.

Euro 2016 đối mặt với nguy cơ khủng bố

.

Sau cuộc tấn công đẫm máu vào đêm 13-11 tại Paris (Pháp), vấn đề an ninh càng được quốc gia chủ nhà Euro 2016 quan tâm nhiều hơn.

Khán giả được tập trung vào sân cỏ trong đêm 13-11, sau khi trận giao hữu bóng đá Pháp - Đức kết thúc.
Khán giả được tập trung vào sân cỏ trong đêm 13-11, sau khi trận giao hữu bóng đá Pháp - Đức kết thúc.

Phát biểu với nhật báo Guardian, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) Noel Le Graet cho biết, FFF sẽ họp khẩn vào hôm nay (16-11) để bàn thảo các kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vòng chung kết Euro. Trước mắt, lễ bốc thăm Euro 2016 được tổ chức tại Paris vào tháng 12-2015 và vòng chung kết Euro 2016 sẽ khởi tranh từ ngày 10-6 tại 10 địa điểm trên toàn nước Pháp.

Đáng quan ngại hơn khi trong đêm 13-11, đã có 3 kẻ đánh bom tự sát nhắm đến mục tiêu là sân vận động Stade de France, nơi sẽ diễn ra trận khai mạc (ngày 10-6) và trận chung kết của Euro 2016 (ngày 10-7-2016). May mắn khi lực lượng an ninh kịp thời phát hiện và ngăn chặn 3 người này ngay từ bên ngoài. Nếu không, chưa biết số người thương vong sẽ còn cao đến mức nào.

Ông Le Graet tuyên bố: “Dù đã quan tâm đến vấn đề an ninh cho Euro 2016 nhưng bây giờ cần phải nâng cao mức quan tâm đó. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế tuyệt đối mọi rủi ro. Tôi biết rằng, tất cả đều đã cảnh giác, song lúc này cần phải thận trọng hơn nữa. Và đó là nỗi lo thường trực của cả FFF lẫn chính phủ Pháp”.

La Graet đã phối hợp rất chặt chẽ với ông Jacques Lambert - từng là Giám đốc Điều hành của Ban tổ chức World Cup 1998 và là Giám đốc Điều hành FFF từ năm 2015-2010, hiện là Chủ tịch Công ty Liên doanh Euro 2016 SAS, một đơn vị phối hợp giữa UEFA và FFF.

Trong một phát biểu trên đài phát thanh Pháp RTL vào ngày 14-11, ông Lambert khẳng định: Nước Pháp không nên hủy bỏ vòng chung kết Euro 2016: “Tấn công khủng bố từng xảy ra hồi tháng 1-2015 vào tòa báo Charlie Hebdo và lúc này mức độ đã tăng lên. Chúng tôi quyết định cần phải bảo đảm để Euro 2016 được tổ chức trong điều kiện an ninh tốt nhất. Việc hủy bỏ Euro 2016 sẽ là một bước lùi trước những kẻ khủng bố”.

Theo ông Lambert, chính phủ Pháp có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo đảm an ninh cho Euro 2016, sau một thỏa thuận được ký kết giữa Bộ Nội vụ và FFF vào giữa tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, sân vận động, các trung tâm huấn luyện và khách sạn cho các đội tuyển thuộc về trách nhiệm của Ban tổ chức. Cụ thể hơn, chính phủ đảm trách an ninh chung quanh các địa điểm và những khu vực dành cho người hâm mộ dự khán trận đấu trên các màn hình khổng lồ.

Các công ty an ninh tư nhân chịu trách nhiệm về an toàn bên trong sân vận động; trong khi đó, cảnh sát đảm trách an ninh ở vòng ngoài. Dĩ nhiên, khi cần thiết, các lực lượng thực thi pháp luật vẫn có thể vào bên trong sân vận động để hỗ trợ lực lượng an ninh.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn cần điều chỉnh để bảo đảm vòng chung kết Euro 2016 sẽ diễn ra trong an toàn tuyệt đối.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.