.

Nỗi niềm Lê Huỳnh Đức

.

Chiều 11-5, trận đấu cùng Đồng Tâm Long An mang tính bước ngoặt cho đội quân của Lê Huỳnh Đức. Khi xảy ra sự cố phút 72, giống như hàng nghìn nhà cầm quân khác, Đức cũng đã phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của trọng tài, để rồi, bàn thắng được xem là phạm luật ấy của Đồng Tâm Long An đã được hủy bỏ. Thoát khỏi ám ảnh thất bại, các học trò của Đức càng thi đấu càng hay, để dễ dàng tạo cách biệt an toàn trước khi đội bạn rút ngắn tỷ số chung cuộc còn 2-3.

Dù trong vai trò cầu thủ...


Đội bóng tạm thoát hiểm nhưng cũng vì thế, những sai lầm do nông nổi từ một thời tuổi trẻ của Đức được nhắc lại trên một số tờ báo. Nào là, cách đây 12 năm, anh đã từng tham gia vụ rượt đuổi trọng tài; nào là anh từng được mệnh danh “thủ lĩnh” nhóm “quyền lực đen” và cả những “sự cố” khi anh vừa về Đà Nẵng hay cả chuyện, Đức cố tình “vùi dập” những học trò ruột lẫn cháu của người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng (?).

Nhưng, không mấy người hiểu hết những uẩn khúc, trong cả sự nghiệp cầu thủ lẫn những ngày đầu chập chững của Đức trong nghiệp huấn luyện. Sau sự cố ngày 11-5 ấy, lắm người chia sẻ cùng trọng tài Nguyễn Xuân Hòa khi nói đến “số phận con người” thì cũng không ít những ý kiến “dập” Lê Huỳnh Đức! Ngay trong cuộc họp báo sau trận đấu, đã có một vài ý kiến cố tình “gài” nhà cầm quân Đà Nẵng. Song, cũng cần hiểu rằng, Đức cũng có một “số phận con người” như “ông Vua áo đen” Nguyễn Xuân Hòa.

Có lẽ, cái tính ít nói khiến Huỳnh Đức hiếm hoi nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Chỉ một lần ngẫu nhiên, tôi nhận được từ Đức thật nhiều tâm sự. Ngày được Công an thành phố Hồ Chí Minh biệt phái sang đội bóng đá Ngân hàng Đông Á, ngoài cấp hàm Đại úy, Đức còn là một đảng viên. Những quy định của ngành Công an cùng trách nhiệm của một đảng viên hẳn là một “rào chắn” cho bất kỳ suy nghĩ lệch lạc nào, chứ chưa nói đến hành vi không chuẩn mực. Ấy thế mà, một cuộc đấu đá nội bộ biến Đức trở thành “thủ lĩnh” nhóm “quyền lực đen” và đẩy anh ra khỏi đời sống bóng đá thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy. Cơ duyên lại đưa đẩy anh đến Đà Nẵng. Song, sự khắc nghiệt vẫn chưa từ bỏ khi cuối tháng 6-2003, có tin Đức bị chấn thương do ẩu đả (?). Vào thời điểm ấy, tôi lại là một trong số hai nhà báo hiếm hoi gặp trực tiếp Đức tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Cười buồn khi nhớ lại một quá khứ đầy sóng gió, Đức tâm sự như với chính mình:

... hay HLV, Lê Huỳnh Đức vẫn tâm niệm “vì bóng đá Đà Nẵng”.
- Ngày tôi được nhận giải thưởng của thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng, bác Trần Bạch Đằng (nhà báo lão thành - P.V) từng động viên tôi và khẳng định, Giải thưởng chính là sự ghi nhận về những cống hiến của tôi cho thành phố Hồ Chí Minh…

Ngày trở lại thành phố Hồ Chí Minh trong vai trò thủ quân đội Đà Nẵng trong trận chung kết giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc 2006, đã có không ít sự dè bỉu dành cho Đức. Trên khán đài, đây đó vẫn có những tiếng la chộ khi “đứa con cưng” một thời của bóng đá Sài thành chạm bóng. Thậm chí, những tiếng cười ồ khi Đức bị ngã sau những pha tranh cướp quyết liệt của các cầu thủ trẻ Đồng Tháp. Phản ứng của Đức lúc ấy vẫn là thái độ quyết tâm hơn để mang về cho quê hương thứ hai của anh thắng lợi chung cuộc. Để sau khi cùng đồng đội hân hoan với chiếc Cúp hiếm hoi còn thiếu trong bộ sưu tập của mình, Đức cũng giã từ sự nghiệp thi đấu vào ngày 23-9. Bây giờ cũng thế! Không đại ngôn, chẳng nhiều lời, Đức âm thầm làm những gì cần làm.

Thỉnh thoảng, vẫn không kìm nén được cảm xúc, Đức bộc bạch:

- Là HLV trưởng, chẳng ai không muốn đội có thành tích. Vì thế, làm sao tôi lại không sử dụng những cầu thủ tốt nhất để giành chiến thắng? Thế nhưng, vẫn có những ý kiến cho rằng, tôi đang “trù” cháu lẫn học trò cũ của anh Hùng (cựu HLV trưởng Đà Nẵng Phan Thanh Hùng). Thôi thì, bây giờ, tôi cứ phải tập trung cho chuyên môn và sẽ cố gắng không để những thông tin bất lợi chi phối công việc…

Hẳn nhiên, chỉ mới chập chững trong nghề “làm thầy”, Lê Huỳnh Đức vẫn chưa thể gặt hái thành công chỉ trong một sớm một chiều, và khiếm khuyết là dễ hiểu. Cái cần thiết với Lê Huỳnh Đức lúc này vẫn là một sự sẻ chia, đồng cảm, bởi chính anh thừa nhận: “Với tôi, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai. Ở đây, tôi tìm được niềm vui chơi bóng, được cống hiến cho tập thể đã cưu mang mình. Tôi đã quyết định đúng và không hối tiếc khi gắn bó đời mình với mảnh đất này…”.      
      
NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.