8 giờ kém một sáng đầu tháng 8, chiếc xe du lịch đổ tại Bệnh viện (BV) Phổi Đà Nẵng đúng giờ như thường lệ. Nhóm bác sĩ BV Chợ Rẫy mang khẩu trang, đeo ba lô xuống xe, đi thẳng vào Khoa Hồi sức tích cực.
Vừa tới phòng giao ban, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu- BV Chợ Rẫy, Trưởng đoàn, yêu cầu mở đèn xem X-quang phổi mới nhất đã dán sẵn trên tường.
Cụ ông P.V.L là bệnh nhân lớn tuổi mắc Covid-19 nhưng hồi phục tốt, chờ ngày ra viện. Trong ảnh: Bác sĩ Trần Thanh Linh nhắc nhở cụ L. đeo lại khẩu trang bị lệch. Ảnh: TRẦN THẮNG |
Còn nước còn tát
Thoáng chút suy tư, bác sĩ Linh chỉ tay lên phim X-quang bên phải rồi quay sang trao đổi cùng đồng nghiệp. Nhiều bệnh nhân rất nặng, không thua gì bệnh nhân 91 phi công người Anh. Loạt phim X-quang mới nhất cho thấy phổi các ca nguy kịch đang chuyển dần về trắng, rất mờ - một dấu hiệu xấu. Tuy nhiên, có 2 tấm phim X-quang bên trái màu sắc phổi đậm hơn, chứng tỏ 2 trong 6 bệnh nhân nguy kịch đã đáp ứng điều trị. Thật là thông tin đáng khích lệ cho nhóm y, bác sĩ BV Chợ Rẫy.
Đánh giá tình hình chừng 15 phút, mọi người ra tủ đồ thay quần áo bảo hộ trước khi vào thăm bệnh. Bộ đồ áo liền quần trắng toát, kín bưng như phi hành gia được khoác vào kèm bao giày, găng tay cao su cùng mặt nạ che giọt bắn. Chiếc khẩu trang N95 - vật bảo hộ quan trọng nhất, được kiểm tra, bóp chặt hết cỡ. Nữ điều dưỡng cầm bút lông, viết tên từng người lên áo cả hai mặt trước, sau.
Siết tay nhau truyền thêm sự tự tin, bác sĩ Linh dẫn đầu đoàn mở hai lớp cửa bước vào khu hồi sức. Ngay phòng đầu tiên bên phải, một trong những bệnh nhân đầu tiên trong làn sóng dịch thứ hai, mê man bất động. Ông được xác định là bệnh nhân nặng nhất trong nhóm 6 bệnh nhân nặng đang được các bác sĩ BV Chợ Rẫy phụ trách. Bên giường bệnh, máy ECMO, máy thở vẫn chạy miệt mài làm thay công việc của tim và phổi. Nhóm bác sĩ điều chỉnh thông số thiết bị rồi liên tục dùng tay xoa đều, chốc chốc vỗ bình bịch vào ngực bệnh nhân để kích thích hai lá phổi hoạt động.
Với tay lấy đầu dò chiếc máy siêu âm bên cạnh, bác sĩ Việt Anh BV Chợ Rẫy rà một vòng lên bụng và ngực bệnh nhân kiểm tra chức năng nội tạng. Không ai có thể nói trước điều gì về tình trạng bệnh nhân lúc này, chỉ biết rằng còn nước còn tát. “Bệnh nhân này đã chạy ECMO và thở máy hàng chục ngày qua, lại còn nhiễm vi khuẩn đa kháng, tình trạng rất nặng nhưng dấu hiệu đáng mừng là kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 2 lần liên tiếp. Ê-kíp đang áp dụng vật lý trị liệu, kháng sinh kháng nấm liều cao cho bệnh nhân”, bác sĩ Việt Anh nói khó nhọc trong bộ đồ bảo hộ.
Thao tác trong bộ đồ bảo hộ thực sự không dễ dàng. Bộ đồ ôm kín khiến mồ hôi rỉ thành dòng bên trong. Trên mặt, chiếc khẩu trang N95 bóp chặt mũi muốn nghẹt thở và hơi nước đọng thành sương mù trên lớp kính che mặt mờ ảo. Thế mà luôn có những điều dưỡng, bác sĩ khoác lên mình bộ đồ ấy ứng trực cả ngày lẫn đêm, theo dõi bệnh nhân hàng giờ, hàng phút, bất kể đối diện nguy cơ phơi nhiễm mỗi ngày. Sau một giờ, điều dưỡng Hồng đi khắp một lượt ghi lại chỉ số sinh tồn của từng bệnh nhân vào cuốn sổ to chi chít những hàng ngang, hàng dọc...
Chiến đấu và chiến thắng virus
Bệnh nhân N.T.K.Đ nằm phòng cuối của tầng 1 khẽ ho khi được nhóm bác sĩ điều trị vật lý trị liệu tích cực. Sau chuỗi ngày dài mê man, ông Đ. dần hồi tỉnh và đến nay đã hồi phục rất khả quan, chờ ngày ra viện. Vào viện với tình trạng suy hô hấp nặng, ông Đ. được làm ECMO tại BV Đà Nẵng và có diễn biến thuận lợi, từng bước rút được hệ thống ECMO và cải thiện chức năng hô hấp. Dù vậy, mỗi hơi thở còn khó nhọc với những tổn thương phổi do virus gây ra.
Những ngày bệnh tình của ông Đ. trầm trọng, các điều dưỡng được lệnh túc trực theo dõi chặt chẽ để can thiệp kịp thời. Nhận thấy dấu hiệu hồi phục tích cực, bác sĩ Linh chỉ định tập cai dần máy thở, đồng thời yêu cầu điều dưỡng chuẩn bị thuốc an thần để truyền cho bệnh nhân. Những ca bệnh nặng vừa hồi tỉnh được các bác sĩ cố định tay vào thành giường và cho sử dụng thuốc an thần để bệnh nhân không vô ý cử động, rứt dây các thiết bị hỗ trợ khỏi cơ thể.
Đơn vị hồi sức được sắp xếp lại khá khoa học với trang bị hiện đại và ê-kíp của BV Chợ Rẫy mà bác sĩ Linh là người đứng đầu. Các bệnh nhân theo thứ tự từ nặng đến nhẹ được bố trí từ gần tới xa so với lối vào. Trên tầng 2 là nhóm 8 bệnh nhân nhẹ hơn, đã vượt qua giai đoạn nguy kịch. Càng gần lối ra, những gương mặt càng tươi tỉnh, tràn đầy sự sống.
Thấy bác sĩ Linh tới, bệnh nhân P.T.B nở nụ cười tươi sau chiếc khẩu trang. Qua những ngày bệnh tật hành hạ, bà đi đứng trở lại và trên đà hồi phục dù tuổi đã cao. “Đứa nào vậy con? Con là đứa nào mà bác nghe giọng quen quá! May nhờ mấy đứa tụi bây hết sức cứu chữa bác mới khỏe được như bữa nay”, bà B. nắm tay bác sĩ Linh tâm tình. Các bác sĩ ở đây mang đồ bảo hộ che kín toàn thân nhưng bà vẫn nhận ra mọi người nhờ giọng nói đã quen tai từ lúc vào viện.
Bác sĩ Linh nói rẹt giọng Sài Gòn, ngọt ngào và tình cảm, dễ thương, dễ nhớ. Dù bà B. đã khỏe, xét nghiệm trong người không còn virus nhưng phổi vẫn còn yếu và phải bổ sung oxy qua gọng mũi. Bác sĩ Linh luôn miệng hỏi thăm, nhắc đi nhắc lại bà B. đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng cồn sát khuẩn mỗi ngày.
Ở phòng cuối cùng của tầng hai, bệnh nhân L.T.V.Đ (67 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) không còn cần oxy hỗ trợ. Bà Đ. lớn tuổi, có tiền sử tiểu đường, nên việc hồi phục nhanh chóng là điều ấn tượng. “Các bác sĩ ở đây dễ thương và nhiệt tình quá, cứ chăm sóc chúng tôi từng li từng tí một như người nhà vậy. Từ hồi vào đây điều trị, dù không có người thân ở bên nhưng chúng tôi cảm thấy rất an lòng và tin tưởng”, bà Đ. nắm bàn tay bác sĩ Linh, xúc động nói.
Chúng tôi đang điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng. Nhiều người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền như suy tim, suy thận, tiểu đường, cao huyết áp và một số bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. Dù vậy, chúng tôi quyết tâm hết sức, cùng với các đồng nghiệp Đà Nẵng, để mang lại sự sống cho mỗi bệnh nhân, cố gắng làm sao hạn chế tối đa các ca tử vong để cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt” Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy |
TRẦN THẮNG