33 năm trước, Thể thao Đà Nẵng xuất phát điểm từ số không với cơ sở vật chất nghèo nàn cùng đội ngũ cán bộ vỏn vẹn 50 người.
Thế nhưng, sau khoảng thời gian ấy, Thể thao Đà Nẵng đã có một diện mạo sinh động với những đổi thay không ngừng, từ phong trào quần chúng đến thể thao thành tích cao. Và để tạo dựng hình ảnh cùng vị thế mới của Thể thao Đà Nẵng hôm nay, không thể thiếu những nỗ lực của từng cán bộ, HLV, VĐV… từ những ngày đầu gian khó.
Sức sống của Thể thao Đà Nẵng đã được thành hình từ sự phát triển của thể thao quần chúng |
Không có nhiều điều kiện về sân bãi, trang - thiết bị hiện đại như những trung tâm mạnh ở hai đầu đất nước cũng như thiếu những HLV tên tuổi, thầy và trò của Trường Nghiệp vụ TDTT (nay là Trung tâm HL-ĐTVĐV) phải chấp nhận với những khó khăn thực tế. Đường chạy sân Chi Lăng đầy sỏi lẫn với đất đỏ nên những VĐV Điền kinh phải biết chiến thắng chính mình để đạt mục tiêu chinh phục đỉnh cao. Để rồi, đội tiếp sức nữ 4 x 100 mét đã lần đầu tiên bước lên bục vinh quang và thiết lập kỷ lục quốc gia ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất (1985); những Mai Công Trí, Lê Thị Hoa (bóng bàn), Nguyễn Văn Công (điền kinh)… từng một thời nhận được sự ngưỡng vọng từ những người hâm mộ.
Như một truyền thống, những thế hệ VĐV kế thừa như Vũ Kim Anh, Bùi Mỹ (karatedo), Dương Lê Quốc Linh (taekwondo), Trần Văn Ninh, Võ Văn Hoàng Tùng (cờ tướng), Hoàng Nam Thắng, Bảo Quang, Tôn Thất Nhật Tân (cờ vua), Phan Thanh Toại, Huỳnh Ngọc Luân, Nguyễn Tấn Quảng (bơi lặn)… và gần đây là Hoàng Quý Phước, Phạm Trường Giang (bơi lặn), Bùi Nhật Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Ly, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Lê Đình Nghĩa (điền kinh)… vẫn tiếp tục gặt hái những thành công trên cả bình diện quốc gia cũng như quốc tế.
Đó là nền tảng cho một diện mạo sinh động của Thể thao Đà Nẵng trong tương lai không xa. |
Sự nổi trội của Thể thao Đà Nẵng vẫn là những thành công vang dội của bóng đá khi đại biểu của túc cầu thành phố từng ngự trị trên đỉnh cao gần 20 năm với bộ sưu tập ấn tượng vô địch giải Bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất 1976”, vô địch giải A2 toàn quốc 1982, vô địch Cúp Bóng đá Bác Tôn 1988, vô địch quốc gia 1992, đoạt Cúp quốc gia 1993 và vô địch giải Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 (2006).
Hẳn nhiên, không thể vượt khó chỉ bằng ý chí nếu chính quyền thành phố thiếu sự quan tâm đầu tư cần thiết. Công trình nâng cấp Sân vận động Chi Lăng để biến “thánh địa” của bóng đá Đà Nẵng trở thành một trong những sân bóng hiện đại nhất cả nước, bể bơi thành tích cao, trung tâm bóng đá Tuyên Sơn… góp phần đào luyện nên những tên tuổi làm rạng danh thể thao thành phố. Hay như mối quan hệ tốt đẹp cùng Sunny Korea cũng xây dựng nền tảng cho tiến trình phục hưng taekwondo Đà Nẵng. Song song với những ưu tiên nhất định của thành phố cho thể thao thành tích cao, nhận thức của quần chúng được chuyển biến cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của thể thao Đà Nẵng. Số người luyện tập TDTT thường xuyên đã tăng gần 20% dân số, số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên cũng đạt tỷ lệ gần 18% tổng số hộ dân, 100% trường học thực hiện nội dung giáo dục thể chất có nền nếp. Tất cả đó đã làm đa dạng, sinh động hơn bức tranh toàn cảnh của Thể thao Đà Nẵng 33 năm sau ngày quê hương thống nhất.
Hẳn nhiên, rất khó hài lòng dù Thể thao Đà Nẵng đã có sự thăng tiến không ngừng, dù số môn thể thao thành tích cao đã xấp xỉ 30 môn cũng như số lượng VĐV chuyên nghiệp ngày càng phát triển cả về chất và lượng, danh hiệu vô địch ở các giải đấu không còn quá xa vời với Thể thao Đà Nẵng. Điều quan trọng là từ những thành công, hạn chế lẫn những thất bại, những bài học nào đã được rút ra khi sức bật từng có đã tạo được nền tảng ban đầu cần thiết cho Thể thao Đà Nẵng. Bởi thể thao là một quá trình vận động không ngừng nghỉ. Một sự “chậm chân” bất kỳ cũng chẳng khác những bước lùi nếu Thể thao Đà Nẵng vẫn còn ước vọng vươn đến những tầm cao mới…
Bài và ảnh: NGUYÊN AN