.

“Thành - bại, luận anh hùng"

.

Người xưa nói: “Thành - bại, luận anh hùng”. Nhưng với bóng đá Việt Nam, “luận anh hùng” từ “thành - bại” không hẳn đã đúng!

Hẳn những ông thầy tầm như Vương Tiến Dũng, Lê Thụy Hải hay mới đây nhất là Phan Thanh Hùng cảm nhận rõ hơn ai hết nỗi đau nếu cứ lấy “thành - bại, luận anh hùng”. Bởi, chẳng ai dám xem thường những tên tuổi như ông Dũng hay ông Hải khi những “thuyền trưởng” này từng đặt “dấu ấn” của mình ở những đội bóng mà họ từng có thời dẫn dắt.

Ông Dũng từng "lên bờ xuống ruộng" chẳng phải kém chuyên môn...

Hay như Phan Thanh Hùng - vốn được đào tạo bài bản và cũng từng nắm “tuyển” - cũng chẳng thể kém cỏi hơn những đồng sự trẻ khác. Mà vị trí thứ 5 cùng những trận thắng cả ông Calisto lẫn ông Lê Thụy Hải trên sân Chi Lăng ở mùa giải trước chẳng đủ để khẳng định “thương hiệu” của ông Hùng hay sao?
Thế nhưng, chỉ mới nói đến 3 tên tuổi này, cũng đủ thấy bao thứ rối rắm mà với họ, “thành - bại” chẳng đủ để “luận anh hùng”.

Với ông “tướng” họ Vương, đã ba lần phải xin từ chức. Lần đầu, ông Dũng chia tay Thể Công sau khi giành cả ngôi vô địch quốc gia lẫn Siêu Cúp Quốc gia mà theo nhiều người, ông bắt đầu cảm nhận được những trận đấu của đội đã… có mùi! Lần thứ hai, dù đã đưa vào Bình Dương một sức sống mới đầy khát vọng, ông vẫn phải ra đi sau thất bại 0-5 trước Đà Nẵng, dù đó chỉ là giọt nước làm tràn ly. Lần thứ ba, ông chia tay Hòa Phát Hà Nội trong ngậm ngùi với những lý do, chỉ mỗi mình ông biết. Bước vào mùa giải này, ông tỏ ra khiêm cung và cẩn trọng hơn trong phát ngôn, dù thâm tâm vẫn muốn chơi thứ “bóng đá sạch”. Và có lẽ những kinh nghiệm có thừa buộc ông phải chấp nhận một thất bại trên sân nhà Bình Định ở vòng đấu cuối của lượt đi.

Nhà cầm quân của Đà Nẵng lại không có cơ hội để “sửa sai” khi chỉ sau 3 trận thua đầu mùa giải này, ông Hùng buộc phải rời ghế mà trong lòng vẫn đầy uẩn khúc. May mắn hơn khi ông thầy cũ của Đà Nẵng Lê Thụy Hải vẫn còn được tin dùng dù có 4 trận liên tiếp không thắng. Việc ông Hải bị “bắn lén” được bộc lộ rõ nét ở thất bại cay đắng 0-3 của đương kim vô địch ngay trên sân nhà trước Đồng Tâm Long An.

... Bởi chẳng phải "quân Hải Phòng của ông mùa này đang dẫn đầu lượt đi đầy thuyết phục đó sao.
Phản ứng từ cầu thủ bởi cái tính “thẳng như ruột ngựa” và “nóng như Trương Phi” của ông khiến mối quan hệ thầy - trò tưởng rạn nứt đến nơi. Dẫu sao, cái danh hiệu Vô địch V-League mà ông mang về cho đội bóng Đông Nam bộ này đã là một trở lực rất lớn đối với những người muốn “khử” ông theo cái cách “ngoài chuyên môn”. Và ông Hải đã tồn tại để lại có điều kiện khẳng định mình trong những vòng đấu gần đây.

Với Khánh Hòa chẳng hạn, ông “tướng trẻ” Hoàng Anh Tuấn cũng từng suýt “rớt đầu” sau 3 trận đầu mùa V-League này. Nhưng như một phép màu, 9 vòng đấu liên tiếp đội bóng của ông không hề biết mùi thất bại, trong đó có 4 trận thắng. Phải chăng, Hoàng Anh Tuấn có “bí kíp” gì để giúp Khánh Hòa xoay chuyển tình thế nhanh chóng đến vậy. Trong lúc, những nhà cầm quân kỳ cựu như Lê Thụy Hải, Trần Bình Sự, Nguyễn Ngọc Hảo… vẫn đang loay hoay tìm lối thoát ?

Thực ra, những mối quan hệ tình nghĩa, những “ân oán giang hồ” hay nói chính xác hơn - theo ông Vương Tiến Dũng - là “căn bệnh của nền bóng đá vừa muốn thoát ra khỏi nghiệp dư để gọi là chuyên nghiệp” đã khiến những người liên quan đến bóng đá Việt Nam “còn hành xử rất nghiệp dư”. Mà chính cái lối “hành xử rất nghiệp dư” - từ những nhà tổ chức, những ông chủ của các đội bóng cho đến các đội bóng lẫn khán giả - đã làm méo mó cái sự thành - bại. Mà như thế, làm sao lấy “thành - bại” để “luận anh hùng” ?

BẢO AN

;
.
.
.
.
.