Nhận định nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trên diện rộng tại Đà Nẵng, nên ngay khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ 25-7, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế đã có sự quan tâm rất đặc biệt. Chính sự hỗ trợ kịp thời cùng những quyết sách đúng đắn của địa phương, phù hợp thực tiễn đã giúp Đà Nẵng sớm kiểm soát tình hình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bìa phải) thăm hỏi và trao giấy ra viện cho các bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang ngày 18-8. Ảnh: PHAN CHUNG |
Chia lửa với Đà Nẵng
Tối 30-7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân tại khu vực này. Đội được đặt dưới sự chỉ huy của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19.
Đội thường trực đặc biệt chống Covid-19 của Bộ Y tế bao gồm 65 người là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ... từ các đơn vị là cục, vụ, bệnh viện thuộc Bộ Y tế với 4 đội hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật gồm Đội Điều tra giám sát dịch, Đội Điều trị, Đội Xét nghiệm và Đội Truyền thông. Đây là lực lượng phòng, chống dịch tinh nhuệ của Bộ Y tế đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận; nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2 và điều trị thành công các ca bệnh Covid-19 nặng trong thời gian vừa qua... Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1.000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Ngay khi có mặt tại Đà Nẵng, đoàn công tác Bộ Y tế chọn ngay một phòng làm việc tạm bợ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố làm “đại bản doanh”, tổ chức triển khai nóng các kế hoạch hành động. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế nhận định, đợt dịch lần này tại Đà Nẵng phức tạp và khác biệt ở chỗ, việc truy vết F1 gặp nhiều khó khăn và mất thời gian, trong khi tình hình không cho phép chúng ta chậm trễ hay xảy ra sơ suất, nhầm lẫn trong điều tra, giám sát dịch.
Trưa 24-7, sau khi đáp xuống sân bay, PGS.TS Trần Như Dương đã phối hợp với Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Đà Nẵng) xuống trực tiếp khu dân cư nơi bệnh nhân 416 sinh sống để tìm hiểu, điều tra dịch tễ và yêu cầu thành lập ngay các Tổ Covid-19 cộng đồng. “Ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, Đà Nẵng cần huy động toàn diện, tổng lực sự vào cuộc, sự chung sức của quần chúng nhân dân, không chỉ điều tra, truy vết mà còn nhắc nhở, giám sát nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Là Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cùng ê-kip của mình có mặt 24/24 tại CDC Đà Nẵng để hỗ trợ việc xét nghiệm SARS-CoV-2. “Chưa bao giờ chúng tôi áp lực và phải thực hiện một khối lượng mẫu xét nghiệm nhiều như thế. Các thành viên luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng mẫu gửi về quá nhiều. Tuy nhiên, như tinh thần mọi người đã quán triệt và xác định từ đầu, đó chính là chung tay vì Đà Nẵng, vì đất nước. Dịch bệnh muốn được kiểm soát tốt thì việc cần làm đó chính là hệ thống xét nghiệm phải vận hành nhanh chóng, chính xác, kịp thời”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ.
Do tính chất công việc, bữa cơm có khi đến muộn hơn ngày thường, nhu cầu vệ sinh cá nhân cũng phải gồng mình nán lại. Bởi một khi cởi đồ bảo hộ, đồng nghĩa với việc nghỉ ngơi. Có khi nửa đêm, hàng ngàn mẫu bệnh phẩm gửi về và phải xử lý sớm, mọi người lại lục đục mang đồ bảo hộ, tập trung đầy đủ tại phòng xét nghiệm để tìm kết quả. Trong căn phòng sáng đèn 24/24 giờ ấy, mọi người không có khái niệm thời gian sáng, tối. Họ chỉ chăm chăm vào âm thanh của thiết bị, thông báo đã hoàn thành thêm một mẻ xét nghiệm mới. Lo lắng, hồi hộp theo từng biểu mẫu kết quả và thở phào khi nhận thấy tất cả đều âm tính.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, để hỗ trợ Đà Nẵng, đơn vị đã cử những chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, kiểm soát nhiễm khuẩn và thậm chí cả đội tư vấn về sức khỏe tâm thần. “Chúng tôi xác định tập trung nhiều nhất ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nơi sẽ điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19, trong đó có những bệnh nhân nặng. Ngoài ra, nhân viên của Bạch Mai sẽ tăng cường cho các bệnh viện khác tùy theo tình hình thực tế. Ngoài nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là phòng, chống Covid-19, chúng tôi cũng tập trung hỗ trợ, chuyển giao một số kỹ thuật y tế chuyên sâu để hỗ trợ các đồng nghiệp trong tương lai”, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.
Chung sức, đồng lòng
Sau khi phong tỏa một số cơ sở y tế, Đà Nẵng đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực y tế tham gia phòng, chống Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 4-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã có văn bản gửi thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Định với mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực y tế, cùng chung tay kiểm soát dịch bệnh. Đáp lại lời kêu gọi ấy, thành phố Hải Phòng cử đoàn cán bộ 33 người vào chi viện cho Đà Nẵng. Ngày hôm sau, 25 y, bác sĩ Bình Định tình nguyện lên đường ra với Đà Nẵng chung tay chống dịch.
Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, ngay khi phát động lời kêu gọi, ngành y tế Bình Định nhận được hàng trăm người đăng ký xung phong nhưng địa phương ưu tiên lựa chọn những y, bác sĩ có chuyên môn phù hợp. “Đa số các bác sĩ, điều dưỡng còn trẻ, có sức khỏe tốt để làm việc trong môi trường công việc nhiều áp lực. Tôi rất hy vọng các bạn sẽ yêu thương, chăm sóc cho nhau và cùng kề vai sát cánh với đồng nghiệp, người dân Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này”, bác sĩ Hùng cho biết.
Tiếp nối 2 địa phương trên, tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An sau đó cũng tăng cường, hỗ trợ cho Đà Nẵng 56 nhân viên y tế để bổ sung cho tuyến đầu chống dịch. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận: “Sự đồng hành, hỗ trợ về nhân lực y tế của các tỉnh, thành bạn trong thời điểm này hết sức ý nghĩa.
Bởi hiện nay, nhân viên y tế Đà Nẵng đang quá tải khi phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, từ xét nghiệm, cách ly, truy vết cho đến điều trị. Đây là một cuộc chiến dài hơi, chúng tôi dù khó khăn, vất vả nhưng luôn có niềm tin chiến thắng, vì bên cạnh luôn có sự đồng hành rất kịp thời của đội ngũ nhân viên y tế từ Trung ương cho đến các địa phương”.
Khó khăn, quá tải và tâm thế sẵn sàng được thể hiện qua nhiều hình ảnh của đội ngũ y, bác sĩ Đà Nẵng ở tuyến đầu, được chia sẻ xúc động trên mạng xã hội. Đó là hình ảnh nhân viên y tế đang trực phòng, chống dịch phải ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong khi không kịp về chịu tang mẹ. Là khoảnh khắc nhiều nữ nhân viên y tế tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng nhờ đồng nghiệp cắt đi mái tóc dài để thuận tiện, an toàn trong việc hỗ trợ chữa trị bệnh nhân Covid-19.
Loạt hình ảnh nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng mệt mỏi, phải truyền nước sau nhiều giờ mặc đồ bảo hộ kín mít vận chuyển bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 đến các cơ sở y tế... “Vất vả, quá tải, căng thẳng và cũng rất áp lực nhưng chúng tôi nhất định sẽ đứng vững để hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân một cách an toàn, nhanh nhất có thể”, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng quyết tâm.
Đọng lại phía sau những hình ảnh xúc động ấy là những bản tình ca, những câu hát được các nhân viên y tế sáng tác vội từ bên trong khu cách ly, các bệnh viện. Giấu hết sự mệt mỏi, áp lực, khó khăn chồng chất là những thông điệp yêu thương, hy vọng để động viên người dân, các bệnh nhân cùng nhau vững tin, tiếp tục đồng hành cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
PHAN CHUNG