Trong một cuộc tiếp xúc với ngành TDTT Đà Nẵng, một vị lãnh đạo thành phố phát biểu đại ý rằng, không sợ thiếu nguồn ngân sách để khen thưởng mà chỉ sợ không có những huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) xuất sắc để khen thưởng.
Những VĐV xuất sắc luôn nhận được sự quan tâm tương xứng của thành phố. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao thưởng cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 28 (năm 2015). |
Mới đây, Đà Nẵng lại tạo “cú đột phá” khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết “Quy định chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng”. Như thế, nỗi lo kéo dài bởi những hạn chế trong chính sách dành cho HLV, VĐV đã chính thức chấm dứt với ngành TDTT thành phố.
Chẳng phải ngành TDTT tự “mua dây buộc mình” bởi sau khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) kết thúc, ngoài 8 VĐV tài năng như: Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thị Kim Vân, Trần Lê Quốc Toàn, Dương Thị Thanh Minh, Trương Quốc Long, Nguyễn Đình Lộc, Lê Quang Trung, các VĐV xuất sắc còn lại lẫn các HLV đều bị cắt chế độ trợ cấp hằng tháng (2,5 triệu đồng/VĐV và 1,5 triệu đồng/HLV).
Đã vậy, từ bất cập của chính sách chung khi tiền công có tính chất bình quân càng khiến những VĐV có tố chất muốn giã từ con đường chuyên nghiệp. Mặt khác, khi nhìn về tương lai, những VĐV đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp không yên tâm tập luyện, thi đấu, ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung của ngành TDTT Đà Nẵng. Ngay cả những HLV xuất sắc cũng bị chi phối và chưa thể toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ, do những bất cập về chính sách.
Cùng lúc, không ít đơn vị, địa phương đều có những giải pháp “xé rào” nhằm lôi kéo những HLV, VĐV xuất sắc của Đà Nẵng về đầu quân cho mình. Dĩ nhiên, khi làm một phép tính, những HLV, VĐV xuất sắc đều không tránh khỏi những dao động. Mặt khác, đã có những HLV sẵn sàng cho các đơn vị, địa phương khác mượn những VĐV xuất sắc vì những lợi ích khác nhau.
Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014), ngành TDTT Đà Nẵng từng gánh chịu những hệ lụy đáng tiếc khi đã có những VĐV xuất sắc sang đầu quân cho các đơn vị, địa phương khác và giành được những thành quả đáng kể. Trong khi đó, không ít các VĐV xuất sắc vẫn đang khoác áo Đà Nẵng chưa thể yên tâm bởi tương lai không chắc chắn của mình, nhất là những VĐV đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp. Vì thế, mới dẫn đến việc Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Phúc Linh mạnh dạn hứa sẽ cố gắng giải quyết cho tương lai của Thanh Phúc, dù ông không… chắc chắn!
Thực ra, khi đề án về “Chế độ đãi ngộ HLV, VĐV xuất sắc” được trình lên lãnh đạo thành phố, đã có những băn khoăn khi chế độ dành cho những VĐV đoạt huy chương Olympic, Olympic Trẻ, ASIAD đều được hưởng chế độ thu nhập hằng tháng gấp 12-25 lần và kéo dài trong 4 năm. Trong khi đó, những VĐV giành huy chương Vô địch thế giới cũng có mức thu nhập cao từ 8-20 lần và kéo dài trong 1 năm. Không những thế, các VĐV xuất sắc còn được giải quyết chế độ nhà ở cùng với các chế độ hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm…
Song, thực tế, suốt những năm qua, việc giành được tấm huy chương Olympic không hề đơn giản đối với các VĐV Việt Nam khi đến lúc này, ngoài 2 chiếc HCB của VĐV Taekwondo Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và đô cử Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008), vẫn chưa VĐV Việt Nam nào có thể tiệm cận thành tích HCĐ Olympic.
“Quy định chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng” không phải là hình thức. Bởi bên cạnh những đấu trường thế giới, các VĐV xuất sắc tại SEA Games, giải Vô địch Đông Nam Á, Đại hội TDTT, giải Vô địch quốc gia cùng HLV huấn luyện cũng được hưởng chế độ hỗ trợ hằng tháng, với mức tương ứng. Mặt khác, “Quy định chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng” còn trở thành mục tiêu phấn đấu của những HLV, VĐV khi cơ hội đã mở ra rất lớn và không chỉ của riêng ai…
Bài và ảnh: BẢO AN