Chung tay cùng thành phố chống dịch

.

Trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố, người dân chỉ ra khỏi nhà trong những trường hợp thật sự cần thiết và phải có giấy đi đường/phiếu đi chợ… Nhiều bạn đọc đã bày tỏ suy nghĩ về giấy đi đường với mong muốn người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định để chung tay cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Lực lượng Công an kiểm soát giấy đi đường của người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo  Chỉ thị 05/CT-UBND trên tuyến đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê. Ảnh: TRẦN ÁNH DƯƠNG
Lực lượng Công an kiểm soát giấy đi đường của người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 05/CT-UBND trên tuyến đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê. Ảnh: TRẦN ÁNH DƯƠNG

Từ khu vực thực hiện cách ly y tế ở tổ 38, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), ông Nguyễn Văn Xuyên cho rằng, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thành phố đề ra chủ trương kiểm soát, hạn chế người ra đường bằng giấy đi đường là biện pháp đúng đắn. Một bạn đọc khác là luật sư bày tỏ: “UBND thành phố Đà Nẵng đã kịp thời ban hành mẫu giấy đi đường chung nhằm hạn chế việc người dân ra đường khi không cần thiết nhằm bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19”.

Anh T.X (quận Thanh Khê) - chủ một doanh nghiệp, nêu ý kiến: “Tôi là giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đang phải dừng sản xuất do không nằm trong nhóm ngành nghề thiết yếu. Tôi đồng tình việc hạn chế ra đường đối với những người làm trong lĩnh vực không ưu tiên để góp phần giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nếu bất kỳ ai trong lĩnh vực đang tạm ngừng hoạt động đều bị cấm lưu thông (nếu không có lý do đặc biệt theo quy định) là còn bất cập. Chẳng hạn, nhà tôi ở quận Thanh Khê, trong khi cơ sở sản xuất của tôi đóng trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Là chủ doanh nghiệp, tôi phải được quyền đi đến cơ sở sản xuất của mình để kiểm tra, coi ngó nhà xưởng, nhất là trong thời điểm không có người lao động để hạn chế việc trộm cắp, cháy nổ… có thể xảy ra”.

Anh T.X đề nghị đối với chủ doanh nghiệp, dù ở ngành nghề thiết yếu hay không thì cũng nhanh chóng được cấp mã đi đường qua hệ thống mà không phải đi đến nơi này nơi kia xin phép. Như thế sẽ giúp rất nhiều cho doanh nghiệp yên tâm về việc bảo vệ trụ sở, nhà xưởng, tài sản trong quá trình tạm dừng vì dịch bệnh.

Ông Trương Anh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Tuấn Thi nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn đồng tình việc dùng giấy đi đường để kiểm soát việc đi lại nhằm thực hiện công tác phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, thiết nghĩ thành phố nên áp dụng công nghệ thông tin trong vấn đề này, chẳng hạn nên dùng một phần mềm quét điểm đến của người dân, vừa có thể nắm được lịch trình của người dân, vừa giảm áp lực cho các chốt kiểm soát dịch. Cá nhân, đơn vị nào làm sai thì phạt thật nặng theo quy định phòng, chống dịch, thậm chí rút giấy phép kinh doanh với những doanh nghiệp/cơ sở sản xuất vi phạm”.

Anh Đỗ Trọng Cường (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) góp ý giải pháp để chung tay cùng thành phố chống dịch: “Tại các chốt, tôi thấy các tình nguyện viên và những người gác chốt kiểm tra giấy đi đường tiếp xúc rất gần với người tham gia giao thông. Đặc biệt, các thao tác kiểm tra như cầm giấy tờ đi đường không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Vì vậy, thành phố cần triển khai thực hiện việc kiểm tra bằng mã QR. Cụ thể, thành phố cho các cơ quan, đơn vị đăng ký số lượng người, sau đó cấp mã QR cho từng người thông qua số chứng minh nhân dân, giống như khai báo y tế. Khi qua các chốt, người tham gia giao thông được cấp mã QR chỉ việc rút điện thoại soi chiếu, sau khi nghe tiếng kêu “tít” là có thể qua chốt. Điều này vừa thuận tiện cho các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông, vừa bảo đảm công tác quản lý và vệ sinh phòng dịch”.

Anh Cường góp ý thêm: “Trước mắt, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân lúc này, thành phố nên cấp thẻ đeo trên áo như thẻ viên chức, thẻ này ghi rõ họ tên, đơn vị và có ảnh cá nhân, thông tin tuyến đường, thời gian lưu thông. Cùng với đó là phân loại thẻ theo màu để dễ nhận biết như thẻ viên chức có màu khác với thẻ nhân viên đơn vị doanh nghiệp và kèm theo số hiệu được cấp. Căn cứ vào đó, người trực chốt dễ nhận biết để theo dõi người đi qua các chốt, nếu thấy trường hợp nào nghi vấn mới cho dừng lại kiểm tra kỹ càng hơn”.

"Để kiểm soát tốt mẫu giấy đi đường, trước hết người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (được phép làm việc theo quy định trong thời gian giãn cách xã hội) phải có tính gương mẫu, tự giác và có trách nhiệm cao đối với chữ ký của mình. Cần xử phạt nghiêm các trường hợp lạm dụng hoặc cố ý dùng giấy đi đường không đúng quy định”

Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê)

NHÓM PHÓNG VIÊN ghi

;
;
.
.
.
.
.