.
Câu chuyện bóng đá

Nỗi khổ của ngôi Vương

.

Chức vô địch ở bất kỳ giải đấu nào cũng đều là niềm vinh dự, tự hào của các đội bóng Việt Nam, nhưng cùng với đó là những hệ lụy khó nói theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Để đạt hiệu quả thi đấu tại AFC Cup 2013, các cầu thủ SHB Đà Nẵng (áo cam) phải trả giá đắt khi thể lực bị bào mòn bởi lịch thi đấu dày đặc. Ảnh: BẢO AN
Để đạt hiệu quả thi đấu tại AFC Cup 2013, các cầu thủ SHB Đà Nẵng (áo cam) phải trả giá đắt khi thể lực bị bào mòn bởi lịch thi đấu dày đặc. Ảnh: BẢO AN

Ở đấu trường AFC Cup 2013, Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn đã chính thức “bỏ của chạy lấy người”. Trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, chỉ cần cầm hòa Đông Bengal (Ấn Độ) - đội bóng đã có suất vào vòng 1/8, thầy trò HLV Trần Tiến Đại sẽ giành quyền đi tiếp. Thế nhưng, đội bóng Sài thành đã chủ động buông súng ngay từ khi bóng chưa lăn bằng việc chỉ đưa sang Ấn Độ đội hình gồm toàn cầu thủ trẻ và dự bị. Bởi vậy, nói Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ AFC Cup cũng chẳng oan chút nào. Trong khi đó, đương kim vô địch V-League SHB Đà Nẵng, dù đã ghi tên mình vào vòng 2 nhưng thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức lại đang “sống dở, chết dở” với việc phải phân sức trên cả ba đấu trường.

Sau khi đã nỗ lực vượt qua vòng đấu bảng AFC Cup, sẽ khó có chuyện SHB Đà Nẵng “đá cho xong chuyện” với CLB Semen Padang (Indonesia) ở vòng 1/8. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, các học trò của HLV Lê Huỳnh Đức đã gần như sức tàn lực kiệt do phải thi đấu với mật độ quá dày. Trong khi đó, ở đấu trường chính V-League, đội bóng sông Hàn đã bị đội đầu bảng Sông Lam Nghệ An bỏ xa đến 9 điểm. Nếu muốn bảo vệ được ngôi Vương, SHB Đà Nẵng buộc phải căng sức trong tất cả các trận đấu của mình từ nay đến cuối giải. Điều này gần như là không thể bởi ai cũng hiểu, cầu thủ là con người chứ không phải là những cái máy đá bóng.

Ngày SHB Đà Nẵng xuất quân, HLV Lê Huỳnh Đức từng tâm sự, nỗi lo lớn nhất của anh chính là lịch thi đấu quá dày ở 3 mặt trận. Vì vậy, đội bóng sông Hàn đã từng nhiều lần đề nghị VPF, BTC xem xét, điều chỉnh lịch thi đấu sao cho thuận tiện nhất. Thế nhưng, cũng phải đợi đến khi SHB Đà Nẵng vượt qua được vòng đấu bảng, BTC V-League mới cân nhắc để dời trận đấu ở lượt thứ 10 giữa đội bóng sông Hàn với Hoàng Anh Gia Lai sang thời điểm khác.

HLV Lê Huỳnh Đức nói thẳng: “Chúng tôi đi đá AFC Cup, ngoài hình ảnh của CLB, còn là trách nhiệm đối với bóng đá Việt Nam. Nếu SHB Đà Nẵng chơi tốt, thương hiệu của nhà tài trợ, hình ảnh của đội bóng sẽ được quảng bá trong khu vực và cùng với đó, bóng đá Việt Nam cũng được thơm lây. Thế nhưng, VFF, VPF chẳng hề quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi. Như thế chẳng phải làm khó các CLB đi đá châu lục sao?”.

Từ chuyện của SHB Đà Nẵng mới thấy, chức vô địch V-League vẫn là đích đến thật sự của nhiều đội bóng trong lúc này. Thế nhưng, những hệ lụy đằng sau mới đáng bàn khi không phải ai cũng đủ tiềm lực, khát vọng để bước ra đấu trường châu lục một cách đàng hoàng mà không phải làm xấu đi hình ảnh của bóng đá nước nhà. Trong khi đó, VFF, VPF lại bàng quan đứng ngoài cuộc trước những khó khăn của các CLB. Chả trách bao nhiêu năm nay, thành tích cao nhất của các đội bóng Việt Nam ở tầm châu lục cũng chỉ dừng lại ở bán kết AFC Cup 2009 của Becamex Bình Dương.

SONG NGHI
 

;
.
.
.
.
.