.

Để gìn giữ ngọn lửa Olympic -ngọn lửa Hòa bình!

.

Sau Athens 2004, ngọn đuốc Olympic lại được rước khắp 5 châu lục, trước khi được đưa trở lại Trung Quốc vào ngày 8-8 để khai mạc Olympic Bắc Kinh. Ngày 24-3, ngọn lửa thiêng của đuốc Olympic đã được thắp sáng tại ngôi đền thần Hera trong cổ thành Olympia, nơi mà cách đây gần 3.000 năm, các môn thể thao lần đầu tiên được đem ra thi tài.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang trao đuốc cho VĐV Liu Xiang.


Một nữ diễn viên trong vai một tu sĩ đã dùng một tấm gương, lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời để thắp lên ngọn lửa biểu hiện cho thần Apollo. Chỉ một tuần sau đó (31-3), ngọn đuốc thiêng đã được thắp sáng tại Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) sau khi Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp Minos Kyriakou trao ngọn đuốc cho Chủ tịch Ủy ban Tổ chức của thành phố Bắc Kinh Lưu Kỳ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã dùng ngọn đuốc để tiếp lửa trước khi trao đuốc cho vận động viên Liu Xiang.

Trước khi trở lại Bắc Kinh, ngọn đuốc Olympic phải đi suốt chặng đường dài 137 nghìn km, qua 135 thành phố của 20 quốc gia trong suốt 130 ngày. Nhưng để gìn giữ ngọn lửa Olympic tỏa sáng liên tục - theo truyền thống của phong trào Olympic, cũng như nhằm đánh dấu những nghi thức cổ xưa của Olympic - hoàn toàn không đơn giản. Một nhóm 10 - 12 người trong y phục thể thao màu xanh - được chọn từ khoảng 30 nhân viên cảnh sát tinh hoa nhất của Trung Quốc - lúc nào cũng đi theo ngọn đuốc bên ngoài Trung Quốc. Họ sẽ thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ để không cho ngọn lửa tắt đi, dù là đi trên máy bay hay khi nghỉ ngơi trong khách sạn cho đến lúc ngọn lửa này về đến Bắc Kinh.

Nhờ một loại nhiên liệu đặc biệt, ngọn đuốc luôn cháy sáng dù di chuyển trong suốt hành trình truyền lửa. Bên cạnh đó, còn có một số lồng đèn - vốn được thắp sáng bằng lửa lấy từ một nguồn như ngọn đuốc - giữ lửa vào ban đêm hay trên máy bay khi ngọn đuốc bị dập tắt. Lồng đèn chứa lửa được đặt ở trong một phòng khách sạn, với ba người bảo vệ, mà một trong số đó phải luôn thức bất cứ lúc nào. Trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không, ngọn lửa cháy trong một lồng đèn đậy kín, khá giống với đèn của thợ mỏ. Ngọn đuốc, các lồng đèn, nhóm chăm sóc đuốc cùng với bộ phận an ninh di chuyển vòng quanh thế giới trên một chiếc máy bay được thuê riêng của hãng Air China, với hình ảnh ngọn đuốc bên ngoài máy bay.

Tại mỗi thành phố nơi ngọn đuốc đi qua, chính quyền nơi đó phải cung cấp hơn 20 ô-tô áp tải ngọn lửa và di chuyển theo lộ trình nhất định. Phần lớn những người rước đuốc chạy bộ nhưng thời gian qua, một số phương tiện đã được sử dụng vào quá trình di chuyển ngọn lửa như dùng chó kéo xe, ngựa, lạc đà và canoe. Đặc biệt, trong cuộc rước đuốc Olympic 2000, khi di chuyển qua Great Barrier Reef ở Đông Bắc Australia, một ngọn đuốc được thiết kế đặc biệt để có thể cháy dưới nước. Ngọn lửa đã được di chuyển bằng máy bay vào năm 1952 và từng xuất hiện trên máy bay siêu âm Concord. Ngọn đuốc, không có lửa, cũng 2 lần bay vào vũ trụ.

Tất cả các ngọn đuốc được thiết kế đặc biệt nhằm có thể chịu được gió với tốc độ 65km/giờ, cũng như vẫn có thể cháy dưới trời mưa với lượng mưa khoảng 50mm một giờ. Nhưng nếu ngọn đuốc bị tắt, người ta sẽ dùng lửa từ một trong những lồng đèn để thắp lại. Sự cố này từng xảy ra năm 2004 tại sân vận động Panathinaiko (Athens) ngay khi bắt đầu lễ rước đuốc. Giữ cho ngọn lửa cháy mãi là một truyền thống khởi nguồn ở Olympia (Hy Lạp), nơi diễn ra Olympic cổ đại. Bởi lẽ, lửa được coi là thiêng liêng vì người ta tin rằng, thần Prometheus đã đánh cắp lửa của Chúa trời.

Bảo An

;
.
.
.
.
.