.
Còn gì, Thể thao Đà Nẵng?

Kỳ 3: Nỗi lo về con người...

.

Kỳ 2:  Chế độ cho VĐV
Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng cơ sở…

Tại buổi lễ trao thưởng cho các VĐV Đà Nẵng đạt thành tích tại SEA Games 24, không ít cán bộ, HLV ngành TDTT Đà Nẵng đau đáu nỗi buồn. Ngay những nhà báo thể thao từng gắn bó với Thể thao Đà Nẵng đến hơn 20 năm cũng khó lòng nhận biết những VĐV Đua thuyền là tuyển thủ Đà Nẵng được dự tranh SEA Games

Cơ thủ Nguyễn Thanh Long, VĐV “Đà Nẵng 100%” hiếm hoi được khoác áo tuyển thủ Quốc gia tại SEA Games 24.

24 (?). Bởi đơn giản, trong số 6 VĐV có mặt trên bục nhận thưởng, chỉ có hai anh em cơ thủ Nguyễn Thanh Long - Nguyễn Thanh Bình (Billiards & Snooker) là VĐV Đà Nẵng “chính hiệu”. Dẫu rằng, trong tiến trình chuyên nghiệp hóa thể thao phải chấp nhận thực tế của những cuộc chuyển nhượng VĐV, như bóng đá. Nhưng không vì thế mà đánh mất đi cái gì là riêng của Thể thao Đà Nẵng.

Theo phân tích của Phó Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải, việc chuyển nhượng VĐV có khả năng giành Vàng cho Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2010) có cơ sở vững chắc: “Đào tạo một VĐV ở một môn có thời gian ngắn nhất cũng mất từ 4-5 năm, với kinh phí phục vụ cho VĐV đạt huy chương phải từ 100-125 triệu đồng. Với một VĐV ở môn thể thao có tính chu kỳ, thời gian đào tạo cũng phải 6-8 năm, với kinh phí tương ứng 150-200 triệu đồng. Trong lúc đó, để chuyển nhượng một VĐV có khả năng hoặc đã giành HCV chỉ ở mức 50-70 triệu đồng và VĐV đạt huy chương các loại cũng chỉ ở mức 30 triệu đồng. Dĩ nhiên, chúng tôi không chủ trương “mua huy chương” mà sẽ tận dụng khả năng của các VĐV này làm nền tảng cho sự phát triển của Thể thao Đà Nẵng…”.

Quan điểm này sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu không có những người tự thỏa mãn khi xoa tay hài lòng “quân mình cũng có Vàng tại SEA Games”. Đáng mừng khi chính lãnh đạo Trung tâm HL-ĐT VĐV đã không đánh mất lòng tự trọng như phát biểu của Giám đốc Đặng Đông Hải: “Chúng tôi hết sức trăn trở khi nhìn về yếu tố con người, từ HLV đến VĐV. Chính từ thực tế trong một thời gian dài, Thể thao thành tích cao Đà Nẵng không có những VĐV Đà Nẵng chính hiệu giành được vinh quang về cho quê hương nên hiện nay, chúng tôi đang quyết liệt trong công tác xây dựng lực lượng”. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực, lực lượng VĐV “100% Đà Nẵng” vẫn chưa thể đóng vai trò chủ lực trong mục tiêu chinh phục đỉnh cao tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2010). Vì thế, thể thao thành tích cao Đà Nẵng vẫn phải chấp nhận “giải pháp tạm thời”, thay vì “đốt cháy giai đoạn” bởi Cử tạ, Đua thuyền hiện đại, Wushu, Silat… vẫn là những nội dung có thể giành Vàng song lực lượng chủ lực vẫn là những VĐV chuyển nhượng!

Cùng lúc, thực trạng “vừa thiếu, vừa yếu” của đội ngũ HLV vẫn tồn tại như nhận xét của một lãnh đạo ngành TDTT: “Xét ở một góc độ nào đó, có thể thấy được, tính chủ động, tích cực của một bộ phận HLV là chưa cao. Chưa kể đến những hạn chế về khả năng tiếp cận thực tế. Song, cũng phải khách quan để thấy được sự thiếu hụt rất lớn về số lượng HLV. Nếu tính riêng một môn võ thuật có từ 8-10 hạng cân với 2 nội dung quyền và đối kháng mà ở mỗi hạng cân và mỗi nội dung cần có 1 HLV thì đủ thấy, riêng về số lượng, chúng tôi thiếu HLV trầm trọng. Hay như Điền kinh và Bơi lặn, có đến hơn 40 nội dung thi đấu nhưng số lượng HLV của mỗi bộ môn cũng không bảo đảm, chưa nói đến chất lượng!”.
Sự bất cập về trình độ của đội ngũ HLV là một tất yếu, bởi gần 60% HLV đều trưởng thành từ VĐV và chưa qua đào tạo. Vì thế, việc thực hiện các quy trình huấn luyện hầu như dựa vào kinh nghiệm và cảm tính là chủ yếu. Đã thế, các HLV còn chưa được trang bị các phương tiện cần thiết để tiếp cận thông tin.

Không thể chờ đợi, Trung tâm HL-ĐT VĐV đã có định hướng xây dựng một lứa HLV mới khi từng bước cho các VĐV đã qua thành tích đỉnh cao đi đào tạo đại học. Sau khi trở về, số HLV qua đào tạo này sẽ đảm trách vai trò HLV trưởng các bộ môn. Với những HLV chưa qua đào tạo sẽ được đề xuất làm trưởng bộ môn và hoạt động dưới sự quản lý của Phòng Nghiệp vụ. Thế nhưng, tất cả còn ở thì tương lai khi hiện nay, Thể thao Đà Nẵng vẫn chưa thực sự “tìm ra lối thoát” và nỗi lo về con người - cả HLV lẫn VĐV - vẫn luôn trĩu nặng trong suy nghĩ của những nhà quản lý ngành TDTT Đà Nẵng! 

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.