.
CÂU CHUYỆN BÓNG ĐÁ

Trọng tài chẳng phải vô can!

.

Những ngày qua, tình trạng bạo lực sân cỏ đang trở thành đề tài nóng không chỉ với các phương tiện thông tin đại chúng. Việc các CLB treo thưởng quá cao, hoặc chưa chú trọng nhiều đến công tác giáo dục đạo đức cho cầu thủ được xem là những nguyên nhân chủ yếu.

Sự yếu kém trong cách điều hành như của trọng tài Nguyễn Văn Kiên (thứ tư từ trái qua) vô tình góp phần khiến bạo lực sân cỏ bùng phát.
Sự yếu kém trong cách điều hành như của trọng tài Nguyễn Văn Kiên (thứ tư từ trái qua) vô tình góp phần khiến bạo lực sân cỏ bùng phát.

Tuy nhiên, một bộ phận các “ông Vua sân cỏ” cũng góp phần để tình trạng bạo lực bùng phát và ngày càng có xu hướng dữ dội hơn… Đáng tiếc khi hầu hết những pha bóng mang tính triệt hạ trong thời gian qua của các “đấu sĩ” lại không được các trọng tài nghiêm khắc xử lý. Chẳng hạn, pha bóng mà Fagan đấm vào mặt Bojan, khiến tiền đạo SHB Đà Nẵng bị toét môi diễn ra ngay trước mặt trọng tài Nguyễn Văn Kiên. Vậy mà cầu thủ này không hề bị trọng tài xử lý. Hay đó là pha vào bóng rất thô bạo của Đình Đồng khiến Anh Hùng bị gãy chân, hậu vệ Sông Lam Nghệ An cũng chỉ bị trọng tài Phùng Quốc Quân xử lý thẻ vàng, thay vì truất quyền thi đấu bằng thẻ đỏ trực tiếp.

Thật ngạc nhiên khi được hỏi về tình trạng bạo lực đang có chiều hướng bùng phát, quyền Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Tấn Hiền lại trả lời… như không (!). Ông Hiền cho rằng, chẳng qua do mọi người “nói quá” chứ “chỉ gãy chân hay ngã chảy máu” mà cho rằng do bạo lực thì chưa chắc đúng!

Phát biểu của ông Hiền còn khá mới nhưng chỉ một ngày sau (ngày 2-3), ngoài việc chỉ đạo Ban Kỷ luật vào cuộc xử lý nghiêm cầu thủ Đình Đồng, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn yêu cầu Ban Trọng tài ngừng điều động trọng tài Phùng Quốc Quân và Nguyễn Văn Kiên trong những trận đấu sắp tới. Sau khi xem xét các tình huống ở những trận đấu liên quan, VFF và Ban trọng tài sẽ đưa ra quyết định xử lý cuối cùng với các “ông Vua sân cỏ” này.

Và nếu không có những phản ứng từ dư luận cũng như thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu VFF, VPP, nhiều khả năng, các trọng tài này sẽ… thoát hiểm ngoạn mục. Điều này cho thấy, ông Hiền không hề đánh giá đúng thực trạng của nạn bạo lực sân cỏ hoặc muốn bảo vệ những sai sót hết sức nghiêm trọng của các trọng tài nói trên.

Cựu trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn thừa nhận, khi thi đấu trong nước, không ít cầu thủ Việt Nam chơi bóng đầy bạo lực. Có khi họ còn “nhìn mặt lẫn thái độ của trọng tài” để đá. Thế nhưng, khi thi đấu quốc tế, hầu hết đều chấp hành rất tốt các quy định của Luật. Với một số bị ảnh hưởng của “thói quen” bạo lực, đều bị xử lý nghiêm khắc theo Luật; thậm chí, bị truất quyền thi đấu.

Vì thế, để bảo đảm tính công bằng, thực hiện đúng tinh thần fair play, vai trò của trọng tài trong việc điều hành công tâm, khách quan và nghiêm khắc từng trận đấu có ý nghĩa quyết định. Và khi trọng tài đã trở thành “người bảo vệ cuộc chơi” đúng nghĩa, tình trạng bạo lực sân cỏ chắc chắn sẽ được giảm thiểu tối đa.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.