Nghịch lý bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

.

Bước vào năm thứ 20 nhưng bóng đá Việt Nam chỉ được xem là chuyên nghiệp ở tên gọi. Trong khi đó, thực chất có quá nhiều lo ngại bởi chất lượng không chỉ của giải đấu, mà còn của các CLB.

Gần đây nhất, khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) họp xét các điều kiện để được thi đấu cho 14 CLB V-League thì chỉ có 10 CLB đạt đủ 5 tiêu chí. Trong số 4 CLB không đạt các tiêu chí, ngoài “tân bình” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh; còn có 3 CLB Hải Phòng (không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020), Nam Định (thiếu báo cáo tài chính có kiểm toán), Sông Lam Nghệ An (SLNA - không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất) vẫn không đạt các tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Hà Nội FC (ảnh), một trong số hiếm hoi những CLB dám đặt mục tiêu Vô địch V-League trong những năm gần đây. Ảnh: ANH VŨ
Hà Nội FC, một trong số hiếm hoi những CLB dám đặt mục tiêu Vô địch V-League trong những năm gần đây. Ảnh: ANH VŨ

Cần biết rằng, trước V-League 2020, Ban cấp phép VFF buộc phải cho phép cả 14 CLB tham gia thi đấu, mặc dù 3 CLB Hải Phòng, SLNA, Nam Định không hề có động thái điều chỉnh những vi phạm trước đó!

Chất lượng V-League cũng là một mối quan tâm rất lớn bởi tính cạnh tranh ngày càng giảm sút. Không quá khó để thấy - và không chỉ ở mùa giải này, số CLB ước muốn vô địch cũng chỉ gói gọn với Hà Nội FC hay 2 đội bóng mới nổi CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC! Ngoài tiềm lực tài chính, chiều sâu lực lượng là mối lo rất lớn với hầu hết các CLB V-League bởi việc phải thi đấu cả 3 đấu trường cùng lúc gồm V-League, Cúp quốc gia lẫn Cúp châu Á (AFC Champions League hoặc AFC Cup).

Vì thế, giữa ước muốn và thực tế luôn tồn tại một khoảng cách khá lớn khiến những thế lực một thời của bóng đá Việt Nam như Bình Dương, SHB Đà Nẵng, SLNA, Hoàng Anh Gia Lai… cũng phải e ngại khi đặt mục tiêu vô địch!

Bên cạnh đó, chất lượng cầu thủ cũng đang là nỗi lo của các CLB lẫn giải đấu. Còn nhớ, những năm đầu của thập niên 2000, hàng loạt tuyển thủ Thái Lan phải sang khoác áo các CLB Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định hay cách đây gần 10 năm, SLNA từng sở hữu những tuyển thủ Jamaica như bộ đôi tiền đạo Kavin Bryan và Andre Diego Fagan.

Tuy nhiên, khi những giải Vô địch quốc gia trong khu vực như Thai-League, Singapore Premier League, Malaysia Super League, Indonesia Liga-1… phát triển thì cầu thủ ngoại sang Việt Nam chỉ còn là “thứ phẩm”, sau khi không thể gia nhập những giải đấu nói trên! HLV Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận, dù được tạo điều kiện tài chính nhưng để tuyển mộ được những cầu thủ xuất sắc cho SHB Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn.

Gần đây nhất, bộ đôi có trị giá đến 1 triệu USD đến từ Costa Rica là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez chỉ khiến người hâm mộ CLB Thành phố Hồ Chí Minh thất vọng khi không thể hiện được giá trị như mong đợi.

Đã đến lúc, VFF cần có những giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh V-League bởi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có chiều hướng phát triển theo tỷ lệ nghịch với bóng đá khu vực lẫn thế giới. Nếu không, khi những nghịch lý cứ tồn tại, sự suy giảm của V-League sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng của bóng đá Việt Nam cũng như các đội tuyển Việt Nam trong một tương lai gần.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.