Những người theo nghiệp văn chương cầm tinh con dê ở nước ta quá ít, những người xuất thân từ xứ Quảng lại càng ít hơn.
Nhìn dọc thế kỷ XX, những tác giả thành danh (đã được ghi tên vào các loại tự điển) trong cả nước, theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng hơn 50 người, ở Quảng Nam chỉ có hai người, nhưng đều là những gương mặt sáng giá trong nền văn chương hiện đại.
Đứng ở đầu thế kỷ, tuổi Đinh Mùi (1907), có Nam Trân Nguyễn Học Sỹ. Bút hiệu Nam Trân gắn liền với sự tích vua ban trái lòn bon ở vùng quê ông, từng được khắc vào Cửu đỉnh: làng Phú Thứ Thượng, Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam. Ông học chữ Hán từ nhỏ, sau đó học Trường Quốc học Huế, rồi Trường Bảo hộ ở Hà Nội. Thi đỗ tú tài, ông làm Tham tá Tòa khâm sứ Huế, rồi được bổ nhiệm Tá lý Bộ Lại, vừa làm việc, vừa làm thơ và viết cho các báo Phong hóa, Tràng an, Sông Hương; các tạp chí Nam phong, Văn học…
Năm 1939, Nam Trân xuất bản tập thơ đầu tay Huế đẹp và thơ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông công tác ở Ủy ban Hành chính kháng chiến Quảng Nam, Chánh văn phòng Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 5, Chủ tịch Hội Văn nghệ kháng chiến Liên khu 5.
Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, tham gia sáng lập và là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, khóa 1. Năm 1959, ông chuyển sang phụ trách Tiểu ban dịch thuật của Viện văn học, trở thành người chủ trì dịch các tác phẩm Hán văn sau đây ra quốc ngữ: Nhật ký trong tù (Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1960), Thơ Đường (2 tập, 1962), Thơ Tống (1966). Ông qua đời ngày 21-2-1967, khi đang dịch dở dang hai tập Kinh thi và Cổ văn Trung Quốc.
Nam Trân sáng tác không nhiều. Nhưng có thể nói trong tập thơ đầu tay và duy nhất của mình, ông là người đầu tiên phát hiện ra Huế đẹp và thơ trong văn chương. Tuy ông sống ở Huế không nhiều, nhưng trước ông chưa có ai tạo nên hình tượng súc tích ấy trong thơ. Tập thơ chỉ có 50 bài, nhưng mỗi bài là một bức tranh phác thảo về chân dung tâm hồn con người và cảnh vật xứ Huế, đến Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam (1941) cũng phải gật đầu thừa nhận: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân. Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vớ vẩn…”. Thơ Nam Trân đẹp về tình, sâu về ý, biến hóa về câu chữ và nhịp điệu.
Ông khác với các nhà thơ mới cùng thời, không đề cập đến tình yêu lãng mạn, mà gửi tình qua cảnh, lời thơ mực thước, làm chủ cảm xúc của mình. Về dịch thuật, ông cũng được đánh giá cao, không chỉ thể hiện sự tài hoa, mà còn chứng tỏ tài năng cảm thụ tinh tế, trình độ am hiểu sâu sắc các tri thức Hán học. Tuy chỉ tốt nghiệp tú tài nhưng ông còn góp phần quan trọng trong việc giảng dạy những lớp Hán học đầu tiên ở miền Bắc, góp phần đào tạo những chuyên gia Hán học đầu ngành, là những giáo sư, tiến sĩ hiện nay.
Ở giữa thế kỷ, tuổi Ất Mùi (1955) có nhà văn tài hoa về văn học thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh, quê ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông học ở các trường Tiểu La (Thăng Bình), Trần Cao Vân (Tam Kỳ), Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1976, Nguyễn Nhật Ánh tình nguyện tham gia các công tác để thực hiện lý tưởng và ước mơ của người thanh niên khi nước nhà thống nhất: thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới, dạy học ở vùng sâu vùng xa, rồi làm công tác Đoàn thanh niên, làm báo… Những năm tháng ở thanh niên xung phong đã thổi vào tâm hồn ông hơi ấm một thời, làm nên 5 tập thơ.
Song, có lẽ nghề dạy học, rồi khi làm công tác Đoàn Thanh niên và làm báo phụ trách mảng thiếu nhi đã mở đường để ông đến với văn học thiếu nhi, trở thành tác giả tiêu biểu nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam hơn 30 năm qua: 5 tập truyện ngắn, 18 tập truyện dài và 30 bộ truyện dài liên hoàn nhiều tập, trong đó có những bộ dài đến 20 tập như bộ Kính vạn hoa (1995-1996). Thật khó thống kê đầy đủ tên tác phẩm, thời gian ra đời các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ nhìn qua danh mục tên tác phẩm cũng có thể thấy nó vượt quá tuổi đời của người sinh ra nó.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh viết về đề tài trường học là những bức tranh sinh động, liên hoàn về các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, đồng đội, những giờ lên lớp, thi và kiểm tra, những buổi sinh hoạt, những giờ ra chơi, thông qua đó nhằm phác thảo những chân dung nhân vật. Người viết không chỉ nắm vững vốn tri thức đời sống mà còn am hiểu tâm sinh lý của tuổi mới lớn, mô tả được những cảm xúc, những rung động đầu đời phù hợp với lứa tuổi (Còn chút gì để nhớ, Nữ sinh, Cô gái đến từ hôm qua, Bàn có năm chỗ ngồi…).
Văn chương cho tuổi thơ là văn chương hướng thượng, đưa con người đến một cõi đời đáng sống hơn. Vì vậy, chủ đề nhất quán xuyên suốt mấy chục nghìn trang sách của Nguyễn Nhật Ánh hướng đến giáo dục chân - thiện - mỹ, góp phần hoàn thiện nhân cách của các em, là những con người có sự phát triển hài hòa giữa 3 lĩnh vực văn hóa: tri thức, đạo đức và thẩm mỹ.
Người viết đã tập trung bồi dưỡng nếp sống lành mạnh, xây dựng đời sống tinh thần cao đẹp, có tinh thần vị tha, biết yêu thương con người (Truyện cổ tích dành cho người lớn, Thiên thần nhỏ của tôi, Hoa hồng xứ khác, Những con gấu bông, Mùa hè bận rộn, Hoa tỉ muội…). Thế giới nghệ thuật của ông trong suốt như gương, như được lọc qua một thế giới tâm hồn sạch trong, yêu trẻ thơ, biết tư duy theo kiểu tuổi thơ, biết nhìn cái nhìn của các em và nói theo cách nói của các em. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Nhật Ánh trẻ lâu. Nhiều thế hệ đi qua trang sách của ông rồi cũng thành cha thành mẹ, thành ông thành bà, chỉ riêng ông trẻ mãi, mặc dù tuổi Ất Mùi đã chạy đủ vòng, ông đã chẵn 60!
Người thứ ba, đứng cuối thế kỷ, tuổi Tân Mùi (1991), ở xứ Quảng có một hiện tượng văn chương đáng lưu ý, đó là “hiện tượng Meggie Phạm” (Nguyễn Khắc Phê), tên thật là Phạm Phú Uyên Châu, quê ở xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện là giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế, tác giả của các tập truyện dài được NXB Trẻ ấn hành: Hoàng tử và em (2011, tái bản 2011, 3013), Giám đốc và em (2011, tái bản 2011, 2013), Chàng và em (2011, tái bản 2012, 2013), Người xa lạ và em (2012, tái bản 2013), Tôi và em (2013).
Tính gộp cả 5 tập có đến gần 2.000 trang sách. Ngoài ra, cô còn viết nghiên cứu văn học, tham dự các hội nghị quốc gia và quốc tế, viết truyện ngắn in trên các báo và tạp chí. Tác phẩm của cô được các nhà văn, nhà phê bình như Nguyễn Khắc Phê, Bùi Việt Thắng, Phan Tuấn Anh đánh giá có giọng điệu riêng, tạo được thế giới nghệ thuật đa thanh, đa sắc và bước đầu hình thành phong cách riêng, thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả, nhất là giới trẻ… Song dù sao, con đường phía trước cô còn rất dài và rất xa, chỉ dành cho những người có niềm đam mê và giàu ý chí nghị lực.
Ngay cả tôi, người viết bài này, cũng là người xứ Quảng, cũng tuổi Ất Mùi. Kể từ bài viết đầu tiên đến nay đã tròn 40 năm đánh vật với trò chơi chữ nghĩa, vẫn chưa nên danh phận gì, đôi khi nghĩ lại bỗng thấy giật mình và hốt hoảng hoang mang.
PHẠM PHÚ PHONG