.
Còn gì, Thể thao Đà Nẵng?

Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng cơ sở…

.

Một lãnh đạo ngành TDTT thành phố từng thừa nhận: “Ngoài điền kinh, các môn cờ, billiards…có địa điểm tập luyện với mức độ đáp ứng yêu cầu khoảng 80%, các môn còn lại hầu như đều phải tận dụng những địa điểm được thiết kế để sử dụng cho các chức năng khác làm nơi tập luyện. Và rất nhiều VĐV các môn phải tận dụng sân bóng đá để tập thêm các bài bổ trợ…”.

Đội tuyển Cử tạ vẫn luyện tập trong điều kiện còn quá nhiều hạn chế.

 
Để rồi, đến thời điểm hiện nay, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện -  Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) Đặng Đông Hải cũng phải kêu lên: “Chúng ta vẫn chưa có một quy hoạch cơ sở vật chất (CSVC) cho thể thao thành tích cao. Nhà tập võ hiện nay đã xuống cấp trầm trọng, nhưng ngành không có kinh phí để sửa chữa; chưa kể đến kích thước nhà tập không bảo đảm đúng chuẩn buộc không ít môn võ phải co kéo thảm tập theo diện tích sàn, chứ không theo kích thước chuẩn của thảm. Phòng tập của đội Cử tạ cũng đang tận dụng phòng cũ, chỉ được cải tạo ở mức độ vừa phải. Ngay như bơi lặn vốn có điều kiện tập luyện được đánh giá là tốt nhất, song hệ thống xử lý nước vẫn chưa đạt, dẫn đến phần lớn VĐV bị bệnh ngoài da. Hay như các nội dung ném đẩy, vốn là thế mạnh của Điền kinh cũng không có được địa điểm tập luyện ổn định…”.

Hiện nay, tại nhà tập võ tập trung đến… 8 nội dung tập luyện của cả Karatedo, Wushu, Silat, Judo, quyền Anh, Võ Cổ truyền mà lẽ ra, nhà tập chỉ có thể đáp ứng được 2-3 môn. Hay như, do hạn chế về diện tích sân tập buộc các VĐV Wushu chỉ được tập trên… 1/2 thảm đấu. Đó là chưa kể, Karatedo cần phải có 2 loại thảm phục vụ 2 nội dung Kata và Kumite, thì bộ môn này chỉ có một loại thảm để tập luyện. Ngay cả cảm giác về không gian của VĐV khi thi đấu cũng bị hạn chế rất lớn, nói gì đến hàng loạt yêu cầu khác về chuyên môn? Cùng lúc, bóng bàn phải tập nhờ vào một góc nhà của CLB Phan Châu Trinh, Thể dục Thể hình thì nằm phía sau khán đài C của sân Chi Lăng, bên cạnh trạm xử lý rác thải của Công ty Môi trường đô thị thành phố. Với một trong những bộ môn chủ lực của Đà Nẵng như

Bơi lặn, ước muốn về một bể bơi nước nóng hay bể bơi 25 mét có mái che để VĐV có điều kiện tập luyện tốt nhất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung vẫn chỉ là mơ ước. Kể cả “cánh” ném đẩy của điền kinh cũng liên tục di chuyển từ khu Tuyên Sơn đến bên cạnh khu nhà tập luyện Taekwondo vì hiện nay chưa có được địa điểm tập luyện ổn định! Gần đây, việc Trung tâm Thể thao Nguyễn Tri Phương phải di dời để phục vụ yêu cầu chỉnh trang đô thị lại đặt ngành TDTT vào tình thế hết sức khó khăn. Thiếu địa điểm tập luyện, cơ hội chinh phục Vàng ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2010) càng khó khăn hơn bao giờ hết. Câu hỏi: “Cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao Đà Nẵng, còn lại gì ?” cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!
                              
Bài và ảnh: Nguyên An

;
.
.
.
.
.