Di dời ga đường sắt Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển đô thị

.

Dự án di dời ga đường sắt là công trình trọng điểm của Đà Nẵng. Theo quy hoạch trước đây, dự án này thực hiện ở 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính nên dự án này đã treo đến 16 năm. Mới đây, UBND thành phố đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố.

Việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát triển đô thị, ổn định đời sống. TRONG ẢNH: Ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại. 				        							        Ảnh: THÀNH LÂN
Việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát triển đô thị, ổn định đời sống. TRONG ẢNH: Ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại. Ảnh: THÀNH LÂN

Ngày 1-4-2020, UBND thành phố đã có Công văn số 2129/UBND-SGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương triển khai thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Ngày 9-4-2020 Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 551/PC-VPCP chuyển Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị xem xét, xử lý đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, tại Văn bản 4316/BGTVT-ĐTCT ngày 7-5-2020 của Bộ GTVT gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển đô thị, ổn định đời sống.

Hiện nay, với đề xuất mới của UBND thành phố, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định đây là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao UBND thành phố là cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Được biết, từ năm 2004, thành phố đã công bố quy hoạch dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, từ vị trí hiện tại ở đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) sang vị trí mới tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ khi công bố quy hoạch đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu vốn nên dự án đã bị treo 16 năm.

Chỉ riêng phường Hòa Khánh Nam có 19 tổ dân phố nằm trong vùng quy hoạch của dự án này, với hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Do thời gian kéo dài, nhiều người dân sống trong vùng quy hoạch của ga đường sắt gặp nhiều khó khăn trong xây dựng, nâng cấp nhà cửa. Nhiều bất cập trong quản lý đất đai, tiêu cực và tình trạng xây dựng trái phép đã phát sinh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố vẫn gặp khó khăn trong việc xác định cụ thể địa điểm di dời ga Đà Nẵng, đó là đặt tại hai phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh như quy hoạch trước đây hay tìm quỹ đất khác.

Sau 16 năm, khu vực quy hoạch trước đây không còn nằm trong diện vùng ven của thành phố nữa mà là khu vực cận trung tâm, nên rất khó trong việc giải tỏa đền bù. Bên cạnh đó, việc đặt ga đường sắt mới còn phải phù hợp với đồ án quy hoạch chung của thành phố.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa theo kiến nghị của Bộ GTVT là nếu triển khai trước việc xây dựng nhà ga mới thì do đặc thù của ngành đường sắt, thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu kỹ quy hoạch và đầu tư xây dựng ga mới phù hợp với việc tích hợp khai thác kết nối cùng hệ thống đường sắt tốc độ cao đầu tư sau. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư các công trình liên quan cho đồng bộ, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của địa phương dọc hành lang hiện trạng.

Trong khi đó, dự án đường sắt tốc độ cao bắc - nam vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do nguồn kinh phí hạn chế nên đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao khu vực miền Trung (Vinh đến Nha Trang) sẽ thực hiện sau (dự kiến năm 2035 mới chuẩn bị đầu tư dự án).

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng bị treo nhiều năm do thiếu vốn. TRONG ẢNH: Hành khách chờ lên tàu tại ga đường sắt Đà Nẵng.       		          Ảnh: THÀNH LÂN
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng bị treo nhiều năm do thiếu vốn. TRONG ẢNH: Hành khách chờ lên tàu tại ga đường sắt Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT cho biết, căn cứ vào Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như để tạo sự đồng bộ về hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, thành phố phải đi trước một bước, xin chủ trương di dời ga đường sắt quốc gia khu vực trung tâm trước và xây dựng nhà ga mới tại vị trí quy hoạch thuộc đường sắt tốc độ cao bắc - nam kết nối với hạ tầng đường sắt cũ để vận hành, kết hợp tái thiết đô thị tại vị trí ga cũ. Việc UBND thành phố gửi văn bản xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng nhằm đốc thúc cho tiến độ của dự án được nhanh hơn. Qua đó, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết sớm thủ tục để dự án được triển khai thực hiện.

Tại Văn bản 4316/BGTVT-ĐTCT ngày 7-5-2020 của Bộ GTVT gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Trung ương bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khó khăn, việc đề xuất chủ động nghiên cứu, cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án cho thấy địa phương rất quan tâm tới việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực.

Do dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc - nam cần có chủ trương của cấp có thẩm quyền và thời gian thực hiện dự án kéo dài nên việc UBND thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị sẽ được nghiên cứu triển khai bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn từ quỹ đất của địa phương để thanh toán thực hiện dự án BT theo Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019.

Đây là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố Đà Nẵng.

Dự án “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” dự kiến chia làm 2 tiểu dự án và các hợp phần nhỏ với tổng mức đầu tư (tạm tính) 12.363 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng 20%). Tiểu dự án 1: “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” dự kiến có 3 hợp phần, tổng mức đầu tư (tạm tính) 10.236 tỷ đồng.

Trong đó, hợp phần 1: “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng” do Bộ GTVT chủ trì, có tổng mức đầu tư tạm tính 5.350 tỷ đồng. Hợp phần 2: “Phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới” do UBND thành phố chủ trì với tổng mức đầu tư tạm tính 830 tỷ đồng. Dự kiến ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường các tiện ích đô thị cho khu vực trung tâm thành phố...

Hợp phần 3: “Tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng” do UBND thành phố chủ trì với tổng mức đầu tư tạm tính 2.350 tỷ đồng. Tiểu dự án 2: đền bù giải tỏa phục vụ dự án “Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị” do UBND thành phố chủ trì tổ chức triển khai công tác đền bù giải tỏa và tái định cư theo quy định tại khu vực nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện trạng. Tổng mức đầu tư tạm tính của tiểu dự án này là 2.400 tỷ đồng (sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố).

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.