.

Nỗi sợ “sân cỏ”

.

Quả vô lý khi môn thể thao từng được đặt tên “Túc cầu giáo” lại đang trở thành nỗi… ám ảnh với cả các đội bóng lẫn người hâm mộ chân chính của bóng đá Việt Nam!

Dù đang bay bổng với ngôi vô địch lượt đi, nhưng Xi-măng Hải Phòngvẫn đang rất thận trọng.

Vậy mà, đó lại là một thực tế không thể phủ nhận khi sân cỏ nước nhà cứ hiển hiện không ít vụ bạo lực bùng nổ trên sân cỏ, trên khán đài cũng như lối hành xử đậm chất… chợ búa của một số “ông Vua sân cỏ”. Thậm chí, căn bệnh “sợ” ngôi cao vẫn không thay đổi trong nếp nghĩ của các nhà cầm quân cho đến cầu thủ (?).

Đã giảm thiểu những trận cầu ân - oán với những màn vay - trả nhưng khi bóng đá đang bước vào giai đoạn cuối của tiến trình thử nghiệm chuyên nghiệp thì những “trận cầu bạc tỷ”, những khoản lương - thưởng đến cả chục triệu đồng, cả trăm triệu đồng đã nhanh chóng làm “nóng” thêm nhiệt độ trên các sân cỏ.

Chính trong cuộc “đấu tranh sinh tồn” để không bị “văng ra” khỏi sân chơi chuyên nghiệp cũng như để bảo đảm quyền lợi kinh tế, cả chủ lẫn khách đều không ngần ngại triệt hạ nhau, bằng mọi giá! Hiệu ứng của sự “tăng nhiệt” ấy khiến lắm “ông Vua sân cỏ” đánh mất khả năng kiểm soát trận đấu, còn trên khán đài, tình trạng cổ động viên hỗn chiến với nhau không còn là cá biệt.

Và để “giảm nhiệt” từ những cái “đầu nóng”, những người điều hành giải đấu cần nhiều hơn sự kiên quyết với những hành vi phi thể thao.

Nếu ở V-League 2007, cầu thủ Sông Lam Nghệ An bị cổ động viên quá khích của Thanh Hóa “truy đuổi” đến độ phải vào nhà vệ sinh để ẩn nấp thì năm nay, hooligan Nghệ An lại “nâng tầm” mức độ bạo lực khiến máu của cổ động viên Thể Công đã đổ trên sân Vinh! Trước đó, những cổ động viên chân chính của Thanh Hóa cũng đã bị vỡ đầu ở sân Hàng Đẫy khi bị khán giả quá khích của Hà Nội ACB tấn công bằng hung khí.

Trong lúc đó, để xử lý việc cổ động viên Hải Phòng ném pháo sáng và chai nước xuống sân, Ban tổ chức giải chỉ phạt tiền và buộc Xi-măng Hải Phòng phải thi đấu trên sân trung lập ở... Cúp quốc gia. Mới đây, Sông Lam Nghệ An cũng chịu án phạt kiểu đó 2 trận mà có 1 là ở vòng tứ kết Cúp vừa qua! Cho nên, mầm mống của bạo lực sân cỏ rất khó bị triệt tiêu bởi cách xử lý như đùa ấy.

V-League mùa này còn “vui” hơn khi đã có những màn cãi vã giữa trọng tài với các đội bóng, với cầu thủ về việc có hay không tình trạng “Vua sân cỏ”… chửi cầu thủ. Đến độ, VFF phải mời cả “nguyên đơn” Công Vinh lẫn “bị đơn” Đỗ Quốc Hoài ra Hà Nội để đối chất. Riêng vụ lên tiếng của một số CLB khác lại được cho vào… dĩ vãng. Mà cũng phải thôi khi chẳng đội bóng nào lại dại dột gây hấn với trọng tài, bởi chỉ cần không khéo, ai dám chắc các “ông Vua” không “tính sổ” với những cầu thủ hay đội bóng từng phản ứng với mình. Thôi thì, cứ “mua đường vắng” đi là “êm” nhất.

Nhưng sợ nhất lại chính là những lời nói thật và việc giành “ngôi Vua” V-League!

Mùa giải 2005, HLV Vương Tiến Dũng đang đưa Bình Dương thi đấu ấn tượng với lối chơi tấn công đẹp mắt để kết thúc giai đoạn 1, họ dẫn đầu với khoảng cách gần 10 điểm so với đội xếp nhì. Và trong một tuyên bố, ông Dũng khẳng định: “Sẽ cố gắng thắng cả 11 trận còn lại”. Hậu quả, Bình Dương đã bị “dập” tơi tả và ông Dũng phải rời khỏi ghế HLV trưởng khi giải chỉ còn 3 vòng đấu. Trước đó, cái sự “hỗn hào” của Thừa Thiên - Huế lẫn Cảng Sài Gòn từng trả giá đắt với việc phải xuống hạng sau một mùa mon men đến “ngôi Vua”.

Bây giờ thì nỗi sợ ấy đã giảm thiểu nhưng vẫn chưa hẳn tất cả các “ông lớn” đều dám khẳng định tranh chấp ngôi vô địch! Cái “sợ” lúc này là ngôi vô địch đồng nghĩa với việc phải “ra biển lớn” ở đấu trường châu lục. Thế nhưng, sân chơi này chưa bao giờ là một hấp lực thực sự với bóng đá Việt Nam. Mà khi không xác định được mục tiêu, việc phải tốn cả “núi tiền” chỉ để “học hỏi, cọ xát” hẳn không nằm trong nếp nghĩ của những nhà cầm quân lẫn các học trò của họ.

Cho nên, dù có rất nhiều dự báo về một giai đoạn 2 “nóng bỏng”, có chăng cũng chỉ hấp dẫn ở cuộc đua chống xuống hạng. Bởi ở đó, tiềm tàng nguy cơ “đánh hội đồng” những đội yếu thế hay sự vẫy vùng để thoát khỏi cảnh trắng tay của những chủ nhà đang rơi vào nhóm “đèn đỏ”. Và cũng chẳng thể không quan ngại sự bùng phát bạo lực sân cỏ, kể cả trên khán đài, nếu những nhà tổ chức không có những động thái tích cực trong nỗ lực “hạ nhiệt” ngay từ đầu lượt về!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.