Pháp luật
Mất tiền, mất cả niềm tin
Có mối quan hệ thân thiết với các bị cáo, những người bị hại không ngờ mình lại trở thành đối tượng “sập bẫy lừa”. Không chỉ mất tiền, lớn hơn, họ còn mất cả niềm tin với người thân...
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hai bị cáo của hai vụ án khác nhau do TAND quận Liên Chiểu xét xử nhưng lại có điểm chung: trẻ, khỏe nhưng không thích làm việc và lựa chọn lừa đảo để có tiền vui chơi. Đáng nói, nạn nhân của cả hai đều là người có mối quan hệ ruột thịt hoặc thân thiết.
1. Ở vụ án thứ nhất, bị cáo tên K.T.K.A (SN 1990, quê Phú Yên) vốn lười làm nhưng thích hưởng thụ nên tìm cách để có tiền một cách nhẹ nhàng. Phi vụ lừa đảo đầu tiên đã tô vết mực đen vào lý lịch của cô gái tuổi 24 bằng bản án 3 tháng tù giam do TAND quận Hải Châu tuyên phạt.
Vậy mà A. vẫn không hối hận, chứng nào tật nấy. Năm 28 tuổi, A. vẫn chưa có công việc gì, tiếp tục dấn thân vào con đường ăn chơi và “ngựa quen đường cũ” để có tiền tiêu xài. Lần này, đối tượng “giăng bẫy” của A. chính là chị L.T.N (SN 1986, ngụ quận Liên Chiểu), chị em cô cậu ruột của A.
Khoảng giữa năm 2016, A. thường xuyên liên lạc, gặp gỡ chị N. Trong lúc trò chuyện, A. giả vờ vô tình tâm sự về việc sau khi chấp hành án xong đã nhờ một số người quen giúp đổi tên và tự nhận mình có khả năng xin được việc tại tòa án. Để tạo lòng tin với “con mồi”, A. còn đưa thông tin giả đã làm việc tại tòa án được một thời gian. Đồng thời, A. đăng lên mạng xã hội Facebook hình ảnh và nội dung liên quan để chứng minh.
Sau khi tạo vỏ bọc hoàn hảo cho bản thân, khoảng tháng 11-2016, A. nói với chị N.: “Chị có con nhỏ lại không có việc làm, em có người quen làm lớn, chị đưa tiền cho em để em xin cho chị vô làm tại tòa án”. Những ngày sau, A. liên tục gọi điện thoại thúc giục chị họ với lý do “nhanh nhanh chứ người khác xin vào làm mất”.
Tin tưởng người em, chị N. chuẩn bị đủ số tiền theo yêu cầu của A. Cuối năm 2016, chị N. giao cho A. 20 triệu đồng. Một thời gian sau, A. báo rằng cần thêm 22 triệu đồng nữa và chị N. đã đưa thêm số tiền này. Lần thứ 3, chị N. tiếp tục giao 15 triệu đồng theo yêu cầu của A. Tổng cộng, chị N. đã giao cho A. 57 triệu đồng.
Sau một thời gian dài chờ đợi cùng những lời hứa hẹn có cánh của A., chị N. nghĩ mình bị lừa nên đến phòng trọ của A. tại quận Sơn Trà để đòi lại tiền. Tại đây, A. ủ rũ thừa nhận đã tiêu xài hết 57 triệu vào mục đích cá nhân.
Tại phiên tòa, chị N. buồn rầu chia sẻ: “Tôi tin tưởng A. là em mình, hơn nữa, A. cũng hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi khi đang nuôi con nhỏ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện A. sẽ lừa mình. Vậy mà...”. Giọng chị buồn thiu: “Thôi thì, chuyện cũng đã rồi, tôi chỉ mong A. trả lại tiền cho tôi vì tiền đó là tiền tôi vay mượn. Giờ mà không có tiền trả cho mọi người, tôi không biết phải xoay sở làm sao”.
2. Tương tự, bị cáo N.T.K.L (SN 1993, quê Quảng Nam) mặc dù không có nghề nghiệp nhưng lại thích bù khú, đua đòi ăn chơi với bạn bè. Để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, L. vay của người này, mượn của người kia; đến khi bị đòi nợ, L. liền nảy sinh ý định liên lạc với những người quen và hẹn tâm sự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. “Con mồi” đầu tiên của L. là anh T.M.V, người em bà con bên chồng. Sau khi rủ anh V. ra Đà Nẵng chơi, L. giả vờ mượn xe máy của bị hại để đi công việc rồi mang đi cầm cố vay 3 triệu đồng. Theo kết luận định giá, chiếc xe này trị giá 9,5 triệu đồng.
Một tuần lễ sau, với chiêu thức cũ, L. hẹn anh P.H.N, người yêu cũ, ra Đà Nẵng hàn huyên. Khi gặp, L. đã “mượn” xe máy và điện thoại của anh N. Chiếc xe máy được L. mang đi cầm với giá 3 triệu đồng và trả nợ, tiêu xài hết. Tổng giá trị tài sản L. chiếm đoạt của anh N. là hơn 10 triệu đồng.
3. Cái giá phải trả cho sự ham chơi, lười làm của hai cô gái trẻ là A. lãnh 30 tháng tù giam, L. lãnh 18 tháng tù giam. Mặc dù nói trẻ nhưng ở độ tuổi 28 và 25, A. và L. đã đủ chín chắn, trưởng thành cho những quyết định quan trọng của đời người. Đáng tiếc, cả hai lại lựa chọn đánh đổi tháng ngày thanh xuân trong lao tù với quãng thời gian vui chơi ngắn ngủi! Tòa vãn, nhiều người dự khán lắc đầu ngao ngán...
NAM BÌNH