Kiên quyết, dồn mọi nguồn lực dập dịch

.

Công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn đang gấp rút triển khai. Song song với điều tra dịch tễ, tăng cường truy vết, xét nghiệm trên diện rộng, việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đang được ưu tiên, huy động tối đa nhân lực, thiết bị. Một số ca nhiễm đã khỏi bệnh và xuất viện, số ca âm tính lần 1, lần 2 và lần 3 với SARS-CoV-2 cũng tiếp tục tăng lên mỗi ngày.

Trong số hơn 280 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ghi nhận và đang điều trị tại Đà Nẵng, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, suy thận mạn nên nguy cơ tử vong cao. Điều này đặt ra cho đội ngũ y, bác sĩ áp lực lớn trong việc huy động nhân lực, thiết bị kịp thời, áp dụng các phác đồ điều trị cụ thể, phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.

Để chuẩn bị cho công tác điều trị, Bộ Y tế đã huy động lực lượng chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 từ các Viện, Cục, các bệnh viện từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành y tế thành phố bổ sung nhân lực tại chỗ, nhân lực từ các tỉnh bạn và trang thiết bị cần thiết để giải quyết khối lượng công việc lớn, từ điều tra, dịch tễ, xét nghiệm, cách ly cho đến công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vốn là những cơ sở y tế khó khăn về nhân lực, thiết bị, nay được nâng cấp hoàn toàn. Các phòng hồi sức tích cực (ICU) được lắp đặt, hoàn thiện nhanh chóng, được thiết kế riêng biệt, vô trùng, an toàn, tiện nghi.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã chia sẻ rằng đơn vị được hỗ trợ, hậu thuẫn rất lớn từ ngành y tế thành phố, Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn. Mặc dù cuộc chiến vẫn còn phức tạp, diễn biến hàng ngày, hàng giờ nhưng những tín hiệu sinh tồn, bệnh lý của nhiều bệnh nhân đang được cải thiện. Đó là những tín hiệu rất lạc quan.

Theo một lãnh đạo Bộ Y tế tham gia công tác điều trị tại Đà Nẵng, Bộ Y tế và Tiểu ban điều trị thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị của SARS-CoV-2. Phác đồ mới nhất từ ngày 1-8 đang đáp ứng tốt cho quá trình điều trị bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Thực tế điều trị cho thấy, có bệnh nhân nhiễm Covid-19 từng thực hiện ECMO tại Bệnh viện Đà Nẵng, sau đó cai ECMO, tiếp tục thở máy, chuyển sang Bệnh viện Phổi trong tình trạng rất nặng.

Sau hơn 10 ngày điều trị, áp dụng các phác đồ phù hợp với thể trạng, bệnh nền, bệnh nhân đã âm tính 3 lần với SARS-CoV-2, đủ điều kiện xuất viện theo Bộ Y tế. Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, hiện có hơn 40 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 20 bệnh nhân đã âm tính 2 lần và đang chờ kết quả xét nghiệm lần thứ 3. Bệnh nhân âm tính 3-4 lần sẽ được cho xuất viện theo đúng quy định, góp phần giảm áp lực trong công tác điều trị vốn đang rất căng thẳng như hiện nay. Đây là những dấu hiệu đáng mừng, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Thời gian qua, Thường trực Thành ủy đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt các biện pháp cần thiết; Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố khẩn trương triển khai các kế hoạch bám sát tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương vận dụng vào thực tiễn để nỗ lực khoanh vùng, kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ, số ca nhiễm có thể giảm xuống nhưng tính chất của từng trường hợp luôn đặt cho thành phố, các sở, ngành, địa phương những mối quan tâm mới.

Năng lực truy vết các trường hợp có nguy cơ vẫn chưa theo kịp diễn biến thực tế. Việc xét nghiệm được tăng tốc, mở rộng quy mô, thêm phương pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Số trường hợp tiếp xúc gần (F1), người bệnh, người chăm nuôi đến Bệnh viện Đà Nẵng vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Các địa phương đã kiểm tra, xử phạt hơn 350 trường hợp vi phạm nhưng vẫn còn tình trạng tụ tập đông người; tổ chức ăn nhậu; hát karaoke, chơi game...

Đà Nẵng được Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 đánh giá đã và đang đi đúng hướng trong nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn luôn tiềm ẩn. Làm thế nào để các biện pháp đang triển khai được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn là vấn đề cần quan tâm. Để làm được điều đó, sự chủ động, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người dân là yếu tố then chốt.

PHAN CHUNG


 

;
;
.
.
.
.
.