Vì sao nhiều khu vực bị ngập cục bộ khi mưa lớn?

.

Do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều tuyến đường, nhà dân ở trung tâm thành phố và các quận nội thành bị ngập nước cục bộ do không thoát kịp xuống cống thoát nước cũng như chảy ra sông Hàn. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng cục bộ cũng xuất phát từ nguyên nhân chậm thi công một số công trình chống ngập úng, thoát nước và bất cập của hệ thống thoát nước.

Một đoạn trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh bị ngập nước sau bão số 5 do thoát nước chậm và chưa thi công trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm.  (Ảnh chụp sáng 18-9-2020) Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một đoạn trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh bị ngập nước sau bão số 5 do thoát nước chậm và chưa thi công trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm. (Ảnh chụp sáng 18-9-2020) Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ rạng sáng 18-9 đến 10 giờ trưa cùng ngày, trên địa bàn 5 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu có đến 64 đoạn đường, nút giao thông, khu vực dân cư, tổ dân phố bị ngập nước cục bộ, sâu 20-50cm.

Trong đó, tại khu vực các tuyến đường: Hải Hồ, Nguyễn Đôn Tiết, Đầm Rong 2, Mai Am, Mai Lão Bạng, Ngô Chi Lan, Lý Tự Trọng, Đống Đa... bị ngập sâu. Riêng tuyến cống có khẩu độ lớn dưới lòng tuyến đường Hải Hồ và Lý Tự Trọng đã được hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020 nhưng vẫn bị ngập.

Theo các nhân viên của một khách sạn ở góc đường Lý Tự Trọng - Đống Đa, do nước trên mặt đường thoát xuống cống rất chậm nên chỉ mưa khoảng 30 phút là nước dâng lên vỉa hè và tràn xuống tầng hầm của khách sạn, làm hư hỏng nhiều thiết bị, vật dụng. Ông Lê Văn Định (trú đường Hải Hồ) cho hay: “Đường Hải Hồ bị ngập đến 50cm, nước tràn vào nhiều nhà dân vì nhiều lá cây, rác mắc kẹt vào các song sắt chắn rác phía trên cửa thu nước mưa mặt đường, làm cản trở thoát nước.

Do đó, các đơn vị chức năng cần nghiên cứu cải tạo các cửa thu nước mưa loại thẳng đứng, không gắn song sắt chắn rác cho lá cây, rác trôi tuột xuống cống, tránh gây ngập úng. Cạnh đó, nghiên cứu lắp đặt các loại máy lược rác tự động cho các trạm bơm, lưới thu gom rác ở các cửa cống xả nước mưa ra biển và sông Hàn”.

Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành cho rằng, việc có nhiều đoạn đường, khu vực dân cư bị ngập nước cục bộ trong rạng sáng và sáng 18-9 là do nhiều lá cây, bèo, rác... làm tắc nghẽn thoát nước.

Cạnh đó, việc khơi thông thoát nước không kịp thời vì có gió bão làm nhiều người ngại ra thu gom lá cây, rác mắc kẹt ở các cửa thu nước mưa và cống, khiến nước rút chậm xuống hệ thống cống, mương, kênh, giảm hiệu quả thoát nước. “Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng chỉ bố trí nhân lực và phương tiện tập trung khơi thông thoát nước ở một số tuyến cống, kênh, mương chính và trọng yếu vì ít người. Rất mong UBND các quận, huyện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia khơi thông để nâng cao hiệu quả thoát nước”, ông Hà Văn Thành nói.

Trong đợt mưa rất to vừa qua, như thường lệ, tại khu vực trung tâm thành phố, nước lại ngập cục bộ tại các đoạn đường xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi... Một phần nguyên nhân là cửa xả nước mưa ra biển của tuyến cống thoát nước cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm bị ngập do triều cường cao, làm nước thoát rất chậm.

Trong khi đó, công trình trạm bơm chống ngập ở cuối tuyến đường Ông Ích Khiêm đã chậm triển khai thi công nhiều năm, đến nay vẫn chưa thi công. Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trạm bơm và làm việc với các chủ đầu tư Khu đô thị quốc tế Đa Phước về phần diện tích đất thu hồi để triển khai thi công. Dự kiến, công trình hoàn thành trong 6 tháng kể từ ngày khởi công.

Sau cơn bão số 5, khu vực dân cư ở kiệt 634 đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu); xung quanh chợ Hòa Cầm (ngập nước cục bộ 1 giờ) và kiệt 43 đường Nguyễn Nhàn, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ); đường Cù Chính Lan, An Xuân 1, An Xuân 2, Hồ Tương thuộc phường An Khê (quận Thanh Khê) bị ngập sâu. Những địa điểm nói trên là thượng lưu hoặc hạ lưu của các tuyến thoát nước chính từ sân bay Đà Nẵng chảy ra.

Ông Huỳnh Tấn (trú đường Cù Chính Lan) cho hay: “Trước đây, khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng là các ao, hồ và ruộng trồng rau muống với diện tích rất rộng. Do phát triển đô thị, khu vực này được đổ đất san lấp làm các khu dân cư và quy hoạch, xây dựng một số tuyến kênh, cống thoát nước chính. Tại đoạn hạ lưu kênh Phần Lăng, một tuyến thoát nước chính từ sân bay Đà Nẵng chảy ra, do cống qua tuyến đường Điện Biên Phủ được thiết kế, xây dựng nhỏ hơn kênh và có tuyến ống cấp nước băng qua nên mắc lại nhiều bèo, rác và cản trở dòng chảy. Do đó, cần nghiên cứu lại việc thoát nước ở hạ lưu tuyến kênh Phần Lăng nói riêng và xung quanh Sân bay Đà Nẵng nói chung”.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà, có thể thấy, nguyên nhân gây ngập úng cục bộ do mưa lớn từ cơn bão số 5 vừa qua là do mưa rất to kết hợp triều cường làm ngập các cửa xả ra biển và sông Hàn, nên nước thoát chậm. Cạnh đó, dù đã tập trung khơi thông cống thoát nước và cửa thu nước mưa trước khi bão số 5 đổ bộ, nhưng có rất nhiều cửa thu nước mưa trên mặt đường cũng như kênh, cống bị lá cây, rác... mắc kẹt làm tắc nghẽn, cản trở thoát nước.

Hiện đơn vị đang chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ các vị trí, đoạn đường bị ngập úng do ảnh hưởng của bão số 5 vào ngày 18-9 vừa qua để có đánh giá tổng thể và tiếp tục chỉ đạo cũng như đề xuất UBND thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khắc phục nhằm giảm ngập úng cục bộ trong mùa mưa bão thời gian đến.

Theo Sở Xây dựng, đơn vị đang đôn đốc Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng khảo sát, nghiên cứu, đề xuất xử lý thoát nước tổng thể khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng theo chỉ đạo của UBND thành phố. UBND thành phố cũng đã có chủ trương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến cống từ sân bay Đà Nẵng ra kênh Khuê Trung...

Đối với các công trình xử lý ngập úng và thoát nước đang triển khai, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố đôn đốc UBND các quận, huyện khẩn trương hoàn thành giải phóng mặt bằng và các đơn vị quản lý, điều hành dự án sớm hoàn thành các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, hồ sơ điều chỉnh thiết kế... để triển khai thi công.  

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích