Ưu thế về dân số với khoảng 200 triệu trẻ em độ tuổi từ 6-8, hơn 6 triệu trẻ em đã được sàng lọc để đào tạo trong hơn 1.000 Học viện TDTT trên cả đại lục với ước mơ “vô địch thế giới vào ngày mai”. Ngay sau khi được tuyển chọn, những “hạt giống” sẽ được giáo dục tâm lý với khát vọng chiến thắng mãnh liệt.
Việc khổ luyện thường xuyên được áp dụng ở Học viện Shichahai. |
Shichahai (Bắc Kinh) là một trong những Học viện TDTT hàng đầu của Trung Quốc, đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện và đào tạo những tài năng thể thao cho Trung Quốc. Các học viên sẽ được đào tạo 9 môn học chính, trong đó bao gồm cả thể dục, bóng bàn, bóng chuyền và cầu lông. Tại trường, hình ảnh những nhà vô địch Olympic của Trung Quốc được treo một cách trang trọng trên tường ngay dưới tấm băng-rôn màu đỏ: “Đây là nơi sản sinh những nhà vô địch thế giới”. Qua đó, khích lệ các VĐV trẻ noi gương đàn anh hăng say tập luyện.
Sun Kun, một học viên bóng bàn, tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng đã có hơn 4 năm cầm vợt. Mỗi ngày cậu bé phải tập luyện ít nhất là 5 giờ. “Bố mẹ và thầy cô luôn buộc tôi phải nỗ lực tập luyện. Họ muốn tôi trở thành nhà vô địch thế giới” - Sun tâm sự. Niu Sizhuo, mới 9 tuổi và là VĐV Thể dục Dụng cụ, cho biết: “Tôi đã khóc nhiều lần vì quá mệt nhưng tôi muốn trở thành nhà vô địch thế giới. Nếu tập luyện chăm chỉ, tôi sẽ làm được điều đó trong khoảng 5 năm nữa”. Thoăn thoắt trên 2 thanh xà, tuổi thơ của Niu là những ngày vắt kiệt mồ hôi trên sàn tập.
Bởi để vươn đến đỉnh cao như Yao Ming luôn là khát vọng của các học viên nhỏ tuổi. |
Trong những phòng tập rộng lớn, trang bị hiện đại, học viên có nhiều thời gian để mài giũa, trau dồi tài năng với sự giúp đỡ của các HLV chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ trở thành VĐV được hưởng lương theo cấp tỉnh trước khi được tuyển chọn lên đội tuyển quốc gia. Toàn bộ thời gian của học viên là ở Học viện và đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn để bảo đảm cân bằng giữa thể thao và các môn học thông thường. Không ít người phê bình rằng, các Học viện như Shichahai bắt học sinh tập luyện quá nhiều. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Học viện Liu phủ nhận việc này: “Chúng tôi giao phó các học viên nhỏ tuổi cho những giáo viên đời sống. Họ sẽ tổ chức các sự kiện giải trí và chăm sóc các em nên các em không cảm thấy cô độc hay buồn bã”.
Ông Liu nhấn mạnh, chiến thắng không phải là mục tiêu duy nhất. “Chúng tôi còn phục vụ xã hội và cộng đồng bằng cách đào tạo những con người kiệt xuất, không chỉ trong thể thao”. Những ngày giờ tập luyện tích cực của học viên ở Shichahai cho thấy, chiến thắng là rất quan trọng với những người điều hành ngôi trường từng đào tạo nhiều nhà quán quân Olympic.
He Yi - cán bộ Vụ Thể thao Bắc Kinh - cho biết: “Các em phải luôn xác định hoặc đoạt HCV, hoặc sẽ là người thua cuộc. Và sẽ không có một vinh quang nào cho những chiếc huy chương không mang màu Vàng”. Phó Giám đốc Liu còn bổ sung: “Ngoài việc phấn đấu trở thành nhà vô địch ở mọi giải đấu, chúng tôi luôn dạy học viên lòng yêu nước. Nếu họ mang vinh quang về cho Tổ quốc, họ sẽ được đền đáp”. Trung Quốc luôn có mức thưởng rất lớn đối với những VĐV đoạt HCV Olympic, Vô địch Thế giới hoặc phá kỷ lục thế giới. Thêm vào đó là những khoản tiền thưởng ngày càng tăng của các giải đấu. Điều này giúp các VĐV đạt thành tích cao dễ dàng có được một cuộc sống vương giả. Điển hình là VĐV điền kinh Liu Xiang - HCV nội dung chạy 110m vượt rào tại Olympic 2004 - đã kiếm được 7,6 triệu USD chỉ trong năm 2006.
Tại Olympic Athens, Trung Quốc đứng thứ hai về số lượng HCV với 32 chiếc, sau đoàn Mỹ giành được 35 HCV. Ngay sau sự kiện này, một vị Phó chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh khẳng định, nhiệm vụ của Trung Quốc là “thách thức vị thế vượt trội của Mỹ”. Và từ ước mơ “muốn trở thành nhà vô địch” như của những học viên ở Shichahai, trong những kỳ Olympic sắp đến, hẳn tham vọng chinh phục thế giới của thể thao Trung Quốc không quá khó khi họ đã xây dựng chiến lược đầu tư thỏa đáng cho tương lai.
BẢO AN