Một tháng sau vụ nổ, Beirut vẫn ngổn ngang

.

Một tháng sau vụ nổ ở cảng Beirut, thành phố này vẫn ngổn ngang với những đống đổ nát. Hàng chục ngàn ngôi nhà không thể được sửa kịp thời trước tháng 10, khi thời tiết chuyển sang mưa và lạnh.

Việc tái thiết Beirut trong lúc đối mặt khủng hoảng chồng chất là bài toán khó cho chính phủ Lebanon. Ảnh: Reuters
Việc tái thiết Beirut trong lúc đối mặt khủng hoảng chồng chất là bài toán khó cho chính phủ Lebanon. Ảnh: Reuters

Vụ nổ hồi đầu tháng 8 làm 190 người thiệt mạng và 6.500 người khác bị thương, khoảng 300.000 người mất chỗ ở, gây thiệt hại ước tính 15 tỷ USD, đặt ra thách thức cho chính phủ Lebanon trong công tác tái thiết Beirut. Hãng AP cho biết, Beirut hiện vẫn ngổn ngang với những tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng; người dân đi lại trên phố với ánh mắt buồn bã, với những cánh tay băng bó hoặc đi lại trên những chiếc nạng. Nhiều gia đình đang xoay xở để xây dựng lại nhà nhưng không có đủ chi phí.

Cuộc sống của họ vốn gặp nhiều khó khăn do kinh tế của đất nước rơi vào suy thoái, nay không thể gồng gánh thêm việc xây nhà. Họ chỉ biết chờ đợi sự hỗ trợ từ chính phủ và trợ giúp của quốc tế, nhưng mọi thứ dường như đến rất chậm.

Chỉ vài tuần nữa Lebanon sẽ bước vào mùa đông, các nhóm viện trợ lo ngại họ không đủ thời gian để thực hiện việc sửa chữa hay xây dựng lại nhà. Các phương tiện truyền thông xã hội liên tục chia sẻ những câu chuyện và video về những tổn thương của người dân Beirut trong vụ nổ. Song, năng lực tài chính của nhà nước Lebanon rất hạn chế để có thể khắc phục hậu quả vụ nổ.

Theo hãng tin AP, Liên Hợp Quốc (LHQ) cam kết viện trợ khẩn cấp cho Lebanon 344,5 triệu USD đến tháng 11. Vài ngày sau khi vụ nổ xảy ra, LHQ và Pháp cũng đã chủ trì một hội nghị kêu gọi tài trợ cho Lebanon. Tuy nhiên, đến nay, các nước cam kết đóng góp tiền chỉ rót 16,3% trong tổng số tiền mà họ đã hứa. Các nước cũng cam kết hỗ trợ 84,5 triệu USD cho việc sửa chữa nhà ở, nhưng hiện mới giải ngân 1,9 triệu USD. Vì vậy, các nhóm viện trợ lo lắng nguồn quỹ không đủ cho công tác tái thiết khi thời tiết từ tháng 10 sẽ chuyển sang mưa và lạnh, hàng chục ngàn ngôi nhà không thể được sửa chữa kịp thời.

Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) đang làm việc ở Karantina và Mar Mikhail, hai khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất tại Beirut. Từ nay đến trước tháng 3-2021, NRC muốn hỗ trợ 12.400 người chỗ ở và 16.800 người về nước uống, điều kiện vệ sinh…

Trong lúc đó, cộng đồng quốc tế vốn tức giận về tình trạng tham nhũng của Lebanon, nên tuyên bố sẽ rút tiền ra khỏi các cơ quan chính phủ và chỉ làm việc thông qua các tổ chức quốc tế và LHQ. Ngay cả Pháp, quốc gia luôn hợp tác chặt chẽ và thường xuyên hỗ trợ Lebanon, cũng yêu cầu nước Trung Đông này phải cải cách. Nhiều người dân Beirut bày tỏ, họ cảm thấy chán ngán khi cứ nghe nói rằng viện trợ đang được triển khai, trong khi họ phải vật lộn với cuộc sống mỗi ngày.

 Trước khi vụ nổ xảy ra, đồng pound của Lebanon đã mất khoảng 80% giá trị so với đồng USD. Giá cả tăng phi mã, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đến 35%, nhiều người dân tầng lớp trung lưu rơi vào cảnh nghèo khổ. Tiền gửi của họ cũng bị “đóng băng” trong các ngân hàng. Nhiều người nghỉ hưu không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội hay y tế. Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã xảy ra. Trước đại dịch Covid-19, theo hãng Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, khoảng 50% dân số Lebanon sẽ rơi vào nghèo khó và tình trạng hiện tại còn nghiêm trọng hơn dự đoán.

 Người dân Lebanon vẫn bức xúc về sự quản lý yếu kém và thiếu trách nhiệm của các nhà chức trách khi để kho chứa 2.750 tấn ammonia nitrate tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. 2.750 tấn ammonia nitrate này đã phát nổ, khiến Lebanon đối mặt với khủng hoảng chồng chất. Tân Thủ tướng Lebanon Mustapha Adib chưa thể ngay lập tức chèo lái đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Ông Adib cam kết nhanh chóng khởi động chính phủ với các chính sách cải cách kinh tế và tài chính cần thiết. Song, việc cải cách đất nước và tái thiết Beirut vẫn là áp lực quá lớn, nhất là Lebanon giờ đây không còn là mối quan tâm chính ở Trung Đông, một khu vực luôn “nóng” với các nguy cơ xung đột.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.