Sau năm 2008, du lịch phát triển mạnh, diện mạo Malacca thay đổi nhanh chóng. Malacca là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của tiểu bang Malacca, Malaysia.
Sông Malacca trong phố cổ. Ảnh: V.H |
Trên đường từ trung tâm Singapore đến biên giới Malaysia, những cơn mưa muộn của khí hậu Ấn Độ Dương xối xả trên đường phố, kính xe nhòe không thấy rõ bên ngoài. Xe chúng tôi dừng tại trạm hải quan làm thủ tục qua Malaysia. Gọi là trạm nhưng rộng thoáng như nhà ga sân bay. Trên đường rời biên giới, phía trước là cây cầu dài vắt qua eo biển mờ mờ trong mưa. Cảm giác biên cương xứ người sao cũng quan tái mênh mang. Tôi chợt nhớ ca từ “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu”, đang ở eo biển mà cứ ngỡ đang đứng “nơi giang đầu”.
Nhà thờ Hà Lan. Ảnh: V.H |
Vượt cây cầu là đến đất bang Johor Bahru, bang cực nam của Malaysia, trời cũng vừa ngớt mưa, đồi núi chập chùng hiện rõ. Hai bên cao tốc là cảnh quang bạt ngàn cây dầu cọ, cứ ngỡ như đang qua những vạc rừng dừa thanh bình đâu đó dọc miền Trung quê tôi. Cọ cùng cà-phê, ca cao và cao su là 4 cây công nghiệp chủ lực của đất nước này. Thấp thoáng bên những đồi cọ là các khu chung cư cao cấp, chủ yếu dành cho người Singapore mua để ở, do giá nhà rẻ và giá sinh hoạt dễ chịu hơn. Nhà và chung cư ở Singapore đắt đỏ, chung cư do Nhà nước xây dựng bán cho các đối tượng ưu tiên giá 300.000 USD, tương đương 6 tỷ đồng Việt Nam, còn lại khoảng 800.000 USD/căn hộ loại bình thường trên thị trường. Người hướng dẫn cho biết, đời sống ở Singapore cao nhưng áp lực lớn nên thỉnh thoảng có “người bay” từ trên cao ốc xuống đất. Cách đây 3 năm, khi đến đặc khu Thâm Quyến, tôi được biết nhiều người từ Hong Kong qua đặc khu mua nhà ở với nguyên nhân tương tự, nhưng chuyện “người bay” thì không nghe nói.
Sau gần 3 giờ bon bon trên đường cao tốc 6 làn xe, chúng tôi đến cửa ngõ phố cổ Malacca, thủ phủ bang Malacca. Khu dân cư dọc hai bên đường nhà thấp, lợp tôn hay ngói. Bên phải là một nghĩa trang Hồi giáo khá lạ lẫm, mộ không nấm, chỉ là những tấm bia nhỏ, nam bia tròn, nữ bia vuông, nhưng cánh đồi bên trái đối diện là nghĩa địa lô nhô những ngôi mộ bia người Hoa, lớp người di cư đến Malacca từ thời nhà Minh được an táng riêng ở đây. Tang lễ người Hoa ở đây cũng tương tự người Hoa ở nước ta, nhiều trường hợp đốt cả ô-tô, Ipad, Iphone bằng giấy cho người chết. Chi phí cho một tang lễ người Hoa gấp nhiều lần so với người Mã Lai. Người Mã Lai chết sau một ngày là chôn trong tấm vải trắng, chi phí khoảng 800 USD.
Một góc pháo đài A’ Famosa. Ảnh: V.H |
Đường trong phố cổ nhỏ hẹp. Chúng tôi đi dạo xuyên qua khu phố chính của Malacca. Cảnh quan vừa quen vừa lạ. Đường hẹp, vỉa hè lót gạch nung, nhà mái ngói cũ với bảng hiệu Hán tự màu đỏ, treo lồng đèn đỏ, những cửa hàng bán đồ lưu niệm dọc phố. Một ngôi chùa thờ thần Nam Hải Thiên Hậu Thánh Mẫu, các thần Thiên Nhĩ, Thiên Nhãn, hương khói nghi ngút, bài trí như Hội quán ở Hội An. Người Hoa đến đây vào thế kỷ 15, chủ yếu làm thương mại, ngày nay ở phố cổ phần lớn là người già, con cháu họ lên các thành phố lớn học tập, sinh sống, làm ăn. B
ên cạnh kiến trúc Hoa quen thuộc là nhà thờ Hồi giáo với tháp cao vút và ngôi đền Hindu giáo thâm trầm. Cuối con phố, trên đồi cao, hiện ra một nhà thờ Thiên Chúa giáo màu đỏ đặc trưng của người Hà Lan, được xây dựng năm 1753, bên cạnh là cối xe gió. Trên đường phố thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc xích-lô đạp ba bánh trang trí hoa hòe rực rỡ phục vụ khách tham quan, người lái xe ngồi phía trước, hai du khách ngồi phía sau, có trần che nắng.
Ngày xưa, Malacca từng là vương quốc vàng son, là trung tâm thương mại vang bóng một thời, một đô thị đa sắc màu văn hóa Đông - Tây. Malacca, người Mã Lai viết Malaka, là tên của thành phố, tên của dòng sông chảy qua phố cổ và cũng là tên của eo biển nổi tiếng hải tặc trên lộ trình hàng hải nhộn nhịp từ Ấn Độ Dương qua biển Đông vào Thái Bình Dương.
Vị trí đắc địa này đã sớm bị thực dân phương Tây dòm ngó. Đầu thế kỷ 16, Bồ Đào Nha dùng pháo thuyền uy hiếp, Malacca thất thủ chóng vánh, trở thành thuộc địa trên 130 năm. Dấu ấn văn hóa Bồ lưu lại mảnh đất này, trong đó có pháo đài A’ Famosa. Khi người Hà Lan thay thế, pháo đài bị san bằng, nay chỉ còn “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, với những tường thành đá ong xám đen loang lỗ và vài khẩu súng thần công, trở thành một trong những điểm tham quan thu hút du khách, góp vào sức sống nhộn nhịp của Malacca.
Tôi lại nhớ về Đà Nẵng, với vị trí chiến lược đắc địa cũng bị thực dân dòm ngó và nổ súng vào năm 1858, nhưng đã chiến đấu kiên cường kéo dài đến năm 1860, cuối cùng đoàn pháo thuyền hùng hậu phải từ bỏ, để lại một nghĩa địa chôn vùi kẻ xâm lăng bên bờ biển. Nhìn du khách xếp hàng vào ra một đoạn thành cổ để chụp hình lưu niệm bên những khẩu súng thần công và ngắm phố cổ Malacca nhuộm ánh chiều vàng, tôi chợt nghĩ về thành Điện Hải, một pháo đài đẫm máu trong cuộc chiến khốc liệt năm 1858, nay thành hào xưa và những khẩu thần công vẫn còn dưới bóng những cao ốc hiện đại bọc kính, mà thưa vắng du khách.
Xích lô đạp ở phố cổ Malacca. Ảnh: V.H |
Một đô thị thương mại sầm uất của một vương quốc một thời đa sắc văn hóa bị lãng quên, năm 2008 được tổ chức UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới đã làm Malacca hồi sinh. Di sản vô giá trên 600 năm của phố cổ ẩn hiện trên mỗi con phố, trong bóng dáng con người dưới từng nếp nhà xưa, trên những kiến trúc tín ngưỡng đa dạng sắc màu, những công trình vang bóng một thời nay rêu phong, đổ nát.
Những giá trị ấy của tiền nhân đã được phát huy trở thành “gà đẻ trứng vàng”, tạo ra giá trị kinh tế và lợi ích cho người dân phố cổ. Sau năm 2008, du lịch phát triển mạnh, diện mạo Malacca thay đổi nhanh chóng. Phố cổ nhộn nhịp du khách, xe cộ tấp nập, các dịch vụ “ăn theo” du lịch bùng nổ, khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa, đường sá mở mang và những khu phố mới cũng hình thành. Người Hoa ở đây nhanh chóng đầu tư các dịch vụ du lịch.
Chúng tôi ăn trưa ở tiệm cơm Tàu, ở tại một khách sạn cũng của một ông chủ người Hoa. Khách sạn 7 tầng, tôi ở phòng 410 của tầng 4 nhưng số phòng ghi là 8410. Hỏi ra mới biết người Hoa ở đây ghi thêm con số 8 vì phát âm tương tự như “phát”, với cầu mong làm ăn phát đạt. Trong phòng của tôi, trên trần có vẽ một mũi tên hướng đến một mảng tường trống. Nhân viên lễ tân cho biết, đó là mũi tên chỉ về hướng Tây, thánh địa Mecca, để những du khách theo đạo Hồi làm lễ.
Tôi liên tưởng đến du lịch ở xứ mình. Những dịp lang thang trên đường phố thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường thấy du khách Mã Lai đi từng nhóm với đặc điểm rất dễ nhận ra là phụ nữ quàng khăn sắc màu tươi sáng che đầu và cổ, chừa lại khuôn mặt với đôi mắt đen rõ hai mí hao hao nét Nam Á.
Du khách Hồi giáo Mã Lai cũng làm lễ 5 lần mỗi ngày tại khách sạn “halal” hay những nơi thuận tiện, không nhất thiết phải ở thánh đường, ăn uống tại nhà hàng “halal”. Thành phố Hồ Chí Minh có trên 10 thánh đường Hồi giáo, tôi cũng đã thấy vài nhà hàng treo biển “halal”, chắc cũng đã có khách sạn “halal” như ở Malacca. “Halal”, theo đạo Hồi, có nghĩa là được phép, không cấm.
Nhà hàng “halal” không chỉ đơn giản là thực đơn không có thịt heo hay các sản phẩm từ heo là đủ, mà còn phải được một tổ chức Hồi giáo công nhận. Đà Nẵng đã có đường bay trực tiếp đến Kuala Lumpur nhưng sao vẫn chưa thấy bóng dáng du khách Mã Lai với các sắc khăn quàng đầu tươi sáng trên đường phố sông Hàn?
Hy vọng tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều du khách như thế trên đường phố Đà Nẵng, điểm tô thêm sắc màu trên bức tranh toàn cảnh du lịch của thành phố được Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á” năm 2014 và trang mạng TripAdvisor (Mỹ) bình chọn dẫn đầu “Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới” năm 2015.
VŨ HÙNG