Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin về bạo lực học đường và tội phạm tuổi vị thành niên xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, nào là học sinh nữ đánh bạn chỉ vì bạn học giỏi hơn mình, đánh bạn chỉ vì cái nhìn “đểu”, đánh bạn chỉ vì ghen, rồi đánh/giết người với những nguyên nhân nhỏ nhặt khác nhau... Đối với vụ đua xe có dấu hiệu cướp giật tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), khiến 2 chiến sĩ Công an hy sinh hồi tháng 4-2020, nhóm đối tượng đua xe cũng còn rất trẻ (có 3 đối tượng từ 16-19 tuổi, 2 đối tượng chưa đủ 16 tuổi)...
Vấn đề tội phạm đang trẻ hóa là điều đáng lo ngại. Vậy trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? Nhiều người chắc hẳn đổ lỗi cho “mặt trái của kinh tế thị trường”, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa độc hại trên mạng ảnh hưởng đến giới trẻ... Nhưng những nguyên nhân này không thuyết phục. Vậy thì lỗi ở đâu? Xét từ mối tương quan mà chúng ta vẫn thường nhắc đến: Gia đình - nhà trường - xã hội, xin bàn về khía cạnh nhà trường.
Trước hết, cần phải nói đến chương trình đào tạo. Nhìn chung, chương trình giáo dục quá nặng, học sinh chẳng có thời gian nghỉ ngơi, những bộ óc còn non trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển đã phải làm việc quá sức... Nhưng không học thì không theo được chương trình. Vì vậy, cần tính toán để giảm tải chương trình (nhất là các môn Khoa học tự nhiên) và tăng thêm thời lượng các môn Khoa học xã hội nhằm giáo dục nhân cách con người như: Văn học, Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, Pháp luật...
Một người bạn của tôi, từng được dự giờ một buổi học của học sinh tiểu học ở Nhật Bản, chia sẻ rằng tại sao nước Nhật lại phát triển như vậy? Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục - đào tạo của Nhật rất tốt. Khi học sinh đến trường, giáo viên luôn nhắc nhở: “...Các con là những kẻ bất hạnh vì các con được sinh ra ở một đất nước nghèo nàn, không có tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên có thiên tai địch họa... Tương lai của đất nước phụ thuộc vào sự học tập, phấn đấu của các con...”. Còn ở nước ta thì ngược lại”. “...Đất nước ta giàu đẹp, có rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, sông biển lắm cá tôm, lại thêm gỗ quý trên rừng, than, sắt, bạc, vàng dưới đất...”.
Đến bất cứ trường học nào cũng đều có khẩu hiệu rất lớn: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng có cảm tưởng rằng, chúng ta mới thực hiện được một vế sau (dù vế đó cũng chưa được thực hiện tốt), còn vế trước “Tiên học lễ” thì có lẽ bị bỏ rơi. Các môn học về “lễ” được xem là môn phụ, học sinh không quan tâm, giáo viên thì chịu không ít áp lực... Và hậu quả là chúng ta phải gánh chịu tình trạng bạo lực học đường, học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, quan hệ thầy trò không còn giữ được những nét đẹp truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”.
Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, mỗi thế hệ đều có cách thể hiện chung riêng một vấn đề, nhưng thật xót xa khi nghe con gái của cô giáo tôi nói với mẹ rằng: “Sao thời của mẹ lại có những thế hệ học sinh tuyệt vời đến vậy, ra trường đã mấy chục năm rồi, mà ngày 20-11 năm nào cũng đến chúc mừng các thầy, cô giáo cũ”!
Nêu những vấn đề này để thấy rằng, vai trò của môi trường sư phạm, cụ thể là nhà trường, có ý nghĩa thế nào đối với việc giáo dục nhân cách, lòng yêu con người, yêu quê hương đất nước của học sinh. Thiết nghĩ không thể xem nhẹ vai trò của ngành giáo dục, của nhà trường trong việc xây dựng một thế hệ tương lai “vừa hồng vừa chuyên” của đất nước.
DÂN HÙNG