để giúp gỡ những đoàn “rồng rắn” kia!...
Vậy đó! Chỉ một chân dung, chưa phải là người nổi tiếng nhất, chưa phải tác giả dành nhiều trang nhất (chỉ 30 trang thôi! Có chân dung như GS-Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên dài đến 62 trang khổ lớn, chữ nhỏ, bằng dung lượng một cuốn sách hơn 100 trang!), nhưng chúng ta không chỉ hiểu được một con người mà có thể hình dung cả một chặng đường dài của dân tộc.
Như thế, làm sao tôi có thể kể lại - dù là tóm tắt - những “món hảo hạng” trong bữa đại tiệc đặc biệt này. Dễ gì trong việc chọn lựa lấy tên Đặng Thái Sơn mà “gác” Ngô Bảo Châu; hoặc nêu tên Tạ Quang Bửu mà không nhắc đến Phạm Ngọc Thạch… Bạn muốn thưởng thức, đành phải tự tìm đến, Xuân này chưa kịp, Xuân sau, sau nữa, bữa đại tiệc đặc biệt này vẫn nguyên giá trị, vẫn đang chờ bạn.
Cuối cùng, tôi vẫn muốn thêm một chân dung: Đó chính là nhà văn-nhà báo Hàm Châu. Không chỉ vì công phu ông tìm gặp và dựng lại 56 chân dung như một bó hoa tuyệt đẹp cho chúng ta thưởng thức, mà phải là người có tầm hiểu biết Đông-Tây sâu rộng như Hàm Châu mới đủ “tư cách” trò chuyện với những “trí thức tinh hoa” đất Việt. Vậy nên tôi nghĩ, Hàm Châu xứng đáng là “món ngon” thứ 57 trong bữa “đại tiệc” mãi Xuân này! Và xin được xem điều đó như bó hoa nhỏ mừng nhà văn - nhà báo Hàm Châu bước sang năm 2015 vừa tròn 80... xuân!
NGUYỄN KHẮC PHÊ