Sở hữu trí tuệ - Động lực của đổi mới sáng tạo

.

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là một tài sản vô hình của các startup. Không chỉ giúp bảo vệ “đứa con tinh thần” khỏi nạn đạo, nhái, việc xác lập quyền SHTT còn giúp nâng tầm startup khi đàm phán với các nhà đầu tư hay hợp tác với các doanh nghiệp lớn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. TRONG ẢNH: Công ty CP Green Beli đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ ngay khi bắt đầu xây dựng dự án. Ảnh: PHONG LAN
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. TRONG ẢNH: Công ty CP Green Beli đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ ngay khi bắt đầu xây dựng dự án. Ảnh: PHONG LAN

Ngay khi hình thành ý tưởng xây dựng ứng dụng thông minh Bản đồ xanh Green Beli, anh Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty CP Green Beli (quận Hải Châu) đã bắt tay ngay vào việc đăng ký xác lập quyền SHTT. Anh xác định đây là một nền tảng quan trọng để Green Beli tiến ra thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Anh Khoa nói: “Khi thảo luận với các nhà đầu tư, một trong những câu hỏi hay gặp nhất là thương hiệu, sản phẩm của startup đã được bảo hộ quyền SHTT chưa, bởi đây là một tài sản vô hình cần được tính đến khi định giá. Thời gian từ lúc nộp đơn xin xác lập quyền SHTT đến khi có được giấy chứng nhận mất đến vài năm, nên chúng tôi quyết định làm các thủ tục song song với việc phát triển dự án, càng sớm càng tốt”.

Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Minh Hồng (quận Liên Chiểu) từng có một “kỷ niệm buồn” liên quan đến quyền SHTT. Công ty Minh Hồng đi lên từ một dự án khởi nghiệp chuyên sản xuất chất tẩy rửa từ chế phẩm sinh học. Cách đây khoảng 4 năm, dự án này được nhiều bài báo đề cập đến bởi tính nhân văn và hiệu quả đối với môi trường. Song, cũng chính vì vậy mà sản phẩm của công ty đã bị một công ty khác “copy” để… dự thi một cuộc thi khởi nghiệp khác. Ngay sau đó, bà Hồng đã nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ để đăng ký xác lập quyền SHTT.

Trong một buổi trao đổi với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng vào cuối năm 2019, TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc đăng ký sở hữu công nghiệp có vai trò lớn đối với doanh nghiệp và startup, giúp sản phẩm của họ có lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc.

SHTT hiện diện trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp nói riêng trong kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu. Việc đăng ký quyền SHTT sẽ bảo vệ sản phẩm sáng tạo khỏi nạn đạo, nhái. Các nhà đầu tư hay doanh nghiệp lớn cũng dễ dàng bị thuyết phục và hợp tác hơn khi các nhà khởi nghiệp có được tấm bằng sáng chế phát minh cho sản phẩm của mình.

Không chỉ quan trọng đối với các startup, quyền SHTT còn là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu khoa học cần đặc biệt lưu tâm. Sau nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy (Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) đã cho ra đời một số sáng chế phục vụ cho đời sống cộng đồng như: giải pháp thiết bị lọc nước ngầm đa tầng, phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính. Hai nghiên cứu này đã được Cục SHTT cấp bằng sáng chế độc quyền vào năm 2018. PGS.TS Thùy chia sẻ, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhằm chứng minh rằng đây là những giải pháp cho chính mình làm ra.

TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân nhận định, việc xác lập quyền SHTT là điều cần thiết nhằm công nhận nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là khi đưa nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn.

Còn theo luật sư Lê Ngô Hoài Phong (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, quận Hải Châu) : “Khi lĩnh vực SHTT phát triển, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Các sản phẩm đã được xác lập quyền SHTT đều đạt những tiêu chí chất lượng của riêng chúng, đồng thời tránh được nạn hàng giả, hàng nhái”.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, SHTT đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm, góp phần làm hạn chế các vi phạm.

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.341 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp đã được cấp. Riêng năm 2019, có 810 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và 299 văn bằng được cấp, trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế, 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 294 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó có nội dung xác lập quyền SHTT trong và ngoài nước đối với các sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc trưng của thành phố. Hiện việc đăng ký các quyền SHTT cũng đang được cải cách, tiến tới hoàn thiện quy trình nộp trực tuyến.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.