Kỳ 2: Chế độ cho VĐV
>> Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng cơ sở
Nói đến điều kiện tập luyện cho VĐV, đã có lần, Trưởng bộ môn Cầu lông Lê Nguyễn Tường Lân như than: “Các VĐV phải tập luyện nhờ trên 3 sân tập của LĐ Cầu lông thành phố. Lẽ ra, mỗi sân tập chỉ dành cho 2 VĐV thì với lực lượng 30 VĐV, rất khó để Ban huấn luyện hoàn thành giáo án; chưa nói đến kích thước sân tập không chuẩn, hạn chế đến quá trình tập luyện.
Những “cô gái Vàng” của Điền kinh Đà Nẵng... |
Đáng lý, mỗi tuần, một VĐV phải được cấp phát 1 dây căng vợt, khoảng 2 tháng được cấp 1 cây vợt nhưng trong thực tế, đó là điều không tưởng. Cho nên, các em “tập chay” là chủ yếu...”.
HLV trưởng đội tuyển Cử tạ Phan Văn Thiện cũng không giấu giếm: “So với cả nước,trang - thiết bị lẫn chế độ dinh dưỡng của đội tuyển Cử tạ Đà Nẵng rất thấp. Cũng may, khi mới đây, chúng tôi đề xuất và được chấp thuận cho… tự chế lại 20 bánh tạ, hàn lại đòn tạ, dù lẽ ra tất cả những trang-thiết bị này đều được mua từ nước ngoài!”. Đáng kể hơn, theo HLV Phan Văn Thiện, các VĐV trẻ Đà Nẵng có chuyên môn rất tốt, nhiều triển vọng, rất cần được tiếp cận những trang-thiết bị hiện đại, đúng chuẩn trong tập luyện để tránh những bỡ ngỡ khi thi đấu.
Song thực tế, họ phải tập luyện với những đòn tay cũ, gai mòn, nên khả năng nâng cao thành tích - nhất là các động tác cử giật - của các em bị ảnh hưởng rất nhiều. Chưa kể những nguy hiểm luôn rập rình do VĐV vẫn cứ phải tập luyện với những đòn tạ khá tạm bợ vốn được hàn lại sau những lần bị gãy! Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đặng Đông Hải cũng ngao ngán: “Do kinh phí được cấp cho việc mua sắm hằng năm quá ít nên chúng tôi chỉ có thể đáp ứng đối với những môn có nhu cầu thấp! Thậm chí, hằng năm, VĐV bơi có nhu cầu được trang bị 2-3 bộ đồ bơi hay VĐV điền kinh cần được trang bị 1-2 đôi giày để tập luyện, nhưng đến nay, việc giải quyết cũng chỉ nhỏ giọt”.
... lẫn những niềm hy vọng trên “đường đua xanh” như Khánh Linh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, dù sự quan tâm của thành phố đã cao hơn trước. |
Chỗ ở của VĐV chuyên nghiệp, với yêu cầu tập trung, lại được tận dụng từ… gầm khán đài của sân vận động Chi Lăng hoặc bể bơi thành tích cao. Một HLV Bơi lặn thở dài khi nói đến chỗ ở của các “kình ngư” Đà Nẵng: “Dù rất xót xa cho các học trò của mình, nhưng chúng tôi cũng đành chịu dù biết rằng, phòng ở của các em không bảo đảm được những yêu cầu tối thiểu. Và khi sức khỏe không được bảo đảm, làm sao các em có đủ thể lực để theo các bài tập với khối lượng lớn, phục vụ yêu cầu giành thành tích tốt nhất!”. Mới đây, khi tiến hành sáp nhập Sở, khu nhà làm việc của Sở TDTT (cũ) đã được sử dụng làm khu nhà ở cho VĐV chuyên nghiệp. Nhưng theo ông Đặng Đông Hải, dù cố gắng lắm cũng chỉ “giải quyết được cho khoảng 50% VĐV”.
Ngay như việc để bảo đảm một phần tối thiểu khả năng hồi phục sức khỏe cho VĐV chủ lực sau các bài tập, Trung tâm HL-ĐT VĐV cũng chỉ có thể sử dụng tối đa tiền thuốc ở mức 10.000 đồng/người/ ngày! Còn nhớ, trong thời gian 3 tháng tập huấn tại Quảng Tây (Trung Quốc) trước Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 (2006), dù các chuyên gia Y học Thể thao của Đại đội Thể Công Quảng Tây yêu cầu tay bơi Nguyễn Thị Kim Oanh sử dụng đến 32.000 nhân dân tệ (khoảng 64 triệu đồng) và Phạm Trường Giang sử dụng 27.000 nhân dân tệ cho các loại thuốc giúp hồi phục, nhưng đội tuyển Bơi lặn Đà Nẵng buộc phải giảm lượng thuốc do… không đủ tiền (?).
NGUYÊN AN