Trong 2 vòng đấu liên tiếp, hàng loạt “đại gia” V-League đều không thể thành công khi không giành được những kết quả như ý như SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, hoặc thua “lấm lưng, trắng bụng” như Sông Lam Nghệ An, Bình Dương. Ngược lại, những Thanh Hóa, Hải Phòng hay “tân binh” như Than Quảng Ninh cùng Hà Nội T&T chễm chệ ở những ngôi đầu. Phải chăng, khoảng cách trình độ giữa các CLB V-League đang được rút ngắn?
Dù chưa có sự khởi đầu như ý nhưng SHB Đà Nẵng vẫn là ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch V-League 2014. |
Sau thời kỳ đồng tiền ngự trị trên sân cỏ Việt Nam, những khó khăn kinh tế dần buộc những đội bóng “lắm tiền, nhiều của” cũng áp dụng chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Những khoản tiền tỷ được đổ vào thị trường chuyển nhượng từng bước được hạn chế đến mức thấp nhất.
Trong khi đó, không ít CLB dựa vào nguồn lực tại chỗ như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng chưa có được thành quả như ý. Bởi lẽ, dù lứa cầu thủ trẻ ở những địa phương này có sự trưởng thành, nhưng để khẳng định được trong môi trường khắc nghiệt như V-League đòi hỏi không ít thời gian. Chưa kể đến những trường hợp “chảy máu tài năng” như Sông Lam Nghệ An khi không thể giữ chân những trụ cột như Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn… Ngược lại, một số “thiếu gia” như Ninh Bình rồi Đồng Nai hay những “tân binh” như Than Quảng Ninh, QNK Quảng Nam, An Giang cũng rất tích cực đầu tư nhằm cải thiện thành tích hoặc hoàn thành mục tiêu trụ hạng. Chính điều này tạo cục diện khá sôi động sau 4 vòng đầu của V-League 2014 khi đã có những cuộc đổi ngôi ngoạn mục cùng những xáo trộn không nhỏ sau từng vòng đấu. Thế nhưng, hầu hết đều nhận biết được ngôi thứ nhất - nhì mà Thanh Hóa, Than Quảng Ninh đang tạm chia nhau đều là những giá trị không bền vững.
Dù vượt qua cả ba “đại gia” SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An hay Bình Dương, nhưng những chiến thắng của Thanh Hóa đều đến từ những tình huống cố định hoặc xuất phát từ tình huống cố định. Không quên rằng, khả năng hòa nhập của những cầu thủ mới đến đang là vấn đề không nhỏ của SHB Đà Nẵng. Trong khi đó, lứa cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An vẫn chưa đủ sức thay thế những đàn anh vừa kết thúc hợp đồng. Với Bình Dương, việc vừa “thay tướng” chưa lâu là trở ngại đáng kể của đội bóng đất Thủ. Đồng thời, với 2/3 chiến thắng kể trên diễn ra tại sân nhà, vẫn cần thời gian cùng những chuyến du đấu xa hậu cứ, thầy trò HLV Mai Đức Chung mới có thể khẳng định được giá trị thực của mình.
Tương tự, dù bất ngờ thắng đội chủ nhà Ninh Bình cùng trận hòa Bình Dương trên sân khách hay vừa đánh bại Đồng Tâm Long An ngay tại sân Cẩm Phả, Than Quảng Ninh cũng cho thấy, họ chỉ mới là một “hiện tượng” thú vị, chứ chưa hẳn là một thế lực mới của sân cỏ Việt Nam. Trong những chặng sắp tới khi đối đầu cùng đội chủ nhà SHB Đà Nẵng (ngày 15-2) trước khi tiếp Hoàng Anh Gia Lai (ngày 22-2), đội bóng vùng mỏ này sẽ được “giải mã”. Thanh Hóa cũng sẽ được nhận diện rõ hơn sau 2 trận đấu trên sân An Giang (ngày 15-2) và đối đầu cùng đội khách Hà Nội T&T vào ngày 21-2 tới.
Ở chiều ngược lại, sau những tổn thương ban đầu, chắc chắn Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng sẽ có sự củng cố cần thiết cả về lực lượng lẫn lối chơi. Đồng thời, kinh nghiệm đạt hiệu quả tốt nhất trong những cuộc đua đường trường là điều mà các đội bóng này hơn hẳn các đối thủ còn lại. Chưa kể Hà Nội T&T lẫn Ninh Bình cũng sẽ góp mặt và có sự chi phối rất đáng kể vào cục diện V-League 2014, dù hai đội bóng này vẫn phải “phân thân” trên cả ba mặt trận.
Nếu không có những bất ngờ quá lớn, trật tự sẽ được tái lập chỉ sau vài ba vòng đấu nữa. Hãy chờ xem!
Bài và ảnh: BẢO AN