.

SHB Đà Nẵng & hành trình vượt khó

.

Sau cú “rơi tự do” với 6 trận liên tiếp không thắng, trong đó có đến 4 trận thua, SHB Đà Nẵng đã kịp “trở lại” khi có 7 trận liên tiếp không thua, giành thêm 15/21 điểm để nhen lại hy vọng đạt chỉ tiêu lọt vào những nhóm đội dẫn đầu V-League 2008. Phải chăng, nhà cầm quân trẻ tuổi Lê Huỳnh Đức có “phép mầu” so với người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng?

Người hâm mộ vẫn luôn đặt niềm tin vào CLB Đà Nẵng và chính sự ủng hộ ấy đã giúp các cầu thủ Đà Nẵng (áo sẫm) dần tìm lại chính mình qua từng chặng đường V-League.

Thực sự, chẳng có “phép mầu” nào đủ sức vực dậy một đoàn quân rệu rã, mất nhuệ khí dù cuộc trường chinh chỉ mới bắt đầu. Cái được của Lê Huỳnh Đức chính là niềm tin tuyệt đối mà lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo CLB dành cho anh. Có thể ai đó mỉa mai nếu cho rằng, niềm tin ấy buộc phải có khi dường như Lê Huỳnh Đức là sự chọn lựa duy nhất trong bối cảnh SHB Đà Nẵng đang mất dần phương hướng. Thậm chí, những sắp xếp của “tân thuyền trưởng” SHB Đà Nẵng về nhân sự ở một vài trận đấu đầu tiên cũng bị xem là một cách “dằn mặt” những cầu thủ “thân tín” với ông Hùng (!). Song, trong thi đấu thể thao, kết quả cuối cùng lại có giá trị khẳng định lớn nhất, dù chưa hẳn chính xác nhất.

Bất chấp những luồng dư luận bất lợi và thậm chí đầy ác ý, Lê Huỳnh Đức vẫn đi theo con đường đã chọn với sự quyết liệt trong xây dựng lối chơi lẫn cách dùng người. Ngay một “công thần” như Hùng Dũng cũng từng thường xuyên ngồi ghế dự bị, nói chi đến những cầu thủ trẻ như Phan Thanh Hưng - cháu ruột của ông Hùng - nên khó nói rằng, Huỳnh Đức cố tình “loại bỏ” các học trò ruột của người đi trước. Rồi cách xử lý kiên quyết và mạnh tay của Lê Huỳnh Đức trước “siêu quậy” Amaobi - dù SHB Đà Nẵng khan hiếm chân sút - càng cho thấy, tân thuyền trưởng Đà Nẵng dám làm, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong lúc “dầu sôi, lửa bỏng” ấy, những lựa chọn của Lê Huỳnh Đức lại đạt kết quả khá khả quan khi Phan Thanh Phúc - cháu ruột của cựu HLV Phan Thanh Hùng - bùng nổ trước Bình Định. Rồi Hùng Dũng tỏa sáng đúng lúc khi tiếp Sông Lam Nghệ An. Đó còn là sự ổn định của chân sút Almeida với liên tiếp những pha lập công cho SHB Đà Nẵng.

Dĩ nhiên, vẫn chưa thể nói nhiều về SHB Đà Nẵng lẫn HLV Lê Huỳnh Đức khi chặng đường gian khó nhất vẫn còn ở phía trước. Nhưng điều đó không có nghĩa, họ không còn cơ hội để vươn lên nếu xét đến khoảng cách về điểm số của thầy trò ông Đức với nhóm đội dẫn đầu không hẳn khó san lấp. Hơn nữa, trong số 8 đối thủ tạm xếp trên, Đà Nẵng vẫn có cơ hội “đòi nợ” trước những vị khách ở lượt về như Đồng Tâm Long An (ngày 4-5), Hoàng Anh Gia Lai (ngày 6-7), Khánh Hòa (ngày 3-8) và Bình Dương (ngày 24-8).

Điều quan trọng nhất của nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức vẫn là điều chỉnh lại lối chơi để không quá phụ thuộc vào khả năng “sát thủ” của Almeida cũng như cần đa dạng hóa khả năng tấn công của Đà Nẵng, mới có thể phát huy tốt nhất năng lực của Rogerio, Hồng Minh, Thanh Phúc, Roberto Lopez Ramon, Văn Mẹo… trong việc tạo áp lực và ghi bàn vào lưới đối phương. Sự gia cố hàng phòng ngự cũng là một yêu cầu không nhỏ với SHB Đà Nẵng khi những khoảng trống đã bắt đầu xuất hiện giữa cặp trung vệ Cao Cường - Robson hay Cao Cường - Hùng Dũng và hành lang trái đang là “tử huyệt” bởi Hữu Hùng vẫn chưa lành chấn thương, trong khi Quang Thanh còn thiếu cảm giác bóng. Tất cả đang chờ đợi một Đà Nẵng bùng nổ hơn khi lòng tự trọng của Huỳnh Đức và các học trò đang bị tổn thương, để V-League 2008 không còn là ác mộng với người hâm mộ Đà Nẵng…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.