Từng trải qua không ít thăng trầm và có những tháng năm lặn ngụp ở hạng nhì nhưng chưa bao giờ bóng đá Đà Nẵng phải đối mặt với quá nhiều gian nan, nguy khốn như lúc này. Thậm chí, tại những V-League gần đây, dù không đặt ra cũng như không đạt những mục tiêu quá lớn song bao giờ, Đà Nẵng cũng nhận được sự tôn trọng từ các đối thủ, dù đó là Gỗ, Gạch hay Bình Dương.
SHB Đà Nẵng phải vất vả mới có được những thắng lợi như trước Đồng Tâm Long An . |
Thế nhưng, thật kỳ lạ, Đà Nẵng dường như vướng vào một “căn bệnh mãn tính” mà chưa có phương thuốc đặc trị! Trong lúc tất cả đặt rất nhiều hy vọng, các cầu thủ Đà Nẵng lại thể hiện một lối chơi vô hồn, không bản sắc. Cho nên, ở mùa giải 2006, đang “một mình, một ngựa” cán đích, ai dè, các học trò của ông Trần Vũ loạng choạng để đến cuối mùa chỉ xếp hạng 7. Và cũng thật lạ khi chẳng mấy ai dám đặt cược cho Đà Nẵng thì đội bóng này lại có thể cho các đối thủ nếm trải cảm giác thất vọng như Bình Dương lẫn Gạch đều từng nhận lãnh trận thua 5 bàn trắng ngay trên sân Chi Lăng.
Nhớ lại một thời để chiêm nghiệm và càng thấy… đúng, vì Đà Nẵng hiện tại vẫn thế!
Cái khác của bóng đá Đà Nẵng sau ngày chuyển giao và mang tên gọi mới lại ở một giác độ cực kỳ tế nhị. Sân Chi Lăng thả cửa để mọi người vào xem thoải mái. Đáng nói là dù chủ sân hào phóng như thế nhưng chưa bao giờ số người xem lấp đầy 4 phía khán đài có sức chứa hơn 25.000 người. Lại nữa, nếu Đà Nẵng trước kia chỉ cần thi đấu loạng choạng, người hâm mộ sẵn sàng la ó, dù lắm lúc thái quá! Có người bảo, khán giả còn chửi mắng, tức là còn yêu mến, quan tâm. Bây giờ, phần lớn hầu như chỉ đi xem với mục đích giải trí là chính nên chẳng mấy ai buồn lên tiếng nữa. Ừ, thì chuyển giao cho doanh nghiệp, tiền bạc rủng rỉnh hơn nhưng không có nghĩa là đã đủ, nếu thiếu những lời khen, tiếng chê của người hâm mộ.
Với các CĐV, vẫn luôn nhắn nhủ các cầu thủ phải “vì màu cờ, sắc áo”, bóng đá Đà Nẵng mới có thể vượt qua khủng hoảng. |
Không đến độ như một số sân chẳng cần đến người ủng hộ nên SHB Đà Nẵng vẫn may mắn khi phía sau nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức hay những cầu thủ Quang Cường, Thanh Phúc, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hồng Minh, Đức Cường, Rogerio, Almeida… còn có sự theo dõi - dẫu khá im ắng - của những người hâm mộ chân chính. Chính cái may ấy đã tạo thêm động lực, giúp SHB Đà Nẵng đi ra từ cửa tử. Là vậy nhưng vẫn nhói đau khi hình ảnh bóng đá Đà Nẵng lúc này vẫn chưa đủ tầm để buộc mọi đối thủ phải kiêng dè. Chẳng phải sân Chi Lăng không còn là “thánh địa” và “bất khả xâm phạm” nữa sao?
Nhắc lại quá khứ, không phải để “tự sướng” mà để thấy rằng, lẽ ra bóng đá Đà Nẵng sẽ không dễ dàng rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay, nếu mỗi thành viên ý thức hơn trách nhiệm của mình với quê hương, với người hâm mộ. Nghĩ lại một chiến thắng - dù rất cần thiết - lại lắm điều tiếng như trận thắng Đồng Tâm Long An hay cái thở phào sau trận hòa cùng Hòa Phát Hà Nội mới thấy cay đắng. Khi lòng tự trọng bị xúc phạm, chính thái độ và kết quả thi đấu mới chứng thực được giá trị của SHB Đà Nẵng, chứ không chỉ là những vinh quang quá khứ.
Bài và ảnh: BẢO AN