Tôi không nhớ rõ lần đầu mình được tiếp cận với khái niệm trường kỳ kháng chiến đã diễn ra như thế nào?
Đà Nẵng về đêm. Ảnh: TRẦN LÊ BẢO QUỐC |
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi còn nhỏ (12 tuổi) cùng gia đình tản cư khỏi thành phố mà như đi chơi tới một miền lạ, đâu có nghe và hiểu lời kêu gọi của Cụ Hồ “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Kháng chiến được 3, 4 năm, bọn trẻ chúng tôi lớn nhanh hơn tuổi và chúng tôi đọc Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi của Trường Chinh. Điều chúng tôi hiểu nhiều nhất là: Chúng ta quyết đánh Pháp, quyết thắng Pháp thì không có con đường nào khác là phải chấp nhận đánh lâu dài với nhiều hy sinh gian khổ. Trong cuộc đọ sức này ai kiên gan bền chí người ấy sẽ thắng. Người ấy không thể là quan tướng Pháp dù đó là đội quân nhà nghề của đệ tứ cường quốc, bởi chúng từ xa tới đây, không thể chịu đựng được những gian khổ, hiểm nguy ở chiến trường xa lạ này và không thể không gục ngã vì phải vật lộn lâu dài với một đối phương sẵn sàng thà hy sinh tất cả.
Lúc ấy, nghe chuyện Cụ Hồ lấy 8 chữ “Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi” đặt tên cho 8 người cộng sự tâm phúc của mình, chúng tôi thầm phục. Thời gian này, tham gia cách mạng ai cũng muốn đặt cho mình một cái tên mới đẹp hơn tên cúng cơm cha mẹ đặt kiểu như “cô Mơ tên gọi ở nhà, khi đi công tác tên là Thúy Mai”. Có mấy người đặt tên để nuôi dưỡng ý chí, để nhắc nhở một quyết tâm.
Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, một ca khúc của Trần Hoàn với ý tứ rất minh bạch (nếu không muốn nói là thô mộc) có điệp khúc “rằng kháng chiến còn trường kỳ là còn gian khổ”. Chúng tôi ngân nga và lạ thật, cùng lúc ấy chúng tôi vẫn say sưa hát những bài ca được cho là “tiểu tư sản”, với những ca từ hào hoa, bay bổng “phá tan biên cương loài người sống thân yêu… ngày mai lớp dân lầm than không còn buồn đau… đời vang lên đại đồng khúc ca…” và ngâm vang thơ Quang Dũng Tây tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá giữ oai hùng/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…
Thời chống Mỹ, khái niệm trường kỳ kháng chiến xuất hiện ngay khi Ngô Đình Diệm, người của Mỹ, công khai chống phá Hiệp định Genève.
Những ai giơ 2 ngón tay tạo thành hình chữ “V” trong giờ phút chia tay người thân và quê hương đi tập kết với niềm tin 2 năm sẽ trở về đã vỡ mộng, đau đớn và ngày càng thấm hơn nỗi đau có tên chia cắt. Chúng tôi hiểu rằng, một cuộc trường kỳ nữa lại bắt đầu.
Khi Diệm đổ vì Mỹ thay ngựa giữa dòng, chiến tranh đặc biệt với lính Sài Gòn, súng Mỹ, tiền gạo Mỹ, cố vấn Mỹ đến từng tiểu đoàn có nguy cơ phá sản.
Chúng tôi được chuẩn bị chi viện cho tuyến đầu chống Mỹ đang thắng lớn, với tinh thần phải đi gấp, phải vào nhanh.
Nhưng rồi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, cả miền Nam, trực tiếp tham chiến với tất cả sức mạnh khổng lồ về kinh tế, kỹ thuật của siêu cường số 1.
Những người đi gấp, vào nhanh ấy cùng với đồng bào, đồng chí miền Nam của mình đều hiểu rằng, đụng đầu với Mỹ cuộc chiến sẽ có độ tàn khốc, ác liệt không thể tưởng tượng và không thể nói trước về cái ngày kết thúc, hiển nhiên là rất dài và rất xa.
Mỗi người và cả dân tộc không có sự lựa chọn nào khác vì đã nguyện thề “thà hy sinh tất cả”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Cụ Hồ, người đã có những dự đoán thiên tài như Cách mạng Tháng Tám sẽ thành công vào năm 1945, vậy mà dù đã đưa ra 3 mốc thời gian nhưng vẫn e rằng chưa đủ, phải mở ra một tiên liệu lâu dài hơn nữa. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa”.
Toàn dân nhất tề nghe lời Cụ, quyết tâm của Người trở thành ý chí của tất cả “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Không ai nghĩ ngợi lo lắng gì dù “Kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ” gấp 2, 3 lần thời đánh Pháp.
Hồi Gò Nổi còn dân, còn đông chợ Bảo An, cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đứng chân ở Bảo An Tây. Tôi được phân ở nhà chị Bằng. Văn phòng và Tòa soạn báo ở nhà chị Thịnh, sát một bên. Chị Thịnh nhường cho chúng tôi một căn hầm chữ A khá lớn và vững chắc, nên hầu hết thời gian tôi ở bên đó, ăn ngủ cũng ở đó, lâu lâu mới về bên nhà chị Bằng.
Bà mẹ chồng chị Bằng khi sửa soạn được một món gì ngon thường bảo thằng cháu nội 6 tuổi qua gọi tôi về.
Cũng như nhiều nhà dân ở Gò Nổi, gia đình chị Bằng thân thiết với nhiều đồng chí cán bộ, có lẽ người gần gũi nhất là anh Tiến, cán bộ huyện đội. Anh Tiến thường lui tới, có khi ngủ lại, có lúc gặp bữa ăn cơm. Anh thường cùng với bà cụ và chị Bằng bàn nhiều chuyện như người trong nhà, như sửa căn hầm cho chắc chắn hơn, và anh xắn tay áo cầm cuốc làm liền. Như việc trồng mấy hàng đậu tây, mấy luống xà lách trong vườn, anh cũng làm liền. Anh có đào một căn hầm bí mật ở phía bờ tre và chỉ cho bà cụ biết cách ngụy trang (anh cũng chỉ cho tôi và dặn khi hữu sự thì cứ sử dụng). Thường khi anh muốn ngả lưng, lấy võng ra cột là 2 đứa nhỏ lại leo lên đòi nằm với anh.
Anh Tiến là cán bộ quân sự, nhưng có vẻ rành và mạnh về dân vận, với cách nói dân dã, đôi khi còn pha hát hò khoan, hô bài chòi, dân chịu nghe lắm.
Chị Bằng góa chồng, nghe đâu anh ấy tử nạn trong một vụ xe tông ngoài Đà Nẵng. Đã có 2 đứa con nhưng chị nom gọn gàng, nhanh nhẹn, mắt sắc, môi hồng. Chị có nghề bán thịt heo. Sáng thiệt sớm, chị đến lò mổ lấy thịt gánh đi, thịt sống có, thịt luộc có, bán quanh làng, nhờ vậy có đồng ra đồng vào.
Không hiểu giữa anh và chị Bằng có tình ý, đầu mày cuối mắt gì không. Nhưng bà cụ có vẻ nghi ngại. Bà dạy 2 đứa cháu nội mấy câu hát: Mẹ ơi mẹ bạc như gà/ Con chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con/ Con thời hai đứa còn son/ Một trai một gái, mẹ còn ức chi…
Đà Nẵng đón chào những vị khách quốc tế. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Hai đứa nhỏ nghêu ngao hát vô tư. Người lớn nghe mà xót xa cho nỗi lòng bà già thương cháu, sợ cháu đã mất cha nay lại có thể không còn mẹ, chứ chẳng ai trách anh chị. Vợ anh chết trong một trận càn, 2 đứa nhỏ được mẹ anh đón về để cha nó yên lòng đi công tác. Giữa thời đạn bom ác liệt như thế này, hai người đến với nhau, nương tựa vào nhau là việc phải đạo lắm.
Từ lúc hai đứa nhỏ hát bài ca gà con lẻ mẹ, anh hình như có nghĩ ngợi. Anh ít ghé nhà chị Bằng hơn mà có ghé cũng không cười nói tự nhiên như trước.
Một hôm, tôi có chuyến công tác ở phía bắc sông Thu Bồn, anh Tiến cũng có việc đi về hướng đó. Hai chúng tôi rủ nhau cùng đi. Đến Điện Phước, chạng vạng tối, hai người chịu ngay một trận pháo cấp tập. Chúng tôi nhảy vội xuống một giao thông hào bên đường, khói bụi mù mịt. Trong mấy giây im ắng giữa hai đợt pháo, tôi thấy anh ngồi dậy, mở sắc cốt lấy ra tấm vải dù hoa trải xuống hào giao thông vuốt thẳng thớm rồi nằm lên. Anh nói với tôi, giọng tỉnh rụi “kiểu này cả Bồ Bồ, Cẩm Hà, Vĩnh Điện giập vào đây chắc hy sinh thôi, có hy sinh mình cũng nằm ở tư thế đàng hoàng”.
Mùa hè 1971, cơ quan phía trước của Đặc khu ủy Quảng Đà đóng ở Điện Quang, lúc này đã trắng dân. Một hôm, một trực thăng Mỹ bay rất thấp, rà đi rà lại những bụi chuối, những hàng keo và cả một vùng tranh bói bát ngát.
Một loạt tiếng súng vang lên. Chiếc trực thăng chúi đầu đâm thẳng xuống, chúng tôi hồi hộp, căng thẳng. Chắc chắn chúng sẽ phản ứng nhanh, trực thăng sẽ rà lượn, máy bay sẽ ném bom, phóng rocket, pháo mặt đất sẽ cấp tập nã tới, chúng có thể đổ quân bằng mọi cách giải cứu phi công, truy sát đối thủ.
Đang vừa vui vì bắn hạ trực thăng, vừa lo phải đối phó với một tình huống xấu, tôi chạy vội tới cơ quan Thường vụ, thì Bí thư Điện Quang cũng vừa tới. Anh báo cáo nhanh với đồng chí Bí thư Đặc khu, phi công đã được trực thăng của nó đáp xuống hốt đi. Xác chiếc trực thăng còn nguyên ở đó. Anh như muốn nhận lỗi vì theo hợp đồng đã cam kết trong thời gian cơ quan Đặc khu ủy đứng chân ở địa phương, để giữ bí mật, lực lượng vũ trang địa phương có trách nhiệm đánh diệt địch bảo vệ lãnh đạo nhưng không được nổ súng trước, chỉ nổ súng khi phải tự vệ. Không rõ vì lý do gì, du kích Điện Quang lại nổ súng bắn rơi trực thăng Mỹ.
Không để cho Bí thư xã nói hết lời thanh minh, anh Hồ Nghinh bảo đưa anh ra xem xác chiếc trực thăng, thăm và động viên nhóm du kích vừa lập công. Tất nhiên mọi việc phải rất gấp, bởi tọa độ này địch đã biết, chúng có thể đổ quân, nã pháo, oanh kích bất cứ lúc nào.
Chỉ băng bộ ít phút là đã tới, thì ra chiếc trực thăng đã rớt ở rất gần nơi làm việc của anh Nghinh.
Tôi đã rất nhiều lần gặp trực thăng Mỹ. Có bữa ở ven quốc lộ 1 thấy nó bay sát mặt đường, rà soát đoạn Hương An, Bà Rén, lù lù như một chiếc xe buýt. Nhưng đây là lần đầu được thấy nó sát sàn sạt, được sờ tay vào nó. Tôi chú ý thấy thân chiếc máy bay có nhiều chỗ thủng rách được vá bằng những miếng nhựa, chằng buộc bởi dây điện.
Thấy tôi xăm soi mấy miếng vá trên thân chiếc trực thăng, anh Nghinh cười vui bảo “giàu như Mỹ cũng chịu không thấu những đòn đánh bền bỉ, khôn ngoan của du kích Việt cộng”, rồi anh hỏi mấy đồng chí du kích vừa lập công “Bắn rơi trực thăng Mỹ thế này là giỏi lắm. Bây giờ mấy anh em ưng Bí thư thưởng cái chi nào?”. Dũng sĩ Phan Ngọc Tân trẻ măng cười nhoẻn, rụt rè “Dạ xin chú một bữa mì Quảng”, anh Nghinh nói với Bí thư xã “Lo một bữa mì thiệt ngon và thiệt đã” rồi ôm các dũng sĩ như cha ôm con. Anh lại vội vàng đi ngay bởi chính chiến công này mà cơ quan phải di chuyển gấp.
Nhiều năm rồi, mỗi khi nhớ về những ngày đánh Mỹ không thể nào quên, tôi luôn nghĩ đến hình ảnh anh Tiến trải tấm vải dù thẳng thớm rồi nằm lên đàng hoàng ở Điện Phước chịu trận pháo bầy và hình ảnh những dũng sĩ “đuổi xe tăng ngoài đồng và bắn trực thăng rơi” trẻ măng ở Điện Quang.
Ai đó nói rằng, họ là những anh hùng thời đại, mà sao tôi thấy họ thật hồn hậu, giản dị. Họ sống với đủ mọi cung bậc của hỉ, nộ, ái, ố. Họ chiến đấu dũng cảm tự nhiên như một lẽ thường tình. Họ đón nhận cái chết, sự hy sinh chẳng hề lên gân, nghiến răng, cũng không một chút run rẩy. Thời gian, một chiều kích đo độ thử thách của chiến tranh, vậy mà họ cầm súng đánh giặc chẳng quan tâm đến thời gian hay là họ đã có một phép mầu để xử lý chuyện thời gian nhẹ như không.
Nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên có những câu thơ có thể xem là hay nhất nói về thời đánh Mỹ: Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp nhất/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn. Nhưng nói thật lòng, tôi chẳng mong ước gì về những ngày đẹp nhất ấy. Tôi chỉ mong sao tôi và tất cả mọi người đều được sống bình thường, rất bình thường, rất đời thường.
Những ngày ấy, cơ quan đóng ngay ở bãi bói ven sông Thu Bồn, “nước gương trong soi tóc những hàng tre”, vậy mà chúng tôi thèm được ùa xuống sông vẫy vùng trong dòng nước mát. Nhiều đêm quá bức bối, liều lĩnh ào xuống vẫn sợ trực thăng bất ngờ rà theo sông rọi đèn phát hiện. Có khi phải đợi đến ngày có ngừng bắn như Noel, Tết Dương lịch, Tết ta mới nhảy xuống tắm mà vẫn phập phồng lo có thằng nào vi phạm ngừng bắn rà trên sông phóng rocket.
Các em nhỏ, các bạn trẻ có chia sẻ niềm khao khát được tắm sông của chúng tôi thời đó không? Chính vì vậy chúng tôi tha thiết với cuộc sống bình thường, chúng tôi quý trọng từng phút, từng giây cuộc sống hòa bình. Chúng tôi chấp nhận không một chút đắn đo “rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ”.
Trong những năm tháng hiểm nghèo nhất, lằn ranh giữa sống-chết mảnh như một sợi tóc chúng tôi vẫn thanh thản và tin tưởng. Có lúc nằm dưới công sự mật nghe rõ tiếng gót giày và những tiếng quát tháo của bọn xăm hầm, căng thẳng đến tột cùng, không gian như đông cứng, chỉ mong thời gian trôi nhanh, thật nhanh. Có những ngày ngưng bắn, khoảnh khắc yên ắng thật hiếm hoi, mong sao những giây phút đó trôi chầm chậm, dù chỉ là một chút.
Chỉ là vậy, luôn luôn tự nhủ phải sẵn sàng cho cuộc trường kỳ, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến những giờ phút thần tốc, cả dân tộc đi hài bảy dặm, sải bước tiến đến toàn thắng.
Mà làm sao hình dung nổi?
Chín năm làm một Điện Biên. Hơn 2 tháng sau ngày tướng Đờ-cát cùng 2 vạn quân viễn chinh giơ cờ trắng ra hàng tướng Giáp, Bi-đôn ký Hiệp định Genève. Với 4 năm, 4 tháng 16 ngày đàm phán Paris + 1 trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội mới có Hiệp định Paris. Rồi hơn 2 năm sau, cờ chiến thắng mới tung bay trên dinh Độc Lập.
Không phải trong chúng tôi không còn khái niệm thời gian, chúng tôi đã quên thời gian. Chúng tôi nhớ từng phút, trông từng giây nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng “5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa”. Chúng tôi chưa khi nào ân hận về những ngày dài, đêm thâu đã trải nghiệm và đóng góp.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày toàn thắng. Ai cũng bảo “Chốc đà 40 năm”. 40 năm qua, cả dân tộc không phải gồng mình trong lửa đạn nhưng cũng không phải tất cả đều là những “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.
Chúng ta có bao nhiêu lo toan gánh vác đau đáu, nặng nề. Những bất ổn ở biên giới phía Nam, phía Bắc, ở Hoàng Sa, Trường Sa. Những trận bão lũ không thua gì đạo tặc. Ngày ấy, bà mẹ Xuyên Hòa đã nói với chúng tôi rất thật lòng “Bọn bây làm sao cho sớm có hòa bình, cho mẹ được sống ít ngày trong hòa bình, có hòa bình rồi ăn cơm với muối cũng vui”. Nhưng chúng ta đều biết, trong hòa bình nhu cầu cuộc sống con người ngày càng cao. Và chúng ta luôn khắc ghi lời Cụ Hồ “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Trong thời đại hội nhập và cạnh tranh này “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Xây dựng hơn mười ngày nay” luôn gắn liền với “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
70 năm trước, nước Cộng hòa trẻ tuổi vừa ra đời, Cụ Hồ đã giao phó cho lớp học trò 9 - 10 tuổi lúc đó “làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Đã nhiều thế hệ nối tiếp nhau viết nên lịch sử vẻ vang của dân tộc, đánh thắng những đế quốc to. Song mục tiêu lớn nhất, cao nhất của chúng ta sau ngày toàn thắng là xây dựng lại đất nước ta to đẹp, đàng hoàng, không ngừng nâng cao cuộc sống của nhân dân cả phần xác và phần hồn, đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu thì vẫn còn xa ở phía trước.
Sánh vai với các cường quốc năm châu không phải là chuyện có thể trình diễn, không thể là điều hư ảo. Nó là một tiêu chí bao hàm nhiều tiêu chí, là nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là giữ vững độc lập chủ quyền Tổ quốc.
Theo dự báo của các cơ quan thẩm quyền, Việt Nam có giữ được mức tăng trưởng 6-7%/năm thì 40 năm nữa mới bằng Hàn Quốc hiện nay.
Con số 40 năm độ dài thời gian này có thể gây sốc, gây bức xúc, có thể đem đến cảm giác vô vọng cho tôi và bạn. Nhưng nó vẫn còn đó một thử thách nghiệt ngã.
Cuộc chạy đua sinh tử mà chúng ta tuyệt đối không được đứng ngoài cuộc, dài gấp nhiều lần những cuộc kháng chiến trường kỳ chúng ta đã đi qua, nhưng nó không chấp nhận tâm thế “5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu dài hơn nữa”, nó đang đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phi thường, phải sáng tạo hết mức, phải dâng hiến mọi kế sách, phải phát huy mọi nguồn lực để đưa đất nước tăng tốc và cất cánh.
Mùa xuân này...
Và vạn anh hùng trên gió mây
Và ngàn thế hệ đến sau đây
Đang chờ, đang hối thúc một Việt Nam tăng tốc và cất cánh.
Hỡi những con khôn của giống nòi.
Những chàng trai quý, gái yêu ơi
Mỗi bạn trẻ hãy làm một ngọn lửa nhỏ góp tạo động lực cho cuộc tăng tốc và cất cánh của Tổ quốc thân yêu.
NGUYỄN ĐÌNH AN