Nếu tính trong số 4 Liên đoàn Thể thao (LĐTT) của thành phố Đà Nẵng hiện nay, có thể thấy, LĐBĐ có tuổi thọ lâu nhất, song cũng… yểu tướng nhất (?). Trong lúc đó, dù “sinh sau, đẻ muộn” nhưng cùng với Liên đoàn Cầu lông (LĐCL), Liên đoàn Bóng bàn (LĐBB) hoạt động khá hiệu quả và hơn cả “người anh” là Liên đoàn Quần vợt (LĐQV).
Nhưng dù có vẻ “hoành tráng” thế, song - ngoài ý nghĩa “bó đũa chọn cột cờ” - hầu như chẳng có LĐTT nào hoạt động thực sự hiệu quả và đúng ý nghĩa của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp!
Sự gắn bó của các nhà tài trợ với hoạt động Cầu lông cũng chỉ xuất phát từ quan hệ cá nhân . |
Khi còn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN), LĐBĐ đã sớm được hình thành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là ông Phạm Thanh Ba làm Chủ tịch. Dù chưa có một mô hình hoạt động “bài bản” và chuyên nghiệp, nhưng những thành viên Ban chấp hành lúc ấy như các ông Việt Dũng, Trần Ngọc Chánh… hết sức nhiệt thành với bóng đá. Sự quan tâm, chăm chút cho đội tuyển QN-ĐN rồi Công nhân QN-ĐN của những con người ấy đã in sâu trong tâm khảm của các cầu thủ như Trần Vũ, Nguyễn Nho Đức, Phan Trọng Quang hay Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Trần Minh Toàn… sau này.
Sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, LĐBĐ thành phố cũng đã ra đời. So với trước, định hướng hoạt động của LĐBĐ thành phố khá bài bản bởi nhờ những kinh nghiệm được tích lũy từ trước. Tổng Thư ký Nguyễn Văn Mùi có đủ khả năng để xây dựng mục tiêu hoạt động của LĐ. Tuy nhiên, ngoài công việc ủy lạo đội tuyển thành phố, LĐBĐ không thể tiến hành các mục tiêu đã định như xây dựng bóng đá phong trào, tổ chức tập huấn và xây dựng lực lượng trọng tài, đội ngũ hướng dẫn viên bóng đá cơ sở… Và sau khi có ý kiến giải thể LĐBĐ, vẫn không có một động thái rõ nét để xác định LĐBĐ còn hay mất (?). Có người ví von, LĐBĐ như một con bệnh “chết lâm sàng nên chưa thể đem chôn” (!).
Hay như LĐQV hầu như chỉ tồn tại trên danh nghĩa và thực sự hoạt động khi Bia Heineken chủ động tìm đến tài trợ để tổ chức giải. Tuy có nổi hơn, nhưng LĐCL và LĐBB cũng chưa đặt được một dấu ấn đáng kể dù từng được lãnh đạo ngành TDTT đánh giá cao. Hẳn nhiên, không thể phủ nhận một số hiệu quả nhất định của 2 LĐTT này, nhưng để vươn đến một tầm mức mới, còn quá nhiều bất cập, do cả những tác động khách quan lẫn chủ quan.
Hay như hoạt động quần vợt phụ thuộc vào sự quan tâm của nhà tài trợ hơn là vai trò của Liên đoàn . |
Cũng như những tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác trên cả nước, cả 2 LĐTT này vẫn bị ôm đồm bởi cơ quan quản lý nhà nước và cũng chỉ ở dạng nửa vời. Trong lúc đó, việc cơ cấu nhân sự Ban chấp hành không căn cứ vào năng lực đóng góp mà vẫn mang tính mặt trận. Cho nên, không ngẫu nhiên mà ngay trong các cuộc họp LĐCL, việc không ít thành viên chủ chốt thường xuyên vắng mặt hay có mặt cho đủ “tụ” là chuyện hết sức bình thường. Vì thế, hiệu quả hoạt động của cả LĐCL lẫn LĐBB đều bắt nguồn từ mối quan hệ tốt đẹp của một vài cá nhân có tâm huyết, có năng lực với các đơn vị cơ sở, các doanh nghiệp tài trợ… chứ không là thành công chung của cả tổ chức.
Mặt khác, sự ôm đồm nửa vời của cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT có tác dụng ngược, thay vì thúc đẩy tốt hơn sự phát triển của phong trào. Không đầu tư kinh phí, thiếu hẳn sự hỗ trợ chuyên môn nên sự chi phối của ngành TDTT với các LĐTT chỉ căn cứ vào… quyền lực. Và bản thân các LĐTT cũng trong tình trạng “tay trắng” nên thiếu sự ràng buộc cần thiết đối với phong trào cơ sở! Nếu tách bạch hơn, nên chăng, ngành TDTT có sự hỗ trợ một phần kinh phí cho các LĐTT, giúp các LĐTT đào tạo hướng dẫn viên cơ sở, cung cấp tài liệu chuyên môn về Luật, về phương pháp đào tạo VĐV? Có như thế, vai trò của ngành TDTT mới được nâng lên trong mối quan hệ với các LĐTT. Từ đó, các LĐTT mới có điều kiện hoạt động hiệu quả, có được một vị thế cần thiết với các đơn vị cơ sở. Trong cách thức xây dựng, bố trí bộ máy của LĐTT, vị trí của Tổng Thư ký có thể là cán bộ của ngành TDTT nhưng được biệt phái có thời hạn để Tổng Thư ký có đủ thời gian và tâm lực cho hoạt động chuyên trách.
Liệu đó có phải là bài toán quá khó chăng, không chỉ đối với các LĐTT mà còn đối với cả ngành TDTT? Nếu vẫn duy trì hoạt động theo cơ chế như lâu nay, liệu các LĐTT sẽ đi về đâu khi những nhân tố tích cực nhất cũng đến lúc “gối mỏi, chân chồn”? Và rồi sẽ vẫn lặp đi, lặp lại tình trạng “người ngoài cười nụ, kẻ trong khóc thầm”!
Bài và ảnh: BẢO AN