.

Về với hội làng

.

Mùa xuân, mùa bắt đầu của một năm mới – mùa của lễ hội và cũng là mùa của những giá trị văn hóa cổ truyền được tôn vinh.

Lễ rước sắc phong tại đình làng Túy Loan.
Lễ rước sắc phong tại đình làng Túy Loan.

Trải qua bao thăng trầm, rêu phong của lịch sử, nhiều lễ hội đình làng ở Đà Nẵng vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống của một thế giới tâm linh thiêng liêng nhưng rất đỗi gần gũi với tâm hồn người dân quê lẫn thành thị.

Hội làng giữa phố

Nằm giữa lòng thành phố, đình làng Hải Châu vẫn giữ được nét uy nghi trầm mặc của một ngôi đình cổ. Cứ đến ngày 8, 9, 10-3 âm lịch hằng năm, người dân nơi đây được đắm mình trong không gian văn hóa lễ hội đầy màu sắc. Đặc biệt, với những “người giữ lửa” như ông Nguyễn Duy Minh, đó là một sự kiện quan trọng trong đời.     

Tuy chưa đến tuổi bậc cao niên nhưng ông Nguyễn Duy Minh được giao nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong phần lễ, đó là làm lễ tế. Khi nhắc đến điều này, mắt ông sáng lên như thể không khí lễ hội vẫn còn lẫn quất đâu đây: “Năm nào tôi cũng được giao lo khâu cúng tế và hướng dẫn cho các cụ cao niên làm theo tại phần lễ chính. Trong ngày 8 và 9 sẽ có thi chưng bánh, chưng quả, trầu cánh phượng… để dâng lễ vật vào cúng các vị Tiền hiền. Sau khi chọn những vật phẩm đưa vào lễ Vọng vào chiều 9, thì sáng 10 sẽ chính thức lễ chính. Trong lễ chính sẽ có dâng hương hoa, quả vào đình, thả chim bồ câu cầu quốc thái dân an”.

Theo ông Minh, lễ hội đình làng Hải Châu là một truyền thống tốt đẹp của người dân Đà Nẵng. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng lễ hội vẫn được phục dựng gần như nguyên vẹn. “Chỉ trừ không còn đâm trâu, đâm bò tế lễ thôi, chứ mình vẫn giữ y kịch bản ngày xưa mà các cụ bày ra, cũng có ngày dựng cây nêu. Chiều mồng 9 cúng Vọng, cây nêu đã thượng lên rồi. Đặc biệt lễ có các hoạt động truyền thống xưa như học trò gia lễ. Các nghi lễ được soạn theo tài liệu của các nhà nghiên cứu sử học để phục dựng. Lúc đầu, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giúp mình dựng lại rồi sau đó mình tự làm hết. Giờ thì mọi thứ đã đi vào khuôn khổ và bài bản rồi”, ông Minh giải thích.

Người dân gần xa nô nức xem hội đua thuyền trên sông Túy Loan. Ảnh: Đ.L
Người dân gần xa nô nức xem hội đua thuyền trên sông Túy Loan. Ảnh: Đ.L

“Ở đâu đâu cũng về huống chi mình ở đây”

Với người dân hai thôn Đông, Tây của làng Túy Loan thì lễ hội đình làng Túy Loan là một sự kiện không thể thiếu trong ngày Xuân bởi nó diễn ra vào đúng thời khắc những bông hoa mai, hoa cúc vẫn còn ngát hương ở đầu làng ngõ xóm. Con sông Túy Loan thơ mộng chảy ven làng cũng trở nên sôi động hơn mọi ngày với cuộc đua ghe truyền thống của các trai làng. Là người luôn có mặt trong Ban tổ chức, ông Tán Kim, cán bộ văn hóa xã Hòa Phong cho biết: Lễ hội đình làng Túy Loan diễn ra hằng năm vào các ngày 8 và 9 tháng Giêng. Phần lễ diễn ra vào ngày mồng 9 gồm có lễ rước sắc từ Nhà thờ phái Nhì (thủ sắc ngày xưa) trong đó có kiệu hoa, chưng hoa, đội lính mang lão bộ (bộ vũ khí ngày xưa bảo vệ sắc phong và dân làng). Ngày xưa lễ rước đi quanh làng nhưng giờ chỉ đi nửa làng; sau đó, về đình an tọa. Đến tối thì có tổ chức văn nghệ mời các đoàn tuồng, văn công và người dân tham gia biểu diễn.

Lễ chính diễn ra vào sáng mồng 10, trong đó có lễ cúng Thần Hoàng và có chương trình hát bội Phước-Lộc-Thọ cầu quốc thái dân an, chúc bà con trong năm mới an khang thịnh vượng. Đình làng Túy Loan có 5 chư phái tộc Tiền hiền như Đặng, Lâm, Lê, Nguyễn, Trần; bây giờ đã có trên 40 tộc phái hậu hiền.

Dưới mái đình rêu phong, bà Đặng Thị Hồng, thôn Túy Loan Tây 1 bồi hồi nói: “Năm nào cô cũng đi dự lễ hội bởi rất hay và có nhiều ý nghĩa. Ở đâu đâu họ cũng về huống chi mình ở đây. Nhất là đua ghe vui lắm. Rồi còn thi đủ trò, đủ kiểu như thi nướng bánh tráng Túy Loan, gói bánh tét và các trò chơi dân gian như bắt lươn, bắt vịt, kéo co… So với hồi cô còn nhỏ thì bây giờ đình làng đã được tu bổ đồ sộ hơn. Mỗi năm góp tiền vô cúng kiếng một ít thành ra đẹp như bây chừ. Lễ hội chừ cũng tiến bộ hơn trước, có nhiều trò chơi rất vui. Không chỉ người dân trong làng mà người dân ở các làng khác như Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương… cũng đến tham dự”.

Riêng với ông Đặng Khôi (sinh năm 1927) - người có 17 năm làm Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng không chỉ là dịp để thể hiện tri ân đối với tiền nhân mà còn giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu trong làng. “Tôi đã gắn bó với mái đình như hình với bóng và dường như nó đã trở thành ngôi nhà thứ hai. Việc tổ chức lễ hội đình làng giúp bà con trong chư phái tộc gặp gỡ, trao đổi từ đó đem lại sự đoàn kết. Qua nhiều lần tu sửa, đình làng vẫn giữ nếp cổ như ban đầu. Văn tế có từ hàng trăm năm đến nay vẫn không thay đổi”, ông Khôi cho biết.  

Rời mái đình cổ kính với cây đa bóng cả, lòng tôi vẫn còn văng vẳng những lời ca của ông Khôi: Ai về nơi hướng Phú Hòa / Túy Loan hiền dịu cầu qua hai đường / Đường lên nơi cấm Chu Hương / Đường vào Bàu Thị thân thương hiền lành / Cánh đồng giữa lúa xanh biêng biếc / Sóng lăn tăn chi biết bao tình / Tình vui tình đẹp tình xanh / Tình ta gửi trọn cho đình làng ta / Túy Loan quê đẹp hiền hòa / Ai về xin hãy ghé qua thăm đình.

Lời thơ mộc mạc, sâu lắng như chính tấm lòng của ông đã thắp lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt rằng Đà Nẵng trong tiến trình đô thị hóa sẽ giữ vững được bản sắc văn hóa đình làng mà ông cha bao đời gầy dựng.

"Không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều tấm lòng thơm thảo hôm nay và cả mai sau sẽ gìn giữ, lưu truyền và phát huy những nét đẹp của văn hóa làng. Dù bao nhiêu điều đã đổi thay trên quê hương nhưng mái đình, cây đa, bến nước vẫn còn. Tôi tin những truyền thống tốt đẹp sẽ trường tồn mãi mãi."

Ông Đặng Khôi, Trưởng ban tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.