Già Y Krang đã gần 30 năm lặn lội trong rừng sâu tìm đủ loại ống tre, ống trúc, bầu khô, sừng trâu để ngồi chế tác các loại kèn, rồi tự thẩm âm, làm việc đơn độc, âm thầm giữa rừng già để cho ra được những dụng cụ âm nhạc đúng với nguyên gốc. Phải có một tình yêu tha thiết đến cạn cùng sức lực với những giai điệu của dân tộc mình thì mới làm được điều đó.
Nghệ nhân Y Krang và những dụng cụ âm nhạc do ông chế tác. |
Ông Trần Hồng Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy nhiệt tình đưa chúng tôi thăm nghệ nhân Y Krang. Nghệ nhân già này nằm trên chiếc giường thấp trong một căn nhà gỗ, nền đất khá tuềnh toàng, chung quanh treo một vài bằng khen và một gói đồ chứa đựng các nhạc cụ, giữa nhà là bếp lửa âm ỉ đỏ. Ông Sơn giải thích: “Chính quyền đã hỗ trợ xây nhà cho ông, nhà ngay bên cạnh nhưng ông lại nhường cho con gái ở, còn ông bám lấy ngôi nhà ọp ẹp này, động viên mấy cũng cứ ở đây”. Nhà văn Thái Bá Lợi đứng cạnh, chỉ vào bếp lửa và nói tiếp: “Đơn giản chỉ vì ông không thể xa rời bếp lửa. Mà nhà bê-tông lót gạch làm sao có bếp lửa giữa nhà!”.
Với những già làng của hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên, bếp lửa đã thấm vào máu thịt của họ, khó có thể rời xa, bởi đó là cuộc sống, là linh hồn, là văn hóa. Mọi tiện nghi vật chất khó có thể thay thế. Có thể nói, trước khi tên tuổi của các nhân vật sử thi như: Đam San, Xinh Nhã, Khing Dú, Dam Bi… đến với chúng ta thì người bản địa Tây Nguyên nói chung, từ đời nọ qua đời kia, đã sống cùng câu chuyện huyền thoại của họ bên bếp lửa. Tôi nhớ có một câu chuyện về Anh hùng Núp do một nhà văn kể lại: Thời ông ở Hà Nội, mắt bị mờ đi, được đưa đi chữa ở một bệnh viện mắt có nhiều bác sĩ, chuyên gia giỏi nhưng vẫn không hết bệnh.
Cuối cùng, Anh hùng Núp lên Hòa Bình, ngày ngày được ở bên bếp lửa thì mắt dần sáng trở lại. Nghệ nhân Y Krang cũng thuộc về lớp người mà hình ảnh và hơi ấm của bếp lửa luôn vương vấn trong lòng, như sự ràng buộc êm ái, gần gũi, khó thể chia lìa. Có người nói rằng, Y Krang là nghệ nhân sau cùng còn kể được đúng thể về sử thi huyền thoại, những bộ sử thi được các nhà dân tộc học đánh giá là dài nhất các nước Đông Nam Á. Có lẽ từ những câu chuyện kể bên bếp lửa Tây Nguyên mà năm 1929, Lêôpon Xabachiê đã sưu tầm được trường ca Đam San và công bố chữ viết với thế giới bên ngoài. Và đối với già Y Krang, hơi ấm của bếp lửa đã thổi bùng cảm xúc để già cất cao tiếng kèn của dân tộc mình.
Dù đã trên 100 tuổi, đôi chân gầy tóp và cong lên, xoay xở khá khó khăn, duy chỉ đôi mắt và nụ cười của Y Krang vẫn như trẻ thơ, nhưng thấy khách đến, ông ngồi dậy chào hỏi và vui mừng lắm. Ông có dáng hình cao, gầy, đôi tay dài ngoẵng, khi ngồi đầu gối chống cao hơn đầu người dáng như một sơn nhân giữa rừng già.
Y Krang là người M’Nông, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Thuở nhỏ, ông lang bạt qua Hồ Lắk (Đắk Lắk), Lâm Đồng, lân la với các nghệ nhân khắp các buôn làng, cứ có lễ hội ở đâu thì nhào tới say sưa nhảy múa, hòa quyện theo nhịp cồng chiêng suốt đêm… Ông từng đến nhiều buôn làng để sưu tầm và ghi lại những hiểu biết về các nhạc cụ truyền thống của người M’Nông.
Trở về Đắk R’Lấp, Y Krang tự mày mò rồi chế tác đủ loại kèn của người M’Nông. Ban đầu, việc chế tác chưa hoàn thiện nhưng ông cứ mày mò, hơn nữa sẵn có năng khiếu âm nhạc nên những dụng cụ được già chế tác ngày càng hoàn thiện, chuẩn xác, khi sử dụng chuyển tải được cái hồn cốt của nền âm nhạc cổ truyền M’Nông. Không những thế, già còn sử dụng tới 7 loại nhạc cụ dân tộc do mình tự phục chế khá thành thạo như: mlos, nung, buk, rlet, rtông, n’hôm, mbuăt… Y Krang thuộc loại nghệ sĩ thiên phú, chỉ cần hà hơi vào kèn là trở thành giai điệu, trở thành âm vang mang những tình tự đắm say, niềm khao khát tự do của người M’Nông.
Tiếng kèn của già Y Krang từng được mọi người hết sức khâm phục bởi sự độc đáo của giai điệu mang bản sắc văn hóa M’Nông nam Tây Nguyên. Ở đâu có tổ chức lễ hội văn hóa dân tộc Tây Nguyên thì ít khi thiếu vắng già. Mấy chục năm cầm kèn đi biểu diễn khắp nước, giờ đây sống ở buôn, ngày ngày già vẫn tự nấu ăn một mình. Nhiều đêm trăn trở, như chợt nhớ kỷ niệm trong ký ức xa thẳm, bên bếp lửa, ông đem kèn ra thổi. Tuổi đã già, không còn sung mãn như thuở thanh xuân nhưng tiếng kèn vẫn đồng vọng nỗi niềm như một huyền sử mênh mang. Tiếng kèn ấy như lời nhắn gửi thiết tha và day dứt về mong ước nền âm nhạc của dân tộc được những thế hệ đời sau lưu truyền gìn giữ.
Y Krang là một nghệ sĩ đích thực, mang khí chất của dân tộc M’Nông, ngoan cường, không dễ gì khuất phục, tâm hồn đầy phóng khoáng như ngọn gió bay rào rạt trên nương đồi mênh mông của cao nguyên. 6 năm trước, nhà biên kịch Đoàn Huy Giao cho biết: “Nghệ nhân Y Krang từng biểu diễn cho đoàn làm phim xem. Già biểu diễn chơi trò quay diều gió, một trò chơi hồn nhiên khá cổ sơ. Già hát và kể rất nhiều về các sự tích anh hùng, trộn lẫn giữa huyền thoại và hiện thực của xứ sở còn nhiều bí ẩn này và tình tự trai gái hết sức lãng mạn: Con nai chớ có húc nhau/ Con hổ chớ có cắn nhau/ Ước gì được hôn lên trán anh/ Ước gì được hôn lên má anh/ Ước gì chúng mình được ngủ chung”…
Lúc còn khỏe, Y Krang với mấy chiếc kèn trên tay lang bạt qua nhiều buôn làng đến nỗi có khi quên cả đường về. Ông như nghệ sĩ hát rong giữa miền sơn cước, lãng du xuyên qua những cánh rừng chỉ với một niềm vui là được thổi những giai điệu ngọt ngào của dân tộc mình. Ông từng thuộc nhiều bản nhạc cổ như Kek rling (Chim chèo bẻo kêu), Tarah rling (Chim chèo hót dài), Nau kring (Chim kring), Nau Chă nghêt (Rủ nhau uống rượu), Nau tăp rưng phan (Thổi về nỗi buồn), Mbuăt (Thổi trước tiếng kèn mbuăt), Ting nau tur cing (Thổi dạo trước bài chiêng)...
Tôi mở cái bao treo đầu giường, đó là gia tài gồm những nhạc cụ do Y Krang chế tác và sử dụng. Tôi trân trọng xếp lên trên một tấm vải dày màu đỏ thêu từng sọc hoa văn của người M’Nông. Chúng cũ kỹ, sờn sướt. Những nhạc cụ nhỏ nhắn cỡ chiếc kèn harmonica, mà chao ôi, cầm trên tay thật nặng lòng. Cái sức nặng của cả một đời người dài hơn thế kỷ đã trầm luân dâu bể để dồn hết tâm sức vào đó. Cả kho tàng về những sử thi, những điệu múa và nền âm nhạc đại ngàn vùng nam Tây Nguyên mãi còn tàng giữ trong con người tài hoa nghệ sĩ đã bước qua trăm tuổi. Lòng chợt bâng khuâng, mai mốt đây, biết còn ai để tiếp truyền, lưu giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa mong manh này…
- Già có bày cho ai không? - Có, có… nhưng ít người lắm. - Già nhớ nghe, gắng bày cho tụi nhỏ.
- Ừ, ừ... Già Y Krang gục gục và cười rất thoải mái.
Anh trưởng thôn Y Lanh đứng bên nói chen vào: “Ai học ông cũng bày hết, siêng lắm. Ông bày ở nhà, rồi ở nhà văn hóa cộng đồng. Ở thôn có Y Sinh là theo học suốt, nhưng mấy đứa nhỏ học hay quên lắm…”.
Trên đường về, tôi cứ bị ray rứt bởi câu nói của anh trưởng thôn: “…Học mà hay quên lắm”. Vậy thì làm sao để nhớ lâu, nhớ đến tận gan ruột? Mai này lớp người như nghệ nhân Y Krang không còn nữa thì lớp kế cận có lưu giữ được những gì thuộc về báu vật của cha ông vẫn luôn ám ảnh đối với những ai còn tha thiết với nền văn hóa truyền thống của Tây Nguyên?
Nghệ nhân Điểu Kâu nổi tiếng của cao nguyên M’Nông, mà bất kỳ một công trình nghiên cứu dân tộc học về Tây Nguyên đều phải nhắc đến đã ra đi, còn lại Y Krang đang đứng trước cái giới hạn của vòng tử sinh, không biết ngày trở lại có gặp ông không.
HỒ SĨ BÌNH