.

Báo động bạo lực sân cỏ

.

Ngày 1-3, Ban Kỷ luật VFF quyết định xử phạt cầu thủ Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An - SLNA) 20 triệu đồng, cấm thi đấu đến ngày 31-12-2014; đồng thời thanh toán toàn bộ chi phí cho việc chữa trị chấn thương của cầu thủ Nguyễn Anh Hùng (Hùng Vương An Giang), bởi pha vào bóng bằng hai chân của Đình Đồng khiến Anh Hùng bị gãy xương ống chân và phải nghỉ thi đấu đến hết mùa giải 2014.

Cái đẹp của bóng đá sẽ dần bị giết chết bởi bạo lực sân cỏ với những pha bóng như thế này.
Cái đẹp của bóng đá sẽ dần bị giết chết bởi bạo lực sân cỏ với những pha bóng như thế này.

Đã có những ý kiến khác nhau về án phạt này. Nhưng bản án đã được ban hành và mức xử phạt chỉ được thay đổi (nếu có) chứ không thể hủy bỏ. Tuy nhiên, để triệt tiêu hoặc chí ít, giảm thiểu bạo lực sân cỏ, cần phải tìm đến căn nguyên, chứ không chỉ bằng những án phạt.

Thực ra, tình trạng bạo lực trên sân cỏ Việt Nam không phải mới và cũng chẳng hiếm.  

Cựu tiền đạo Đặng Phương Nam nhớ lại, trong trận đấu Thể Công - SLNA (1998), chính HLV trưởng của SLNA từng ra sân hò hét: “Đá chết chúng nó đi”. Để rồi, tiền vệ Ngô Quang Trường không ngần ngại đấm thẳng vào mặt hậu vệ Hải Biên và nhận thẻ đỏ. Tại V-League 2007, khi gặp Đồng Tâm Long An, Huy Hoàng bị trọng tài phạt thẻ vàng và chính trung vệ này thách thức: “Đố ông đuổi được tôi đấy”. Vào giữa hiệp 2, pha vào bóng mang tính triệt hạ đối phương của Huy Hoàng đã bị trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn xử lý bằng chiếc thẻ đỏ trực tiếp. Ở V-League 2012, cũng Huy Hoàng bay cả hai chân vào Samson nhưng tiền đạo Hà Nội T&T kịp nhảy lên né tránh và “cảnh cáo” trở lại bằng cú tung chân đạp vào mặt. Kết quả, Huy Hoàng bị chấn động vùng não và phải nghỉ thi đấu 1 tháng. Gần đây nhất, tiền vệ nhập tịch Đinh Văn Ta (Ninh Bình) đạp thẳng vào ngực khiến Danny David (Đồng Tâm Long An) chấn thương khá nặng và bất tỉnh trên sân.

Đã có những lý giải về tình trạng bạo lực sân cỏ bùng phát, các chuyên gia bóng đã đã có những góc nhìn khác nhau. Theo ông Trần Văn Phúc, mức thưởng quá lớn là tác nhân cho những pha vào bóng “quyết liệt quá mức”. Nhưng với chuyên gia Lê Thế Thọ, cách điều hành của trọng tài lẫn những biện pháp xử lý của VFF không kiên quyết từ đầu, chỉ mang tính đối phó nên chưa đủ sức răn đe  với những vi phạm của các cầu thủ.

Những nguyên nhân đó đúng, nhưng chưa đủ!

Ở đây, chưa thấy ai nói đến vai trò của các CLB với từng cầu thủ của mình. Bản án mạnh tay của VFF khiến cho những cầu thủ cố tình triệt hạ đối thủ chùn bước nhưng mấu chốt của vấn đề, vẫn là ở các biện pháp giáo dục. Sự trừng phạt khiến con người có thể “sợ hãi” nhưng chính giáo dục lại buộc con người “thay đổi” và không phải sử dụng bạo lực để hành xử với nhau. Phạt nặng là không sai nhưng giáo dục tốt, vẫn là giải pháp căn cơ nhất.

Tại sao VFF không có biện pháp xử lý với những CLB, những sân thi đấu có cầu thủ chủ nhà “chặt, chém” cầu thủ đội bạn? Bởi đã có những HLV từng ngụy biện rằng, bóng đá là trò chơi dành cho đàn ông. Không ai phủ nhận sự quyết liệt trong từng pha tranh chấp bởi bóng đá là môn thể thao mang tính đối kháng cao nhất. Sự va chạm khó tránh khỏi song không đồng nghĩa với tư tưởng “triệt hạ đối thủ” và “giành chiến thắng bằng mọi giá”.

Vì thế, để giải quyết tận gốc của bạo lực sân cỏ, không chỉ xử phạt cầu thủ, xử phạt CLB hoặc sân bóng mà việc tăng cường giáo dục đạo đức cho cầu thủ mới có ý nghĩa quyết định, mang tính bền vững. Nếu không, những án phạt cũng chỉ là những “biện pháp đối phó” khi bóng đá Việt Nam chưa giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.